'Kéo' sử Việt đến gần người trẻ

Trung tâm lưu trữ quốc gia IV là đơn vị hiện đang bảo quản 34.619 tấm Mộc bản Triều Nguyễn. Những tài liệu này được chia thành hơn 100 đầu sách. Khối mộc bản Triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là 'Di sản tư liệu' thuộc chương trình 'Ký ức thế giới', trở thành 'Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam'.

NSND Đào Bá Sơn

NSND Đào Bá Sơn

Đây là nguồn tư liệu tin cậy, còn khá nguyên vẹn để tìm hiểu, khảo cứu và đối chiếu, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ hiện đại, Trung tâm lưu trữ quốc gia IV (trực thuộc Cục văn thư và Lưu trữ nhà nước, sau đây gọi tắt là Trung tâm) sắp ra mắt tên miền: www.mocban.vn, giúp việc kết nối trực tuyến và cập nhật các tư liệu từ Trung tâm dễ dàng và nhanh chóng.

Giao diện website Mộc bản của Trung tâm lưu trữ IV

Theo kế hoạch, sáng 23/11/2020 tại trường THPT Bùi Thị Xuân – TP. Đà Lạt, Trung tâm phối hợp với Cục văn thư và Lưu trữ nhà nước, Sở Giáo dục và Đào tạo (Lâm Đồng) tổ chức sự kiện “Di sản với học đường”, dự kiến thu hút hơn 2.000 người tham dự.

Cùng với việc ra mắt trang www.mocban.vn, Trung tâm giới thiệu công nghệ 360 VR. Mọi người có thể xem - nghe các hình ảnh, tư liệu lịch sử chân thực và sống động. Người dùng cũng có thể kết nối trao đổi, đăng ký mượn tham khảo hoặc phối hợp bảo tồn, phục dựng những tư liệu lịch sử Việt Nam.

Hình ảnh trong triển lãm thực tế ảo “Thiên hùng ca sử Việt”

Đây là phương thức tiếp cận lịch sử Việt Nam một cách mới mẻ, dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo và số hóa tư liệu. Tại sự kiện, sẽ diễn ra hoạt động giao lưu cùng những nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, các nghệ sĩ, doanh nhân. Nhà sử học Dương Trung Quốc tham gia chia sẻ góc nhìn: tài liệu lịch sử không chỉ là tài liệu nghiên cứu khoa học mà còn là chất liệu để phát triển các ấn phẩm văn hóa đại chúng cho thế hệ sau dễ tiếp cận giá trị lịch sử lâu dài.

Trường Bùi Thị Xuân là ngôi trường trung học lớn nhất thành phố Đà Lạt. Ban tổ chức cho biết đã hoàn thiện gian hàng trưng bày triển lãm Quốc huy, Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ tại đây. Ngoài ra còn có những không gian trưng bày mô hình những nhân vật trong triển lãm công nghệ, nhân vật trong một số bộ phim lịch sử sắp ra mắt, tạo sự tương tác gần gũi và có sức lan tỏa tới học sinh.

Trường THPT Bùi Thị Xuân - nơi tổ chức sự kiện “Di sản với học đường”

Ban tổ chức còn kết hợp với những đơn vị sáng tác thiết kế mỹ thuật và sản xuất phim lịch sử. Biên kịch Ngọc Bích và đạo diễn Lý Minh Thắng đại diện cho đoàn phim “Quỳnh Hoa Nhất Dạ” chia sẻ góc nhìn mới khi khai thác câu chuyện lịch sử từ những tài liệu xưa. Janet Ngô - Nhà sản xuất phim “Trưng Vương”, vốn là một người Việt trẻ lớn lên tại Úc, đam mê mang văn hóa lịch sử Việt Nam ra thế giới. Đại diện diễn đàn Việt Sử Kiêu Hùng sẽ giúp người trẻ thông qua niềm tự hào lịch sử chuyển thành câu chuyện định hướng nghề nghiệp.

“Di sản với học đường” mở ra cơ hội giúp học sinh, giáo viên tiếp nhận di sản mạnh dạn hơn, có cơ hội bày tỏ quan điểm tiếp cận di sản, lịch sử Việt. Sự kiện cũng khuyến khích các em học sinh yêu sử Việt và tự tìm kiếm những động lực cho riêng mình.

NSND Đào Bá Sơn: Chúng tôi có nhiều cảm hứng sáng tác hơn

Là một đạo diễn, diễn viên gắn bó nhiều năm với điện ảnh, sẽ có mặt tại sự kiện giới thiệu di sản tới học đường tại Đà Lạt, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của những tài liệu lịch sử, văn hóa đối với việc làm phim điện ảnh?

Tôi nghĩ rằng đây là việc hết sức cần thiết, giúp cho tất cả những người sáng tác, làm phim, viết về lịch sử… có điều kiện được tiếp xúc với các tư liệu - tài liệu bổ ích. Chắc chắn ở đó có nhiều điều mà ta chưa biết, chưa rõ, chưa hay. Hơn nữa lịch sử cần được nhìn nhận nhiều chiều, nhiều góc độ, kích cỡ khác nhau để lựa chọn, tìm ra cái lõi của nó.

Đây là cầu nối cho những ai yêu thích lịch sử, có khát vọng muốn phản ánh lịch sử thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Lan Phúc

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/keo-su-viet-den-gan-nguoi-tre-1753431.tpo