Kết luận giám định với sản phẩm 'Nhôm Việt Pháp' bị phản ánh 'thiếu khách quan': Viện Khoa học sở hữu trí tuệ có 'lấn sân' Cục Sở hữu trí tuệ?

Cho rằng nhiều DN sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nhôm mang nhãn hiệu 'Nhôm Việt Pháp' và 'Nhôm Việt Pháp SHAL' đã xâm phạm đến quyền với nhãn hiệu của mình, Công ty CP Nhôm Việt Pháp SHAL – Nhà máy Nhôm Việt Pháp (Nhôm Việt Pháp SHAL, trụ sở tại tỉnh Ninh Bình) đã đề nghị Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (KHSHTT) thuộc Bộ KH&CN giám định.

Một sản phẩm của Nhôm Việt Pháp SHAL

Một sản phẩm của Nhôm Việt Pháp SHAL

Tuy nhiên, một số kết quả giám định lại đang bị chính Nhôm Việt Pháp SHAL phản đổi vì cho rằng đã mâu thuẫn với chính Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục SHTT (Bộ KH&CN) cấp trước đây.

Nhãn hiệu “được bảo hộ cũng như không”?

Từ năm 2016, 2017, Nhôm Việt Pháp SHAL đã nộp đơn đăng ký và được Cục SHTT cấp 6 văn bằng bảo hộ các nhãn hiệu cho sản phẩm “Nhôm thanh định hình” tại Việt Nam, trong đó có nhãn hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL”.

Gần đây, khi phát hiện nhiều cá nhân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nhôm mang nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp” và “Nhôm Việt Pháp SHAL”, công ty đã thu thập mẫu và đề nghị Viện KHSHTT giám định để có căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền với nhãn hiệu của công ty.

Theo tìm hiểu, thời gian quan, Viện KHSHTT đã có nhiều kết luận giám định (KLGĐ) khẳng định một số mẫu sản phẩm thanh nhôm định hình có yếu tố xâm phạm quyền với nhãn hiệu nhôm Việt Pháp Shal và hình đã được bảo hộ của Công ty Nhôm Việt Pháp SHAL. Từ những kết luận này, Cơ quan CSĐT hoặc cơ quan quản lý thị trường đã tiến hành xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trong tháng 4-5 vừa qua, Viện KHSHTT lại có nhiều KLGĐ cho rằng “không đủ căn cứ” để khẳng định dấu hiệu gắn trên sản phẩm mà Nhôm Việt Pháp Shal đề nghị giám định là yếu tố xâm phạm quyền với nhãn hiệu được bảo hộ. Đáng nói, một trong những căn cứ để giám định viên đưa ra kết luận trên xuất phát từ nhận định rằng, “chữ “NHÔM VIỆT PHÁP” đã được nhiều DN sản xuất/kinh doanh sản phẩm nhôm thanh định hình sử dụng từ lâu với danh nghĩa là tên thương mại hoặc/và nhãn hiệu. Tương tự, chữ “SHAL” cũng đã được nhiều DN sản xuất/kinh doanh sản phẩm nhôm thanh định hình sử dụng từ lâu. Trong bối cảnh như vậy, chữ “SHAL”/NHÔM VIỆT PHÁP” đã mất khả năng phân biệt nguồn gốc của các sản phẩm nhôm thanh định hình và các sản phẩm khác cấu tạo từ nhôm thanh định hình”.

Cho rằng KLGĐ này là thiếu khách quan vì đã dựa vào “thông tin được cung cấp bởi một số DN sản xuất thanh nhôm định hình” và “thông tin trên internet”, Nhôm Việt Pháp SHAL đã liên tục khiếu nại, đề nghị Viện KHSHTT xem xét lại nhận định của mình. Đặc biệt, với kết luận trên thì dường như, Viện KHSHTT đang mâu thuẫn và “lấn sân” với chính một đơn vị khác (cùng trực thuộc Bộ KH&CN) là Cục SHTT?

Ai được quyền kết luận “mất tính phân biệt”?

Theo Công ty Nhôm Việt Pháp SHAL thì nếu Viện KHSHTT cho rằng chữ “SHAL”/NHÔM VIỆT PHÁP” đã mất khả năng phân biệt thì cũng đồng nghĩa với việc đơn vị này đã “vô hiệu hóa” một phần hiệu lực của nhãn hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL” do Cục SHTT đã cấp cho công ty năm 2017.

Khi cấp bảo hộ nhãn hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL”, Cục SHTT đã có quá trình thẩm định hàng năm trời, trong đó có cả việc công bố công khai (để bên thứ 3 phản đối); thẩm định nội dung (đánh giá tiêu chuẩn bảo hộ của nhãn hiệu xin đăng ký không tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu có trước hay không…). Nhãn hiệu sau đó đã được cấp chỉ với ghi chú là không bảo hộ riêng thành phần “NHÔM” chứ không hề có bất kỳ nội dung nào hạn chế phạm vi bảo hộ của thành phần “NHÔM VIỆT PHÁP”.

Theo quan điểm của ông Đinh Huy Chỉnh, Tổng Giám đốc Nhôm Việt Pháp thì “Viện KHSHTT đã “lấn sân” khi tự cho mình quyền quyết định lại phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đã được cấp bởi Cục SHTT. Trong khi đáng lẽ thẩm quyền của Cơ quan giám định chỉ là xem xét đưa ra KLGĐ về việc đối tượng giám định có phải là yếu tố xâm phạm quyền hoặc là giả mạo nhãn hiệu khi so sánh với nhãn hiệu được bảo hộ. Vì vậy, KLGĐ của Viện KHSHTT đang gây nhiều khó khăn cho Cty cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đấu tranh với hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ ”.

Đồng tình quan điểm này, một số luật sư cũng cho rằng, chữ “SHAL”/NHÔM VIỆT PHÁP” có mất tính phân biệt hay không phải thuộc nghĩa vụ của chính đối tượng đang bị nghi ngờ xâm phạm thông qua thủ tục yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu này trên cơ sở cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ cho Cục SHTT. Việc Cơ quan giám định đưa ra kết luận “không còn khả năng phân biệt” để thay thế cho cơ chế phản đối hoặc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký là không đúng quy định pháp luật.

Nhiều hành vi xâm phạm nhãn hiệu đã bị phát hiện và xử lý

Ngày 19/4/2019, Đội QLTT số 14 Hà Nội phối hợp Đội 8, Phòng PC 03 Công an Hà Nội kiểm tra hàng hóa với Cty CP Group An Thuận Phát (Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện có 12.632 kg thanh nhôm định hình mang nhãn hiệu Nhôm Việt Pháp SHAL và hình có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Khoa Nguyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/ket-luan-giam-dinh-voi-san-pham-nhom-viet-phap-bi-phan-anh-thieu-khach-quan-vien-khoa-hoc-so-huu-tri-tue-co-lan-san-cuc-so-huu-tri-tue-468324.html