Kết nối cung cầu hàng hóa: Hướng tiêu thụ nông sản Việt

Chiều ngày 28/11, Sở Công Thương Nghệ An tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ năm 2018.

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và quảng bá được thương hiệu, người sản xuất có đầu ra ổn định, người tiêu dùng mua được hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Đó cũng là những lợi ích rõ ràng mà chương trình hợp tác thương mại kết nối cung cầu giữa tỉnh Nghệ An với các tỉnh, thành phố trên cả nước bước đầu tạo dựng được trên thị trường nội địa.

Toàn cảnh hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, dịch vụ tỉnh Nghệ An năm 2018

Để khai thác hiệu quả thị trường nội địa, thời gian qua, Sở Công Thương Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động giao thương, kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp Nghệ An với các doanh nghiệp Hà Nội, Hưng Yên, An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên. Đến nay, thông qua các hội nghị kết nối cung cầu đã ký kết được 190 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ kinh doanh và hình thành hơn 100 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Hiện, Nghệ An có 157 làng nghề, 690 hợp tác xã và hơn 8.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang hoạt động với nhiều sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã... Trong đó một số sản phẩm như: Tinh bột nghệ Hoa Sơn, tương Nam Đàn, cam Vinh Kỳ Yến, nước mắm Vạn Phần Diễn Châu, miến dong Nam Đàn, lươn thành phẩm... đã đi vào các hệ thống phân phối như: hệ thống siêu thị Vinmart, siêu thị Tứ Sơn An Giang, các nhà phân phối ở chợ Hàn Đà Nẵng, hệ thống siêu thị Intimex, hệ thống các đại lý, cửa hàng bán lẻ ở các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh...

Hội nghị kết nối cung cầu đã ký kết được 190 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các DN, HTX, làng nghề, hộ kinh doanh và hình thành hơn 100 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất bước đầu tiếp cận được các hệ thống phân phối hiện đại, nắm bắt xu thế thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để thay đổi chiến lược kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp hơn. Qua đó, thúc đẩy có hiệu quả và chất lượng hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại các địa phương; hỗ trợ hình thành kênh phân phối sản phẩm nông sản đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…

Các sở, ngành, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã trao đổi về những yêu cầu, thách thức, quy trình để đưa hàng hóa vào kênh phân phối hiện đại. Đồng thời, chỉ rõ những hạn chế như: Nghệ An có nhiều đặc sản, HTX nhiều nhưng việc kết nối thúc đẩy phát triển, tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo. Khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp, ứng dụng thương mại điện tử chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa, thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - ông Đinh Viết Hồng yêu cầu Sở Công Thương và các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về công tác phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa theo chiều sâu, đa dạng với các địa phương trong và ngoài nước để khai thác hiệu quả thị trường nội địa, hướng tới thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, sản phẩm để bảo vệ những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính. Xây dựng cơ sở dữ liệu, chỉ dẫn địa lý để kết nối các sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm...

Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết, trao đổi các biên bản ghi nhớ giữa các nhà phân phối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ket-noi-cung-cau-hang-hoa-huong-tieu-thu-nong-san-viet-112523.html