Kết nối Á-Âu trước những thách thức mới

Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12) diễn ra trong 2 ngày 18-19/10 tại thủ đô Brussels của Bỉ với chủ đề 'Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu'.

Là hội nghị cấp cao đầu tiên trong thập niên hợp tác thứ ba giữa hai lục địa Á - Âu, chương trình nghị sự ASEM 12 năm nay do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk chủ trì, sẽ xoay quanh các biện pháp nâng cao hiệu quả đối thoại và hợp tác giữa hai bên khi tình hình biến động trên thế giới thời gian qua tạo ra những căng thẳng và phức tạp mới.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: PAP/TTXVN

Mảng thương mại và đầu tư Á - Âu được đánh giá là nội dung cực kỳ quan trọng trong hội nghị năm nay, trong bối cảnh chủ nghĩa thương mại đa phương đứng trước những thách thức chưa từng có, đặc biệt từ sự gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ và sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, gây ra những trở ngại cho mô hình tự do thương mại, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF-WB) 2018 vừa diễn ra tại đảo Bali, IMF cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài có thể làm giảm 0,9% tăng trưởng kinh tế của châu Á trong những năm tới.

Còn với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), IMF đánh giá do tác động của căng thẳng thương mại và vấn đề Brexit, tăng trưởng trung bình của khối sẽ chỉ đạt 2% trong năm nay, thấp hơn 0,2% so với ước tính hồi tháng 7 vừa qua, và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 1,9% trong năm tới.

Việc Mỹ tung ra đòn đánh thuế bổ sung đối với 250 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh cũng áp đặt hàng loạt biện pháp đáp trả cứng rắn, cho thấy cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới còn rất khốc liệt và nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang.

Cùng với đó, chủ nghĩa bảo hộ cũng là yếu tố dẫn tới những rủi ro kinh tế, tài chính tiềm ẩn khi gây ra tâm lý hoang mang cho giới đầu tư và không ít lần làm chao đảo thị trường tài chính, trong khi nền kinh tế thế giới mới chỉ vừa mới trở lại guồng tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và đang rất cần một môi trường ổn định để tạo đà thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Nguy cơ về một cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rõ nét song hành với những bất đồng thương mại và khủng hoảng tại các thị trường mới nổi khiến cơ hội để thế giới tiếp tục duy trì tăng trưởng ngày càng thu hẹp.

Vấn đề phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu cũng đang là những nội dung đòi hỏi các sáng kiến và chủ trương hợp tác hiệu quả để hiện thực hóa các mục tiêu toàn cầu đã đề ra. Thời gian qua, Liên hợp quốc liên tục cảnh báo các quốc gia trên thế giới hành động chưa đủ để đạt mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Trong khi đó, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) không ngừng rung chuông cảnh báo, thúc giục các nước áp dụng các biện pháp khẩn trương và quyết liệt chưa từng có mới có thể mong kiềm chế nhiệt độ toàn cầu nóng lên bởi mức nhiệt này đang tăng nhanh hơn dự tính.

Vì vậy, hội nghị là cơ hội quan trọng để các quốc gia thảo luận, đánh giá tiến độ thực hiện và cam kết thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững phù hợp với pháp luật và quy định của mỗi quốc gia, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở cả ba khía cạnh - kinh tế, xã hội và môi trường, trên cơ sở cân bằng và hội nhập.

Ngoài ra, trong bối cảnh ngày càng gia tăng các thách thức liên quan đến môi trường như: biến đổi khí hậu, hạn hán, nạn phá rừng, sa mạc hóa, thoái hóa đất đai, thiên tai, mất đa dạng sinh học và khan hiếm nước, hội nghị lần này cũng tạo diễn đàn chia sẻ và phối hợp hành động chặt chẽ hơn nữa giữa các nước Á - Âu để nâng cao khả năng thích ứng và tự cường trước các tác động tiêu cực do những thách thức trên gây ra.

Ngân hàng Phát triển châu Á đã cảnh báo châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, đe dọa hủy hoại mọi thành tựu phát triển của châu lục. Theo tính toán, 19 trong số 25 thành phố có nguy cơ biến mất khi nước biển dâng cao 1 mét là ở châu Á, 13 trong số 20 thành phố chịu thiệt hại tàn khốc do lũ lụt cũng là ở châu Á.

Vấn đề an ninh mạng cũng là một thách thức nóng trong bối cảnh các nền kinh tế châu Âu và châu Á nói riêng cũng như toàn cầu nói chung đều hướng tới kỷ nguyên kỹ thuật số, thương mại điện tử với kết nối Internet là xương sống. Hàng loạt các cuộc tấn công mạng đã diễn ra, để lại hậu quả kinh tế nghiêm trọng và cùng với đó là nguy cơ về những hậu quả chính trị khi các thủ đoạn can thiệp ngày càng tinh vi và khó lườngthách thức kiểu mới. Hàng loạt thách thức an ninh như khủng bố, nhập cư bất hợp pháp... trở thành mối đe dọa thường trực mà từng quốc gia riêng lẻ khó có thể ngăn chặn.

Trong bức tranh ấy thì việc tăng cường sự phối hợp và kết nối giữa các quốc gia ở cả hai châu lục càng trở nên quan trọng. Quy tụ 53 thành viên, đại diện 60% dân số thế giới và đóng gớp hơn 55% thương mại, 65% GDP toàn cầu, ASEM đang đứng trước thời khắc đặc biệt quan trọng để thể hiện vai trò "cánh chim đầu đàn" phối hợp đẩy lui những thách thức, đồng thời xác định chiến lược để kết nối mạnh mẽ hơn giữa châu Âu với châu Á nhằm củng cố vai trò của ASEM như cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả.

Lê Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/ket-noi-aau-truoc-nhung-thach-thuc-moi-20181018185752215.htm