Kết hợp xây dựng đầu mối giao thông hiện đại và tái thiết đô thị

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, tỷ lệ 1/2.000 do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội lập, không chỉ gây xôn xao trong dư luận ở Thủ đô, mà còn thu hút sự quan tâm của người dân cả nước, bởi khu vực quy hoạch khá nhạy cảm, có diện tích lớn, với ý tưởng khá mới mẻ.

Nằm giữa trung tâm Thủ đô, ga Hàng Cỏ trước đây, ga Hà Nội ngày nay là một địa danh gắn bó với bao thế hệ người Hà Nội. Trải qua hơn 100 năm sử dụng, mặc dù đã nhiều lần được cải tạo, chỉnh trang, nhưng đến nay, hạ tầng của ga lạc hậu. Phía sau ga có hơn 40 nghìn người dân sinh sống trong các khu chung cư cũ, xập xệ hoặc các ngôi nhà hình ống ở các ngõ nhỏ, chật hẹp, điều kiện sinh hoạt, đi lại, hạn chế. Trong khi đó, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Ga Hà Nội sẽ được xây dựng lại với chức năng là nhà ga trung tâm tàu khách và liên vận quốc tế, ga trung tâm của tuyến đường sắt số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, kết nối tuyến đường sắt số 3. Trên cơ sở này, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, tỷ lệ 1/2.000, nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, xây dựng khu vực ga Hà Nội và phụ cận thành đầu mối giao thông hiện đại kết hợp tái thiết đô thị khu dân cư chung quanh, trở thành một trung tâm kinh tế mới của Thủ đô. Diện tích đất lập quy hoạch là 98,1 ha, bao gồm địa giới hành chính các phường: Văn Chương, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Khâm Thiên (quận Đống Đa), Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) và Điện Biên (quận Ba Đình).

Để xây dựng ga Hà Nội thành một đầu mối giao thông hiện đại, ông Nguyễn Công Giang, Trưởng đại diện Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd Nhật Bản tại Việt Nam - đơn vị tư vấn lập quy hoạch của đồ án cho biết, để kết nối với tuyến đường sắt đô thị trên cao và đi ngầm, cần thiết xây dựng ga mới, với diện tích lớn hơn, nằm bên cạnh ga cũ. Nhà ga mới có công suất trung chuyển khoảng 80.950người/ngày, kết nối các tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 3 thông qua hệ thống đường đi bộ và quảng trường giao thông ngầm rộng 34,5 ha; có không gian thương mại dọc theo hành lang, băng tải cho người đi bộ, bố trí các bãi đỗ xe ngầm dưới các tòa nhà và chung quanh nhà ga, trong đó có cả bãi đỗ xe du lịch để khách đi bộ từ bãi xe qua đường ngầm đến khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tham quan. Tòa nhà ga Hà Nội cũ sẽ được phục dựng và bảo tồn nguyên bản, trở thành một điểm tham quan phục vụ khách du lịch.

Cùng với việc xây dựng ga Hà Nội thành đầu mối giao thông hiện đại, đồ án đề xuất phương án tái thiết đô thị khu vực này, gồm chín phân vùng không gian chức năng. Ngoài các di tích cần bảo tồn, các khu nhà ở sẽ được xây dựng thành các chung cư cao tầng, trong đó, công trình cao 200m (khoảng 50 tầng) tại khu vực phía tây bắc hồ Linh Quang được coi là điểm nhấn kiến trúc của khu vực; diện tích đất còn lại để xây dựng các công trình hạ tầng.

Để bảo đảm kết nối giao thông, tăng chỉ tiêu về mật độ mạng lưới đường, tỷ trọng đất giao thông tương ứng quy mô dân số, đồ án đề xuất xây dựng mới năm tuyến đường, gồm: Đoạn nối phố Ngô Sĩ Liên với đường Hoàng Diệu; nắn chỉnh ngõ Văn Chương; kéo dài phố Trần Quý Cáp đến Nguyễn Thái Học; kết nối phố Quốc Tử Giám với phố Lý Thường Kiệt; kéo dài phố Nguyễn Du đến ngõ Văn Chương. Một trong những vấn đề mà người dân trong khu vực lập quy hoạch quan tâm là liệu họ có phải di dời để triển khai xây dựng các công trình mới hay không. Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định: Việc tái thiết khu dân cư bảo đảm chỗ ở cho khoảng 44 nghìn người, trong đó có 40.300 người đang sinh sống tại đây với chất lượng sống được cải thiện hơn trước. Các công trình mới xây dựng sẽ đáp ứng việc làm cho 36 nghìn lao động.

Khái toán của đồ án khá lớn, do đó, thành phố phân kỳ đầu tư như sau: Giai đoạn 1 (đến năm 2024): Xây dựng các công trình tái định cư khu vực Nhà máy nước Ngô Sĩ Liên và khu vực tập thể Văn Chương; tái thiết ga Hà Nội và khu vực hồ Linh Quang; xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản và mạng lưới bãi đỗ xe ngầm; giai đoạn 2 (phát triển đến năm 2030): Xây dựng mạng lưới đường giao thông và đường ngầm cho người đi bộ, xây dựng các khu truyền thông, khu lối sống mới, khu thương mại quốc tế, khu ga đường sắt; giai đoạn 3 (từ năm 2025 đến 2035), cùng với giai đoạn 2 bảo đảm tất cả nhà ở tái định cư để thúc đẩy phát triển, xây dựng các trung tâm tài chính trong khu quy hoạch.

Tổng số vốn đầu tư của dự án khoảng 23.800 tỷ đồng, trong đó, TP Hà Nội đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật (khoảng 700 tỷ đồng). Chủ thể tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 3 đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến, ga và các kết cấu ngầm của tuyến khoảng 3.100 tỷ đồng. Chủ đầu tư các dự án phát triển đô thị trong phạm vi quy hoạch đầu tư các công trình khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, dư luận lo ngại các công trình cao tầng được xây dựng ở khu vực này thu hút lượng dân cư đông đúc đến sinh sống, cộng với hàng chục nghìn người lao động làm việc trong các tòa nhà, gần 100 nghìn người qua lại khu vực ga/ngày sẽ gây quá tải hạ tầng của khu vực nội đô và thành phố. Rất mong các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và các bộ, ngành cân nhắc đến những yếu tố này trong đồ án, bảo đảm sự phát triển bền vững của Thủ đô và tính khả thi của các dự án.

Cân nhắc, điều chỉnh quy mô các công trình mới

Tôi rất e ngại về khả năng chịu tải của hạ tầng khu vực theo ý tưởng của đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội. Số dân hiện tại là 40.300 người sẽ tăng lên 44 nghìn người, chưa kể mỗi ngày sẽ có thêm hàng chục nghìn lượt người đến làm việc, tham quan, mua sắm… sẽ khiến nhu cầu về hạ tầng cấp, thoát nước, năng lượng, giao thông ở đây tăng vọt. Nếu chúng ta không tính toán kỹ lưỡng, hậu quả thật khó lường.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh

Nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực

Khu tập thể Văn Chương, phường Văn Chương được xây dựng từ những năm 1960, đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Người dân mong muốn khu tập thể sớm được cải tạo, xây dựng lại, khớp nối vào hệ thống hạ tầng chung của thành phố. Vì vậy, chúng tôi rất mừng khi khu tập thể nằm trong phạm vi tái thiết của đồ án quy hoạch ga Hà Nội và phụ cận.

Vũ Tiến Hưng Chủ tịch UBND phường Văn Chương, quận Đống Đa

Cân nhắc, điều chỉnh quy mô các công trình mới

Tôi rất e ngại về khả năng chịu tải của hạ tầng khu vực theo ý tưởng của đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội. Số dân hiện tại là 40.300 người sẽ tăng lên 44 nghìn người, chưa kể mỗi ngày sẽ có thêm hàng chục nghìn lượt người đến làm việc, tham quan, mua sắm… sẽ khiến nhu cầu về hạ tầng cấp, thoát nước, năng lượng, giao thông ở đây tăng vọt. Nếu chúng ta không tính toán kỹ lưỡng, hậu quả thật khó lường.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh

Nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực

Khu tập thể Văn Chương, phường Văn Chương được xây dựng từ những năm 1960, đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Người dân mong muốn khu tập thể sớm được cải tạo, xây dựng lại, khớp nối vào hệ thống hạ tầng chung của thành phố. Vì vậy, chúng tôi rất mừng khi khu tập thể nằm trong phạm vi tái thiết của đồ án quy hoạch ga Hà Nội và phụ cận.

Vũ Tiến Hưng Chủ tịch UBND phường Văn Chương, quận Đống Đa

Việt Anh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/34234202-ket-hop-xay-dung-dau-moi-giao-thong-hien-dai-va-tai-thiet-do-thi.html