Kết nghĩa cụm dân cư, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, phát triển

Sau 10 năm thực hiện phong trào kết nghĩa giữa xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và bản Thoọng Pẹ, huyện Căm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, diện mạo khu vực biên giới nơi đây đang từng bước đổi thay. Chính quyền và nhân dân hai địa phương đã thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ đó, chủ quyền, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội ở hai bên biên giới được giữ vững, bà con ở xã Sơn Kim 1 và bản Thoọng Pẹ thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau như anh em một nhà.

Quân y BĐBP Hà Tĩnh và y, bác sĩ Trạm y tế xã Sơn Kim 1 khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con bản Thoọng Pẹ. Ảnh: Thế Mạnh

Quân y BĐBP Hà Tĩnh và y, bác sĩ Trạm y tế xã Sơn Kim 1 khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con bản Thoọng Pẹ. Ảnh: Thế Mạnh

Từng bước nâng cao đời sống

Ở bản Thoọng Pẹ có gia đình bà A Dâng Sồng là tấm gương mạnh dạn làm kinh tế khiến bà con trong bản noi gương học tập. Từ 5 năm trước, với lợi thế vườn đồi sẵn có, sau khi được tham quan học hỏi một số mô hình phát triển kinh tế tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, bà Sồng đã quyết định đầu tư trang trại chăn nuôi lợn và đào ao thả cá để nâng cao thu nhập cho gia đình. Đến nay, mô hình đã có trên 100 con lợn, nhiều loại cá bước đầu cho thu nhập khá ổn định.

Bà A Dâng Sồng chia sẻ: “Phát triển mô hình nuôi lợn và nuôi cá là tôi học tập kinh nghiệm ở xã Sơn Kim 1. Hiện giờ, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập 40 triệu đồng. Tôi còn định sang Sơn Kim 1 học tập thêm một số mô hình phát triển kinh tế nữa, vì ở đây đất đồi bỏ hoang nhiều, tôi phải làm giàu theo người dân Sơn Kim 1 mới được”.

Ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 cho biết: “Chúng tôi đã hướng dẫn, hỗ trợ bà con và cán bộ cốt cán của bản Thoọng Pẹ biết cách áp dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, vì thế, một số hộ trong bản nhờ cần cù, chăm chỉ, sáng tạo đã biết vươn lên học hỏi, làm giàu từ những người “hàng xóm” ở xã Sơn Kim 1. Từ đó, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế giữa hai xã-bản ngày càng lan rộng”.

Không chỉ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, quân và dân xã Sơn Kim 1 còn chăm lo đến sức khỏe của nhân dân bản Thoọng Pẹ. Thoọng Pẹ nằm sau dãy Trường Sơn, với 2.661 nhân khẩu, đa phần là dân tộc Mông, Lào sinh sống. Trước đây, do trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết nên hễ có ma chay, cưới hỏi hay đau ốm gì, bà con dân bản Thoọng Pẹ lại tìm đến thầy mo để nhờ cúng ma, trừ tà, giải hạn, có rất nhiều trường hợp chết người vì những căn bệnh thông thường.

Giờ đây, những người lính Biên phòng cùng với y, bác sĩ Trạm y tế xã Sơn Kim 1 tập trung tuyên truyền, vận động người dân ăn, ở hợp vệ sinh, thay đổi tập tục khám chữa bệnh, có bệnh là phải uống thuốc chứ không được cúng ma... Đặc biệt, sau khi Trạm xá quân dân y Thoọng Pẹ được xây dựng, có quân y cắm bản, thêm sự đồng hành thường xuyên từ các y, bác sĩ Trạm y tế xã Sơn Kim 1 khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe thì đổi thay đã ngày càng rõ nét.

Bà In Xay Nhạ Vông, bản Thoọng Pẹ tâm sự: “Được bác sĩ Việt Nam sang đây khám, tôi mừng lắm. Tôi được bác sĩ tư vấn rất nhiệt tình, hướng dẫn cách tập luyện thể dục, nâng cao sức khỏe và kê đơn thuốc, còn cấp thuốc điều trị nữa. Cảm ơn các bác sĩ và BĐBP Việt Nam nhiều lắm”.

“Trong 10 năm qua, xã Sơn Kim 1 đã giúp bản Thoọng Pẹ nâng cao đời sống và chăm lo sức khỏe cho bà con, nhất là bỏ được tệ nạn mê tín dị đoan. Hi vọng rằng, trong thời gian tới, hai địa phương ngày càng gắn bó hơn nữa” - ông Phết Xả May Xay Nhả Thi Chắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Căm Cợt cho biết.

Xây dựng biên giới hòa bình, phát triển

Xã Sơn Kim 1 là địa bàn chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh với 5.453 nhân khẩu, trong đó, hơn 1.000 nhân khẩu là đồng bào Công giáo và 300 nhân khẩu là đồng bào dân tộc; có đường biên giới dài hơn 30km, tiếp giáp với tỉnh Bô Ly Khăm xay, Lào. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây luôn quan tâm tình hình vùng biên, với nhiệm vụ then chốt là giúp bà con ổn định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Từ những nét văn hóa tương đồng, đặc biệt là sự gắn bó của nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Lào, BĐBP Hà Tĩnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền hai bên biên giới tổ chức để hai cụm dân cư này ký kết nghĩa từ năm 2009. Kết quả đạt được trong 10 năm qua khẳng định chủ trương đúng đắn và ý nghĩa to lớn của hoạt động kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng thiết thực của người dân, góp phần quan trọng xây dựng tuyến biên giới vững chắc, bình yên và cùng phát triển.

Ông U Đáy, Trưởng bản Thoọng Pẹ cho biết: “Kể từ ngày kết nghĩa, trên cơ sở các điều ghi nhớ, nhân dân hai bên biên giới thường xuyên động viên nhau tự giác chấp hành các quy chế biên giới, khi xảy ra vụ việc liên quan, cùng ngồi lại với nhau để giải quyết thấu tình đạt lý, vừa đảm bảo đúng pháp luật, vừa giữ được tình đoàn kết, hữu nghị. Đặc biệt, đoàn viên thanh niên hai bên thường xuyên qua lại giao lưu, học hỏi, tổ chức các buổi tham quan, trao đổi kinh nghiệm trong công tác huấn luyện dân quân tự vệ giữa xã Sơn Kim 1 và bản Thoọng Pẹ”.

10 năm qua, chính quyền hai bên cùng với BĐBP đã phối hợp tổ chức tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ, các hiệp định, hiệp nghị, các quy định của pháp luật mỗi nước về biên giới, các giá trị to lớn của truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào được hàng trăm buổi với gần 1 nghìn lượt người tham gia. Từ đó, nhân dân hai bên biên giới hiểu biết sâu hơn về chủ trương, chính sách, pháp luật của mỗi nước cũng như nhận thức, ý thức trách nhiệm trong phối hợp tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Đặc biệt, nhân dân hai bên biên giới đã phối hợp cùng BĐBP Việt Nam và các lực lượng chức năng Lào tích cực tuần tra song phương, giúp cho lực lượng chức năng của hai bên phát hiện và phối hợp giải quyết hiệu quả các vấn đề, vụ việc liên quan, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ ổn định, nguyên trạng hệ thống mốc quốc giới.

Thượng tá Phan Duy Vỵ, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Việc ký kết nghĩa hai bên biên giới giữa xã Sơn Kim 1 với bản Thoọng Pẹ có ý nghĩa rất lớn trong vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai địa phương, cùng chung sức trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”.

Thế Mạnh - Thanh Giang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ket-nghia-cum-dan-cu-gop-phan-xay-dung-bien-gioi-hoa-binh-phat-trien/