Kết nối cung - cầu để thúc đẩy giao thương hàng hóa

Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các địa phương được xem là giải pháp đột phá, giúp tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản, cung ứng nguồn hàng với giá cả ổn định. Giai đoạn 5 năm (2016-2020) thực hiện Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành (Chương trình) đã chứng minh rằng, thông qua các hoạt động kết nối, đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ, thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện, lượng hàng hóa được tiêu thụ mạnh, hợp đồng cung - cầu hàng hóa gia tăng, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ sản phẩm.

Hiệu quả kết nối

Hoạt động kết nối giữa các nhà phân phối và doanh nghiệp tại Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2020.

Hoạt động kết nối giữa các nhà phân phối và doanh nghiệp tại Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2020.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 5 năm (2016-2020) thực hiện Chương trình đã tạo được nguồn hàng bình ổn thị trường tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành. Sở công thương các tỉnh, thành đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, phân công đầu mối liên lạc, trao đổi thông tin: phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường, chia sẻ thông tin thị trường, điều phối hàng hóa, phối hợp xử lý biến động thị trường; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp các bên đầu tư; phối hợp phát triển hệ thống phân phối, xây dựng chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến hoạt động phân phối; hỗ trợ thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu... Qua kết nối, nhiều nhà phân phối lớn của TP Hồ Chí Minh đã mở rộng mạng lưới đến các tỉnh, thành phố. Trong khi các hệ thống này là các doanh nghiệp chủ lực trong công tác bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh. Nhờ áp dụng chính sách một giá trên cả nước nên góp phần đồng hành, thực hiện bình ổn thị trường tại các địa phương.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết, thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020, TP Hồ Chí Minh ký kết tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh thành trên 4.500 tỉ đồng/năm. Qua 5 năm thực hiện, đã có 28 doanh nghiệp bình ổn thị trường của thành phố đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành với tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỉ đồng. Trong khi các doanh nghiệp này đã liên kết, ứng vốn cho nông dân canh tác, bao tiêu nông sản đạt 3.200 tỉ đồng/năm và đã có hơn 3.190 hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa các doanh nghiệp được ký kết trong 5 năm qua. Phần lớn các doanh nghiệp bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh đều đã xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh, thành. Riêng Saigon Co.op có hệ thống kho bãi, logistics, siêu thị phủ khắp cả nước, là đầu mối liên kết, thu mua tại chỗ các mặt hàng nông sản, với những mặt hàng có sản lượng lớn được thu mua, cung cấp cho thị trường cả nước.

Còn tại TP Cần Thơ, giai đoạn 2016-2020, thành phố quan tâm mời gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hệ thống phân phối, trong đó, có các doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn này các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã đầu tư 3 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và 137 cửa hàng tiện ích với tổng vốn đầu tư 3.060 tỉ đồng, góp phần xây dựng hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn thành phố, nâng cao chất lượng dịch vụ trong cung ứng hàng hóa phục vụ người dân. Đến nay, TP Cần Thơ có một hệ thống hạ tầng thương mại tương đối đầy đủ với 11 siêu thị, 6 trung tâm thương mại, 137 cửa hàng tiện ích và 107 chợ phân bố tại các quận, huyện góp phần phân phối lượng lớn sản phẩm thực phẩm, sản phẩm thiết yếu đến người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân thành phố và các địa phương lân cận.

Nâng tầm hợp tác

Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho rằng, quá trình thực hiện Chương trình, TP Hồ Chí Minh đóng vai trò dẫn đắt, định hướng thị trường rất tốt. Nhờ đó, đã có tác động thay đổi tích cực đến doanh nghiệp trong sản xuất hàng hóa an toàn. Đến nay, tại tỉnh Long An, nhiều mô hình sản xuất nông sản an toàn được hình thành và phát triển ổn định. Để nâng cao vai trò đầu tàu dẫn dắt, TP Hồ Chí Minh nên thực hiện thường xuyên hơn các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa. Đồng thời, Bộ Công Thương cần hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc kết nối sản phẩm của các vùng miền đến các thị trường lớn ngoài TP Hồ Chí Minh.

Nhìn nhận về những khó khăn tồn tại trong thực hiện Chương trình thời gian vừa qua, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết, công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối đến nay vẫn còn khó khăn thách thức khi nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương vẫn chưa thể kết nối, cung ứng vào thị trường TP Hồ Chí Minh cũng như xúc tiến xuất khẩu. Nguyên nhân do sản lượng cung ứng phần lớn từ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công chưa ổn định về sản lượng, đồng đều về chất lượng; các doanh nghiệp, nhà cung ứng tại các địa phương chưa chủ động hoặc liên kết hợp tác trong khâu vận chuyển, logistics, marketing...; một số sản phẩm chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm... để có thể ký kết hợp đồng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại.

Định hướng phát triển sắp tới, TP Cần Thơ sẽ thúc đẩy liên kết, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng logistics, trung tâm thương mại - dịch vụ công nghiệp hỗ trợ vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Liên kết hợp tác đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới thương mại kinh doanh bán lẻ chuyên nghiệp, quản lý và điều hành chuỗi kinh doanh các nhà bán lẻ ứng dụng rộng rãi các công nghệ và phương thức kinh doanh bán lẻ tiên tiến, hiện đại. Liên kết hỗ trợ trong việc kêu gọi đầu tư, giới thiệu các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng thương mại... Theo đó, TP Cần Thơ sẽ có cơ chế hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đến đầu tư, sản xuất kinh doanh...

Việc mở rộng ký kết các hiệp định thương mại tự do mang đến nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức cho doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập. Do đó, liên kết và phát triển là mục tiêu hết sức quan trọng để tăng sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa. Do vậy hoạt động tiếp theo của chương trình liên kết này được ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh với vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế, có nhiều thuận lợi về giao thương kinh tế nên sẽ là nơi kết nối hàng hóa của các địa phương đi xa hơn. Đồng thời, sẽ hợp tác với ngành Công Thương các địa phương để có những sáng tạo phù hợp trong quá trình liên kết. Theo ông Vũ, thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, Global GAP; hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương. Riêng thành phố sẽ tiếp tục xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, kiểm soát chặt chẽ quá trình lưu thông hàng hóa xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng, đến hoạt động phân phối, tiêu dùng nhằm giảm chi phí trung gian và đẩy mạnh xuất khẩu...

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ket-noi-cung-cau-de-thuc-day-giao-thuong-hang-hoa-a126116.html