Kết hợp với tín ngưỡng, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt

Sống gắn bó với rừng, dựa vào rừng để mưu sinh, người J'rai ở 2 làng De Chí và O Gang (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, Gia Lai) đang hằng ngày quyết tâm chăm sóc và bảo vệ rừng. Họ cho rằng, nơi đây có vị thần rừng luôn bảo vệ, mang lại cuộc sống ấm no cho lũ làng nên thường xuyên dạy bảo con cháu về ý thức bảo vệ rừng như bảo vệ mạng sống của chính mình...

Già làng Puih Long chủ trì lễ cúng thần rừng. Ảnh: Tiểu Mai

Vài năm gần đây, sau khi hết Tết Nguyên đán, người dân 2 làng De Chí và O Gang lại chuẩn bị rượu cần, một con gà rồi mang vào cửa rừng để cúng tạ ơn thần rừng. Họ mong muốn vị thần này phù hộ cho lũ làng có sức khỏe, có cuộc sống ấm no, ổn định. Thay mặt dân làng, già làng Puih Long (làng De Chí) đứng ra chủ trì lễ cúng tạ ơn thần rừng. Lễ cúng diễn ra trang trọng, linh thiêng tại một gốc cây to trong rừng.

Già làng Puih Long lầm rầm đọc lời cầu khấn các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa vụ tươi tốt, lũ làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo già Puih Long, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, lễ cúng thần rừng còn là dịp để giáo dục ý thức cho dân làng tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên. Bên cạnh đó, sau buổi cúng, các thành viên trong làng thường ngồi lại để cùng ăn uống và trò chuyện, trao đổi về cuộc sống, kinh nghiệm trong quá trình lao động sản xuất... tạo nên mối quan hệ gắn kết cộng đồng bền chặt.

Xuất phát từ ý thức cũng như nhận biết giá trị của rừng, nên nhiều năm nay, dân làng De Chí và O Gang đều tổ chức lễ cúng thần rừng vào đầu năm mới theo phong tục tập quán của người Jrai. Đây như là một lời hứa, lời cam kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm của con cháu trong việc giữ rừng. “Từ bao đời nay, dân làng luôn sống phụ thuộc vào rừng, từ que củi, giọt nước, củ khoai, củ sắn... Vì vậy, lễ cúng để lũ làng tạ ơn thần rừng đã luôn quan tâm, bảo vệ cuộc sống của các thành viên trong làng, cầu mong cho dân làng có một mùa lúa mới bội thu, mưa thuận, gió hòa, cây cối được tươi tốt, no đủ. Thông qua lễ cúng, dân làng càng quyết tâm hơn trong việc bảo vệ rừng. Nếu có người nào trong làng xâm hại đến rừng, sẽ bị cộng đồng lên án, kiểm điểm nghiêm khắc” - Già Puih Long giải thích.

Người dân các làng trên còn có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực chung tay giữ rừng, như thường xuyên phối hợp cùng Tổ quản lý và bảo vệ rừng của xã và Hạt Kiểm lâm huyện tuần tra, kiểm tra rừng. Bên cạnh đó, mọi vấn đề của người dân liên quan đến rừng đều được báo cáo xin ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Chính vì vậy, mặc dù rừng nằm sát với khu sản xuất và khu dân cư, nhưng cảnh quan thiên nhiên nơi đây vẫn được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.

Theo bà Phạm Thị Kim Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pếch, hiện, toàn xã đang quản lý hơn 870ha đất quy hoạch phát triển rừng, tập trung ở khu vực giáp với 2 làng De Chí và O Gang. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn nhờ có sự phối hợp chặt giữa chính quyền và người dân nên tình trạng phá rừng và đốt phát rừng làm nương rẫy không xảy ra.

Theo bà Tuyến, người dân nơi đây đa số còn nghèo, việc giữ rừng những năm qua tiến triển tốt đẹp một phần là nhờ nguồn kinh phí từ quỹ dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn kinh phí này, xã đã thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng với 15 thành viên, chi hỗ trợ cho mỗi thành viên đi tuần tra rừng 200.000 đồng/ngày. Tổ thường xuyên thay ca nhau đi tuần tra trong rừng, mỗi ngày từ 2 đến 3 thành viên, những thời điểm lễ, Tết thì từ 5 đến 7 thành viên/ngày. Ngoài ra, tổ cũng thường xuyên xuống các thôn làng tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của việc giữ rừng, bảo vệ tài nguyên rừng.

"Việc tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng của các thành viên trong tổ rất vất vả, trong khi kinh phí hỗ trợ còn hạn chế. Song anh em luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để rừng mãi xanh, để quê hương luôn giàu đẹp, lũ làng luôn no ấm" - Anh Rah Mah Roi, thành viên Tổ quản lý và bảo vệ rừng xã Ia Pếch bộc bạch.

Ông Lâm Văn Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai cho biết: “Trước đây, việc xâm hại đến rừng, tình trạng dân di cư tự do phá rừng ở xã Ia Pếch diễn biến rất phức tạp. Từ mô hình giữ rừng gắn với tín ngưỡng, tâm linh của 2 làng trên, người dân trong xã đã dần nhận thức tốt về giá trị của rừng, chung tay bảo vệ rừng rất hiệu quả. Mô hình này rất cần được nhân rộng, bởi nó tạo ra sự gắn kết và phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ rừng".

Tiểu Mai

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ket-hop-voi-tin-nguong-rung-duoc-bao-ve-nghiem-ngat/