Kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về lĩnh vực hàng không dân dụng

Ngày 20-6, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17-6 vừa qua về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NÐ-CP quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Nghị định số 30/2013/NÐ-CP về kinh doanh, vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) báo cáo và ý kiến các đại biểu tham dự, Thủ tướng kết luận: Thời gian qua, ngành HKVN đã khởi sắc với việc ra đời các hãng hàng không mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số bất cập nảy sinh có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ chưa bảo đảm (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều), bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.

Thủ tướng giao Bộ trưởng GTVT chỉ đạo, đánh giá năng lực ngành hàng không và có biện pháp quản lý để phát triển tốt nhưng phải phù hợp quy hoạch, năng lực hạ tầng và nhân lực. Việc thành lập mới hoặc nâng quy mô các hãng hàng không phải bảo đảm yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn khai thác của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng,…) cũng như khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không.

Các hãng hàng không sau khi thành lập phải hoạt động theo đúng kế hoạch được duyệt, phải có sân bay căn cứ, không để ùn tắc, quá tải tại một số sân bay. Ðồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Bộ GTVT kịp thời báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia và Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng những vấn đề vượt thẩm quyền. Bộ trưởng GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Bộ Quốc phòng rà soát các máy bay quân sự đã quá hạn sử dụng, hạn chế thấp nhất sự cố trong huấn luyện bay.

Về quản lý tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam, đa số ý kiến các thành viên Chính phủ (hơn 73%) đồng ý theo phương án sửa đổi, nhưng Bộ GTVT vẫn đề nghị giữ như quy định tại Nghị định số 92/2016/NÐ-CP. Vì vậy, để bảo đảm quản lý chặt chẽ máy bay nhập khẩu tuyệt đối an toàn, Thủ tướng giao Bộ GTVT báo cáo giải trình, xin ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 này.

* Liên quan việc hàng loạt chuyến bay của Hãng hàng không Vietjet Air (VJA) bị chậm, hủy chuyến mấy ngày gần đây, Cục Hàng không Việt Nam đã xác định, nguyên nhân ban đầu do phi công bay quá giờ, đồng thời yêu cầu hãng phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định về giờ bay. Theo đó, Cục HKVN phát hiện nhiều trường hợp phi công của VJA không tuân thủ đúng chế độ làm việc, nghỉ ngơi theo quy định, vượt quá quy định về thời gian tối đa được phép làm nhiệm vụ (tối đa 100 giờ bay trong 28 ngày). Hãng VJA giải trình, do trong quá trình chuyển đổi, sử dụng hệ thống phần mềm phân lịch bay mới, hãng đã gặp khó khăn trong theo dõi dữ liệu, dẫn đến không kiểm soát tốt giới hạn thời gian làm nhiệm vụ bay của tổ bay. Cục HKVN đã chỉ đạo VJA thực hiện các giải pháp nhằm phân lịch bay cho phi công theo quy định về thời gian làm nhiệm vụ bay. VJA đã tuân thủ nghiêm túc chỉ thị của Cục HKVN, dừng bay đối với tất cả các trường hợp phi công đã bay đủ giờ hoặc quá giờ quy định. Việc này khiến thiếu phi công, dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến của VJA từ ngày 14-6 vừa qua.

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có thư gửi Tổ chức tái chế bao bì (PRO VIETNAM) đánh giá cao sáng kiến thành lập Tổ chức tái chế bao bì của các công ty Việt Nam và công ty đa quốc gia hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam. Dưới đây là nội dung bức thư:

Như chúng ta đã biết, năm 2018, Liên hợp quốc phát động chủ đề "Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni-lông" nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã cam kết mạnh mẽ chống rác thải nhựa. Nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu, cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực hành động để kiểm soát và kêu gọi, vận động toàn dân chung tay bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến thành lập Tổ chức tái chế bao bì (PRO VIETNAM) của các công ty Việt Nam và công ty đa quốc gia hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam. Thủ tướng mong rằng PRO VIETNAM sẽ chung tay, đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam nỗ lực, quyết tâm phòng, chống, xử lý, giảm ô nhiễm rác thải nhựa; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm thu gom, tái sử dụng, tái chế bao bì tại Việt Nam, bảo đảm chất lượng, an toàn.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để PRO VIETNAM hoạt động hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40604902-ket-luan-cua-thu-tuong-tai-cuoc-hop-thuong-truc-chinh-phu-ve-linh-vuc-hang-khong-dan-dung.html