Kết luận Thanh tra Chính phủ chưa làm rõ vi phạm đấu thầu gói thầu số 6

Kết luận Thanh tra số 506 ngày 14/6/2018 bị khiếu nại vì có dấu hiệu bỏ qua nhiều nội dung vi phạm Luật Đấu thầu trong gói thầu số 6 thuộc Dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn – Ga Hà nội...

Như Báo NNVN đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ phải tiếp tục xử lý đơn tố cáo sau kết luận thanh tra theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Theo đó, Kết luận Thanh tra số 506 ngày 14/6/2018 bị khiếu nại vì có dấu hiệu bỏ qua nhiều nội dung vi phạm Luật Đấu thầu trong gói thầu số 6 thuộc Dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn – Ga Hà nội. Vậy Kết luận 506 đã để sót những nội dung gì?

Bỏ sót vi phạm nghiêm trọng trong Luật Đấu thầu

Gói thầu số 6 (đầu máy, toa xe, thông tin, tín hiệu…) là một gói thầu lớn có giá khoảng trên 200 triệu euro, thời gian đấu thầu kéo dài tới hai năm nhưng chỉ tổ chức đấu thầu với một nhà thầu duy nhất và qua rất nhiều lần xử lý tình huống đấu thầu. Quá trình tổ chức đấu thầu đã được ông Lương Xuân Bình (nguyên Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội) tố cáo là vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đấu thầu, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách.

Ảnh: K.C

Ông Bình đã báo cáo chứng minh chi tiết, khách quan thông qua hồ sơ quản lý dự án, đồng thời đã trực tiếp làm việc với Đoàn thanh tra để làm rõ tất cả các nội dung tố cáo. Nhưng kết quả thanh tra lại được thể hiện rất thiếu thông tin, chỉ diễn giải quá trình tổ chức đấu thầu gói thầu số 6 tương tự diễn giải quy trình đấu thầu, nhiều thông tin chỉ dẫn chiếu một nửa sự thật.

Cụ thể, kết quả Thanh tra nêu rằng “Ngày 12/5/2016, nhà thầu đã chào giá lần thứ 3 cho gói thầu số 6” là không đúng với Hồ sơ quản lý dự án vì thực chất đây là lần chào giá thứ 6. Có thể liệt kê lần lượt thời điểm nhà thầu chào giá gói thầu số 6 như sau: Lần 1 vào ngày 24/12/2015; lần 2 vào ngày 6/4/2015; lần 3 vào ngày 30/6/2015; lần 4 vào ngày 17/9/2015; lần 5 vào ngày 14/1/2016; lần 6 vào ngày 12/5/2016. Và việc chủ đầu tư cho phép nhà thầu chào giá tới 6 lần đã vượt mọi khuôn khổ quy định của pháp luật.

Mặc dù Kết luận thanh tra cũng nêu rằng “Trong quá trình thực hiện việc lựa chọn nhà thầu, khi phát sinh những tình huống phức tạp, chủ đầu tư đã có văn bản xin ý kiến các cấp. Tuy nhiên có một số nội dung trong báo cáo của chủ đầu tư chưa nhất quán, chưa rõ ràng như hình thức đấu thầu rộng rãi hay hạn chế, số lần xử lý tình huống, số lần chào giá, số lần đề xuất tài chính… dẫn đến nảy sinh nhiều ý kiến”.

Nhưng theo ông Lương Xuân Bình, việc kết luận Thanh tra chỉ nêu vấn đề mà không làm rõ là có dấu hiệu bất thường. Bởi lẽ, các nội dung trên đều liên quan đến hoạt động đấu thầu và đã được quy định trong Luật Đấu thầu. Cơ quan Thanh tra cần phải xác định gói thầu số 6 được đấu thầu rộng rãi hay hạn chế để trên cơ sở đó xem xét chủ đầu tư có thực hiện đúng luật hay không. Tiếc rằng, Thanh tra Chính phủ đã bỏ qua không làm rõ nội dung cơ bản này và “dẫn hướng” rằng những nội dung chưa rõ ràng trong báo cáo của chủ đầu tư làm “nảy sinh nhiều ý kiến”.

Thực tế chỉ ra hoàn toàn khác với kết luận mang tính chất “dẫn hướng” của đoàn Thanh tra vì việc chủ đầu tư báo cáo không đúng sự thật tình hình lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu số 6 với các cơ quan có thẩm quyền đã khiến lãnh đạo UBND TP Hà Nội hiểu nhầm gói thầu số 6 được đấu thầu theo hình thức “đấu thầu rộng rãi” dẫn tới việc áp dụng sai quy định của pháp luật trong xử lý tình huống đấu thầu và đã gây thiệt hại gần ngàn tỉ đồng chứ không chỉ làm “nảy sinh nhiều ý kiến” như kết luận Thanh tra.

Thanh tra có nhận ra?

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về sự “yếm thế” của chủ đầu tư trong đấu thầu Gói thầu số 6, Báo NNVN xin tường tận quá trình triển khai đấu thầu như sau:

Tháng 9/2013, Ban QL Đường sắt Đô thị Hà Nội tổ chức sơ tuyển nhà thầu và chỉ có duy nhất nhà thầu Liên danh ALSTOM Transort SA – COLAS rail SA –THALES Communication& Security SAS nộp hồ sơ dự tuyển và trúng sơ tuyển.

Tháng 2/2015, nhà thầu này dự thầu lần 1 và đã chào giá dự thầu là 259.247.947 euro, cao hơn giá dự toán được duyệt tới trên 23 triệu euro. Thông thường, trường hợp nhà thầu chào giá cao hơn so với dự toán phê duyệt phải bị loại bỏ nhưng do đây là nhà thầu duy nhất trúng vòng sơ tuyển và “độc quyền” chào giá nên chủ đầu tư “nhân nhượng” đàm phán giá với nhà thầu. Chủ đầu tư càng lùi bước, nhà thầu càng tiến tới. Kết quả sau rất nhiều lần đàm phán, nhà thầu mạnh dạn chào giá tăng vọt tới 274.573.109 euro cao hơn hẳn so với tất cả các lần trước đó và vượt dự toán phê duyệt 34.150.000 euro.

Lý giải cho việc đột ngột tăng giá, nhà thầu viện dẫn một nguyên nhân rất kì lạ là do Dự án mua đầu máy toa xe của Baku với Alstom (khoảng 300 toa) bị chấm dứt từ tháng 1/2016 nên toàn bộ chi phí thiết kế và dây chuyền sản xuất đầu máy toa xe phải tính hết vào Dự án đường sắt trên cao tuyến Nhổn – Ga Hà Nội của Việt Nam. Nhưng cũng từ chối cung cấp cho phía Việt Nam số liệu phân tích chi tiết các chi phí tăng thêm nêu trên vì cho rằng số liệu phân tích chi tiết rất lớn không đủ thời gian để đàm phán và số liệu này đã được kiểm toán bởi tư vấn ARTELIA của nhà tài trợ.

Giải thích trên của nhà thầu thật vô lý và ngang ngược, bởi theo tìm hiểu của phóng viên thì “Tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars (BTK) là một tuyến đường sắt liên kết khu vực, kết nối trực tiếp thành phố Kars của Thổ Nhĩ Kỳ với Tbilisi của Gruzia và Baku của Azerbaijan”. Là một dự án hoàn toàn khác không hề có sự liên quan với Việt Nam. Vậy tại sao Dự án đường sắt trên cao của VN lại phải gánh chịu rủi ro cho một dự án khác? Phải chăng nhà thầu đã nắm thóp chủ đầu tư nên tự tin rằng không thể bị thay thế nên cố tình đưa ra lý do hoang đường kèm theo một mức giá trên trời?

Chiếu theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 43 của Luật Đấu thầu thì nhà thầu liên doanh này đã không đủ điều kiện để trúng thầu. Giá của nhà thầu đưa ra không chỉ cao hơn với dự toán phê duyệt mà còn cao hơn cả hạn mức vốn tài trợ của nhà tài trợ cho gói thầu. (Nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp phân bổ cho gói thầu là 247,41 triệu euro). Trước đó Cục Quản lý Đấu thầu cũng đã có văn bản nhắc nhở chủ đầu tư khi xử lý tình huống đấu thầu phải trên cơ sở đảm bảo cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả kinh tế và việc điều chỉnh giá gói thầu phải bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư của dự án và hạn mức vốn tài trợ của nhà tài trợ.

Vậy nhưng nhà thầu đã tìm được lý do để ép chủ đầu tư nên trước sức ép “nóng bỏng” của nhà thầu, ngày 4/9/2016 Ban QL Đường sắt Đô thị Hà Nội đã gửi báo cáo lên UBND TP Hà Nội đề nghị sắp xếp một cuộc gặp mặt giữa nhà thầu với lãnh đạo UBND TP để “tìm cơ hội” giải quyết vướng mắc kí kết hợp đồng. Khoảng 1 tuần sau, ngày 10/10/2016, Ban Cán sự Đảng TP Hà Nội đã có văn bản gửi Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị chấp thuận chủ trương cho phép UBND TP phê duyệt điều chỉnh giá gói thầu số 6 là 265.291.000 euro tương đương với 6.724 tỷ VNĐ.

Thiệt kép

Như vậy có nghĩa là sau khi đàm phán trực tiếp, nhà thầu đã chấp nhận giảm giá khoảng 9,28 triệu euro tuy nhiên để có được mức giá trên chủ đầu tư buộc phải cắt giảm dịch vụ bảo trì trong 2 năm sau khi hoàn thành Dự án. Nếu kiến nghị này được Thường trực Thành ủy Hà Nội phê duyệt thì kết quả chung cuộc của gói thầu số 6 sau đàm phán sẽ là: Đội giá so với dự toán trước khi mở thầu khoảng 25 triệu euro + cắt giảm dịch vụ. Điều quan trọng hơn trong gói thầu số 6 này, nguồn vốn Chính phủ Pháp cho Việt Nam vay là 247,41 triệu euro nhưng phía Việt Nam sẽ phải chi trên 265 triệu euro cho nhà thầu liên danh của Pháp.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ket-luan-thanh-tra-chinh-phu-chua-lam-ro-vi-pham-dau-thau-goi-thau-so-6-post221864.html