'Kết luận 14 như viên đạn chỉ đường'

Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9 của Bộ Chính trị 'Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung' rất quan trọng, nhưng chủ trương đó mới là bước đầu. Kết luận này giống như 'viên đạn chỉ đường'. Chúng ta còn cần có cơ chế và cả sự đồng thuận xã hội để bảo vệ những người có tài và có tâm.

Giáo sư Phạm Hồng Tung. (Ảnh: ivides.vnu)

Giáo sư Phạm Hồng Tung. (Ảnh: ivides.vnu)

Tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm có cội nguồn từ truyền thống lịch sử, được tiếp tục bồi đắp và phát huy đã tạo nên những kỳ tích của dân tộc Việt Nam. Trong giai đoạn mới, cái mới, cái sáng tạo càng cần khuyến khích, nuôi dưỡng và bảo vệ.

Nhìn từ lịch sử - cái mới tạo nên kỳ tích

Những phẩm chất sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là một trong những phẩm chất cốt lõi, tốt đẹp, xuyên suốt của con người Việt Nam từ thuở dựng nước đến thời hiện đại. Người Việt cổ, người Chăm cổ, người Phù Nam cổ và các tộc người Đông Nam Á cổ xưa đã đã chủ động tiếp nhận ảnh hưởng của 2 nền văn minh Trung Hoa và (đặc biệt là) văn minh Ấn Độ từ rất sớm với tư cách là người chủ nhân, tiếp nhận có sáng tạo và chọn lọc, trên cơ tầng văn hóa bản địa Đông Nam Á.

Tâm thế chủ động, dám nghĩ, dám làm của dân tộc Việt Nam đã vượt qua những chế định, những khuôn khổ sẵn có. Trên tất cả các địa hạt từ chính trị, quân sự, kinh tế, văn học, khoa học kỹ thuật đều có những sáng tạo vượt qua khuôn khổ của cái cũ, để tạo nên những bản sắc riêng, làm nên kỳ tích của dan tộc Việt Nam trong lịch sử.

Đến thời kỳ cận đại, mặc dù bị nô dịch bởi ách thực dân, nhưng nhân dân ta, nhất là các bậc thức giả đã sớm biết vươn mình lên để tiếp thu có chọn lọc văn minh phương Tây. Có thể nhìn thấy, vai trò nổi bật nhất của những cá nhân xuất sắc nhất như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, rồi kế đó là Nguyễn An Ninh…

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp nhận các thành tựu trí tuệ và văn hóa của cả phương Đông và phương Tây, trong đó chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu những thành tựu của văn minh phương tây rồi vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam để lật đổ ách nô dịch của thực dân, giành lại độc lập cho dân tộc. Khi Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Người cũng là một trong những người đầu tiên đã cho rằng “cần phải bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng dân tộc học và văn hóa phương Đông”.

Đến kỷ nguyên đổi mới, trong khi các nước xã hội chủ nghĩa trước kia tiếp nhận cải tổ ở Liên Xô và cải cách của Trung Quốc một cách máy móc và đã sụp đổ hoặc Đảng cộng sản mất địa vị cầm quyền, nhưng Đảng cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã căn cứ vào điều kiện của mình và tiếp thu có sáng tạo những kinh nghiệm cải tố, cải cách rồi tự minh tìm ra lối đi riêng. Chính vì vậy, sự nghiệp đổi mới của chúng ta ngày này là điều thần kỳ, được cả thế giới công nhận. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Cái mới cần được khuyến khích, nuôi dưỡng và bảo vệ

Dân tộc Việt Nam rất giàu sáng tạo nhưng tại sao Việt Nam thậm chí cho đến bây giờ vẫn là “vùng trũng” phát triển của thế giới ? Những sáng tạo của người Việt Nam luôn bị bào mòn, luôn bị rằng buộc bởi những điều mà bây giờ chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn. Đấy chính là chủ nghĩa bình quân làng xã. Đó là thói đố kỵ, quen ghen ghét những người nào có ưu trội. Chúng ta tôn vinh cái hòa đồng nhưng hòa đồng kiểu cào bằng, bình quân làng xã đã bào mòn tính sáng tạọ.

Một khía cạnh khác, chúng ta đã bị nhấn chìm bởi các khuôn vàng thước ngọc, thời trước là của Tống nho, một thời chưa xa là cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Thậm chí, sáng tạo trong văn chương thường bị quy kết là “trái niêm luật”(!), sáng tạo trong khoa học kỹ thuật bị nghĩ là “không đúng quy chuẩn”, sáng tạo trong suy nghĩ thay đổi cách làm thì bị nghĩ là “không bình thường”, là phá cách, kiêu ngạo, “vô kỷ luật”,... Đây là những điều chúng ta còn cần phải vượt qua nếu muốn tiếp tục đổi mới hơn nữa, để thực sự cất cánh.

Cái mới, cái tiến bộ, cái đột phá khi mới ra đời bao giờ cũng là thiểu số, là lạ lùng, là “trái khoáy” với cách hiểu của số đông. Để cái mới được thử nghiệm và chứng minh tính đổi mới, sáng tạo và hiệu quả của nó, cần có một cơ chế nuôi dưỡng, bảo vệ, tạo điều kiện để thử nghiệm, kiểm chứng.

Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” rất quan trọng, nhưng chủ trương đó mới là bước đầu. Thực tiễn cần phải có những bước tiếp theo, đó là cơ chế khuyến khích, bảo hộ và tạo điều kiện. Bản Kết luận này giống như “viên đạn chỉ đường”. Chúng ta còn cần có cơ chế và cả sự đồng thuận xã hội để bảo vệ những người có tài và có tâm. Chỉ thực hiện tốt cơ chế đó, chúng ta mới thực sự trọng dụng nhân tài, mới bảo vệ được người tài. Cơ chế đó phải gắn với trách nhiệm của Đảng ủy, gắn với tinh thần dám chịu trách nhiệm ươm mầm cho những cái tốt nảy nở của cá nhân những người đứng đầu trong việc kịp thời động viên, hỗ trợ và cả bảo vệ cái mới khi cần thiết.

Chúng ta có thể học lại bài học từ tấm gương “cầu hiền”, trọng người tài của Hồ Chí Minh.

Từ tháng 11/1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, trong bài viết ngắn “Nhân tài và Kiến quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tha thiết kêu gọi và cam kết: “Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành”.

Tiếp đó, năm 1946, Người lại viết bài “Tìm người tài đức, đăng trên báo Cứu quốc số 410 (ngày 20/11/1946), trong đó chỉ rõ trách nhiệm của hệ thống chính quyền: “Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.

Trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu khi nhìn nhận cán bộ và đánh giá công việc của cán bộ là phải phân biệt rõ những người mượn danh, lợi dụng chủ trương khuyến khích này để mưu lợi cá nhân với những người tâm huyết vì Đảng vì dân, dám đổi mới, sáng tạo, tạo ra những đột phá.

Để phân biệt, chúng ta phải dựa trên một nguyên tắc. Tôi muốn gọi đó là “nguyên tắc Hồ Chí Minh” - “những việc có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.

Quán triệt nguyên tắc đó của Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ có sợi chỉ để không lạc đường khi nhận định, đánh giá về những nhân tố mới xuất hiện.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/-ket-luan-14-nhu-vien-dan-chi-duong-672188/