Kết nghĩa cụm dân cư để xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển

Đoạn biên giới tỉnh Quảng Trị giáp với hai tỉnh Savannakhet, Salavan của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có chiều dài 179,345km, có 58 thôn, bản giáp biên giới. Cư dân hai bên biên giới của tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan có mối quan hệ gần gũi, gắn bó từ lâu đời.

Một buổi giao ban kết nghĩa bản-bản giữa khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Một buổi giao ban kết nghĩa bản-bản giữa khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Thực hiện quan điểm, đường lối, chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước trong việc duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam; xuất phát từ tình hình thực tiễn khu vực biên giới, trên cơ sở các nội dung thống nhất trong các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với lãnh đạo hai tỉnh Savannakhet và Salavan về phối hợp bảo vệ biên giới, ngày 28-4-2005, tại địa bàn thị trấn Lao Bảo, bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và bản Đen Sa Vẳn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet đã tổ chức làm lễ kết nghĩa. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, nhận thức của người dân sinh sống hai bên biên giới về chủ quyền lãnh thổ, về quốc gia, mốc quốc giới, cũng như việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về Quy chế quản lý biên giới được nâng lên rõ rệt, tình trạng vi phạm Quy chế quản lý biên giới giảm nhiều so với trước đây.

Từ kết quả thực tiễn, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 34/CT-BTL ngày 24-6-2003 của Bộ Tư lệnh BĐBP về tổ chức phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn (bản) ở khu vực biên giới”, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã xây dựng Đề án “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh trật tự thôn (bản) khu vực biên giới” và đề tài khoa học “Xây dựng và nhân rộng kết nghĩa dân cư, phát triển bền vững tại các bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị - Việt Nam với hai tỉnh Salavan và Savannakhet - Lào ”.

Ngày 2-8-2005, đề án này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt với mục tiêu chung là “Kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới, nhằm làm cho mọi người dân, mọi gia đình ở các thôn, bản dọc hai bên biên giới nêu cao ý thức trách nhiệm, hiểu rõ thực trạng và dấu hiệu đường biên, mốc giới, tích cực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống, góp phần cùng BĐBP đấu tranh làm thất bại âm mưu phá hoại của kẻ thù, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng và giữ vững mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia”. Đến tháng 3-2011 đã hoàn thành việc tổ chức kết nghĩa toàn bộ 24/24 cặp bản đối diện hai bên biên giới.

Có thể nói, kết quả đạt được từ phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, đó là nghĩa tình, sự gắn kết giữa các cụm dân cư được tăng cường, tuyến biên giới giữa hai tỉnh được bảo vệ ngày càng tốt hơn. Điển hình là công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới được quan tâm thực hiện. Mặc dù địa hình phức tạp, song, đến tháng 10-2014, đã hoàn thành việc tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới với 62 vị trí/68 cột mốc.

Tôn trọng chủ quyền quốc gia là nguyên tắc “xương sống” để xây dựng mối quan hệ hữu nghị. Thông qua hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, các cấp, các ngành đã tổ chức tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc về các chủ trương, chính sách của hai Đảng, hai Nhà nước, về vấn đề biên giới, pháp luật liên quan; phổ biến các kiến thức về nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh... cho nhân dân được 3.501 buổi/229.849 lượt người.

Từ đó, nhận thức của người dân không ngừng được nâng lên, nhân dân tích cực tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc được 1.939 đợt/13.432 lượt người tham gia; cung cấp cho lực lượng chức năng 7.219 nguồn tin, trong đó có 3.832 nguồn tin có giá trị liên quan đến tội phạm buôn bán ma túy, chất nổ, chất cháy, mua bán phụ nữ qua biên giới... BĐBP Quảng Trị và Công an hai tỉnh Savannakhet, Salavan đã phối hợp đấu tranh thành công nhiều chuyên án ma túy, thu giữ hàng chục bánh heroin, hàng trăm nghìn viên ma túy tổng hợp...

Hàng năm, tỉnh Quảng Trị sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh cho hai tỉnh của bạn để phát triển kinh tế. BĐBP Quảng Trị hỗ trợ xây dựng hai trường học cho huyện Noòng, tỉnh Savanakhet và huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, với diện tích 664m2; 1 cơ sở khám chữa bệnh, 3 ngôi “Nhà hữu nghị” trị giá 3,68 tỷ đồng. Cùng với đó, phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức 3 lớp dạy tiếng Việt cho 76 học viên là chị em phụ nữ Lào các bản giáp biên. Ngoài ra, còn tổ chức khám, điều trị miễn phí cho nhân dân bạn 6.326 lượt người, cấp phát thuốc cho 4.824 lượt người. Các thôn bản giáp biên của tỉnh Quảng Trị đã giúp các bản đối diện hơn 50.000 giống sắn KM94; 17.000 cây keo tai tượng, tràm hoa vàng, 125kg giống ngô lai, 1.500 cây ăn quả, hơn 500 con gia súc, gia cầm giống...

Có thể khẳng định, để giữ vững an ninh biên giới quốc gia, trước hết phải bắt đầu từ sự ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời, nghĩa tình keo sơn gắn bó bền chặt giữa dân cư dọc hai bên biên giới chính là nguồn cội tạo nên sức mạnh để Việt Nam - Lào cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Đại tá Ngô Xuân Thường, Phó Chính ủy BĐBP Quảng Trị

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ket-nghia-cum-dan-cu-de-xay-dung-bien-gioi-hoa-binh-on-dinh-va-phat-trien-post438296.html