Kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện VN: Xây dựng kế hoạch để nhà đầu tư chiến lược rút vốn trước thời hạn

VH- Chiều tối qua 20.9, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Thanh tra Chính phủ khẳng định, Bộ VHTTDL đã tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện Kế hoạch sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ giai đoạn 2014 -2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã triển khai, phổ biến chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ đến các đơn vị trực thuộc, lãnh đạo các Công ty. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, các cuộc họp để trao đổi, bàn bạc về cách thức triển khai thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là công tác cổ phần hóa. Các doanh nghiệp thuộc Bộ VHTTDL đã phổ biến rộng rãi, công khai, minh bạch cho cán bộ công nhân viên, người lao động.

“Thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam là phù hợp với chủ trương của Nhà nước và cần thiết để huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong tình trạng doanh nghiệp nhiều năm liền thua lỗ triền miên, dẫn đến gần bờ vực của phá sản”, thông báo kết luận nêu.

Bên cạnh đó, công tác cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm. Cụ thể, những hạn chế trong việc thực hiện quy trình các bước tiến hành cổ phần hóa; lựa chọn tổ chức tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa; trong quản lý sử dụng và thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; trong việc quản lý tài sản, tiền vốn và hoạt động kinh doanh; trong xác định giá trị thương hiệu; chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược; lập danh sách, xây dựng phương án sử dụng lao động.

Kết luận Thanh tra cho biết, trong quá trình quản lý sử dụng 4 cơ sở nhà, đất, Hãng phim truyện Việt Nam chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai. Đến thời điểm kiểm tra (30.10.2017), Hãng phim truyện Việt Nam chưa thực hiện các thủ tục để ký tiếp hợp đồng thuê đất đối với 2 cơ sở nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) và số 6 Thái Văn Lung (quận 1, TP Hồ Chí Minh) riêng phần diện tích nhà Thủy phi cơ đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Về xây dựng phương án sử dụng đất: Tại phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty cổ phần, Hãng phim truyện Việt Nam xây dựng phương án sử dụng đất gồm toàn bộ diện tích 1.208m2 tại khu đất số 6 Thái Văn Lung và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo thông báo kết luận: “Việc xác định lại giá trị thương hiệu căn cứ vào giá trị lịch sử và bề dày truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ VHTTDL tổ chức thực hiện, tuy nhiên, chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim”.

Cán bộ của Hãng phim trong buổi đối thoại với nhà đầu tư chiến lược (19.9.2017)

Việc thực hiện thủ tục bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Ban chỉ đạo cổ phần hóa và Công ty cơ bản đã thực hiện theo quy định, tuy nhiên còn có hạn chế, sai sót. Theo đó, Công ty xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không nêu cụ thể các điều kiện, làm hạn chế việc chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến việc sản xuất phim và văn hóa điện ảnh. Xây dựng tiêu chí và cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu thực tiễn với một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực điện ảnh. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần ĐT&PT Phim truyện VN chưa thực hiện một số nội dung trong Đại hội cổ đông lần thứ nhất. Nhà đầu tư chiến lược chưa xây dựng đầy đủ phương án hỗ trợ kinh doanh như cam kết.

Tại văn bản, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nội dung cụ thể. Về công tác quản lý, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTTDL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải Thủy – CTCP xin rút vốn trước thời hạn. Bộ VHTTDL chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và các đơn vị có liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp nhận và chuyển giao Hãng phim truyện Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.

“Thành lập Hội đồng xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam. Sau khi có kết quả, xác định lại giá trị doanh nghiệp và tỷ lệ cổ phần của mỗi cổ đông cho phù hợp, đảm bảo đúng luật định. Phối hợp với các cơ quan có liên quan, xử lý dứt điểm những vướng mắc về đất đai…”, Thanh tra Chính phủ kiến nghị.

“Thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyn Vit Nam là phù hợp với chủ trương của Nhà nước và cần thiết để huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong tình trạng doanh nghiệp nhiều năm liền thua lỗ triền miên, dẫn đến gần bờ vực của phá sản”

Bộ VHTTDL chỉ đạo Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Phim truyện Việt Nam rà soát, xử lý dứt điểm đối với 6 trường hợp là lao động phản ánh trong danh sách cổ phần hóa thuộc đối tượng nghỉ chế độ không hưởng lương và không tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc trong thời gian dài trước cổ phần hóa, hoàn thiện phương án sắp xếp lại lao động để cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với 2 cơ sở nhà đất: số 46 ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình và tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội: hoàn thiện các thủ tục pháp lý và các nghĩa vụ tài chính để ký hợp đồng thuê đất, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của pháp luật. Đối với cơ sở nhà, đất tại số 6 Thái Văn Lung: thực hiện các thủ tục hành chính và nghĩa vụ về đất đai theo quy định của pháp luật. Đối với cơ sở nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê: xử lý dứt điểm các yêu cầu của Bộ Tài chính và UBND thành phố Hà Nội, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Hoàn thiện phương án sử dụng đất và có lộ trình thực hiện cụ thể việc đầu tư xây dựng đối với các cơ sở nhà, đất sau khi đã hoàn thành các thủ tục, hồ sơ pháp lý trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Phương án hỗ trợ sản xuất kinh doanh bổ sung thêm nội dung về mục tiêu; kế hoạch; giải pháp về đổi mới công nghệ, phát triển thị trường; giải pháp sử dụng nguồn nhân lực, nhất là đối với các đạo diễn, quay phim, biên kịch… gạo cội trong làng điện ảnh.

Mặt khác, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của công ty; sắp xếp lại các phòng, ban, chi nhánh cho phù hợp; xây dựng các quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế làm việc, quy chế sử dụng lao động… Thành lập hội đồng tư vấn nghệ thuật giúp Ban lãnh đạo trong quá trình hoạt động, quản lý điều hành đơn vị; sớm sắp xếp việc làm, ổn định đời sống CBCNV trong toàn công ty. Yêu cầu Ban chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam khắc phục, xử lý ngay những tồn tại, hạn chế nêu trên.

Xử lý về kinh tế: BCĐ cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang Công ty cổ phần. Bộ VHTTDL yêu cầu lãnh đạo Công ty kiểm tra, rà soát, xác định và thanh toán lương còn thiếu và thu hồi số tiền lương đã thanh toán cho những người lao động theo luật định. Công ty cổ phần chuyển giao những tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng và tài sản chờ thanh lý cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo một số nội dung về xử lý hành chính và liên quan đến cơ chế, chính sách. Theo đó, Bộ VHTTDL tổ chức kiểm điểm, chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý đối với các đơn vị, cá nhân trước những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm.

MỘC AN; ảnh: TRẦN HUẤN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/ket-luan-thanh-tra-cong-tac-co-phan-hoa-hang-phim-truyen-vn-xay-dung-ke-hoach-de-nha-dau-tu-chien-luoc-rut-von-truoc-thoi-han