Kết nghĩa bản - bản góp phần thay đổi diện mạo khu vực biên giới

Đã 15 năm kể từ khi cặp bản Ka Tăng (Quảng Trị, Việt Nam) - Densavan (Savannakhet, Lào) tổ chức kết nghĩa, tiếp đó được nhân rộng ra khắp các cặp bản đối diện còn lại hai bên biên giới của tỉnh Quảng Trị, Salavan và Savannakhet. Từ hoạt động kết nghĩa, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới đã có điều kiện để tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ nhau về mọi mặt, từ đó góp phần thay đổi đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị anh em Việt - Lào ngày càng thêm khăng khít, bền chặt.

Công trình kết nghĩa gồm 1.000 gốc bời lời do Đồn Biên phòng Hướng Lập tặng bản A Via, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet đã giúp người dân nước bạn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Trúc Hà

Công trình kết nghĩa gồm 1.000 gốc bời lời do Đồn Biên phòng Hướng Lập tặng bản A Via, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet đã giúp người dân nước bạn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Trúc Hà

Địa bàn biên giới tỉnh Quảng Trị có 17 xã, 1 thị trấn với 169 thôn bản và 2 tỉnh Salavan, Savannakhet, Lào có tất cả 9 cụm xã với 42 thôn bản. Trên tuyến biên giới này được đánh giá cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trong những năm qua, BĐBP Quảng Trị đã phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương có nhiều hoạt động nhằm từng bước củng cố, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân khu vực biên giới.

Xuất phát từ tình hình thực tế ở khu vực biên giới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao cho BĐBP Quảng Trị nghiên cứu, đề xuất hình thức, biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ biên giới và tăng cường công tác đối ngoại trong tình hình mới. Ngày 2-8-2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt Đề án “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh trật tự thôn (bản) khu vực biên giới” và đề tài khoa học “Xây dựng và nhân rộng kết nghĩa dân cư, phát triển bền vững tại các bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị, Việt Nam với 2 tỉnh Salavan và Savannakhet, Lào”.

Từ mô hình điểm kết nghĩa giữa bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và bản Densavan, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, từ đây nhiều cặp bản - bản tiếp tục được tổ chức kết nghĩa, như: La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông - La Lay, A Sói, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan; Long Thành, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa - Bản Húc, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet... Đến tháng 9-2010, toàn bộ 23/23 cặp bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị và Salavan, Savannakhet đã tổ chức kết nghĩa.

Việc kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên biên giới đã tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, góp phần củng cố, phát triển bền vững mối quan hệ đoàn kết, gắn bó đặc biệt Việt Nam - Lào. Đó là sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân hai bên biên giới về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, từ đó phát huy sức mạnh quần chúng trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Đặc biệt mô hình kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới là hình thức mới về huy động người dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn các hoạt động lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo để chống phá đường lối, chính sách, tình đoàn kết hữu nghị của hai Đảng, hai Nhà nước.

Hằng năm, tỉnh Quảng Trị sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ xây dựng trường học, trạm xá, cung cấp cây, con giống cho 2 tỉnh Salavan, Savannakhet. BĐBP Quảng Trị cũng thực hiện 2 dự án xây trường học tại huyện Mường Noòng và Sa Muồi. Nhân dân hai bên biên giới đã có nhiều hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cụ thể như trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện thông thoáng cho việc lưu thông sản phẩm trở thành hàng hóa, tạo thu nhập cho người dân.

Từ việc kết nghĩa, nhân dân hai bên biên giới luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn, thiên tai, dịch bệnh. Đó là việc mỗi khi giáp hạt, người dân không ngại ngần chia sẻ lương thực, thực phẩm hoặc mỗi khi nhận được hỗ trợ, các hộ dân sẵn sàng chia sẻ cho các bản đã kết nghĩa. Do cơ sở y tế của các cụm bản của Lào còn hạn chế, người dân ở các tỉnh giáp biên của Lào cũng được tạo điều kiện sang khám chữa ở các cơ sở y tế Quảng Trị và các trạm quân dân y kết hợp của BĐBP Quảng Trị.

Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn, Chính ủy BĐBP Quảng Trị đánh giá: Việc tổ chức kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự thống nhất cao của lãnh đạo các tỉnh Quảng Trị, Savannakhet và Salavan, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Những kết quả của phong trào đã góp phần giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước, nhân dân các dân tộc có chung đường biên giới, phục vụ đắc lực cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, đồng thời chủ động phòng ngừa, phát hiện, giải quyết được nhiều việc xảy ra trên biên giới. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp trên, chính quyền địa phương có nhiều hoạt động hỗ trợ hơn nữa để việc kết nghĩa bản - bản đi vào chiều sâu, mang lại những hiệu quả thiết thực cho nhân dân, góp phần thay đổi diện mạo ở khu vực biên giới.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ket-nghia-ban-ban-gop-phan-thay-doi-dien-mao-khu-vuc-bien-gioi/