Kéo lươn cùng ba

Khi vụ lúa hè thu vừa kết thúc, mùi rơm rạ vẫn còn thơm trên cánh đồng bao la ở quê tôi thì cũng là lúc nước lũ ồ ạt đổ về từ thượng nguồn sông Mê Công làm trắng xóa cả cánh đồng.

Nước về, bà con ai nấy đều mừng vì nó đem lại phù sa sau những vụ mùa cực nhọc và đầy ắp tôm, cá. Khi nước đã tràn đồng, từng con sóng đưa những đám lục bình dạt vào bờ, tạo thành một màu xanh thẳm ven đường đê. Ngày ấy, với kinh nghiệm của một nông dân thứ thiệt, ba tôi nói, khi nước lũ vừa lên thì con lươn cũng theo đám lục bình trôi dạt khắp nơi để có chỗ trú ẩn. Biết được đặc tính của lươn, năm nào lũ về ba tôi cũng đi kéo lươn cho anh em tụi tôi được ăn thỏa thích. Rồi khi học lên cấp 3, tôi mới được cùng ba đi kéo lươn. Món canh chua lươn với bông điên điển, bông súng là món khoái khẩu của ba và tôi. Ba tôi nói, con lươn khi đã làm sạch thì chiên sơ qua cho thịt lươn được chắc hơn, có thể nấu với me chua hoặc cơm mẻ đều rất ngon. Vị ngọt thơm từ thịt lươn đồng cũng như giá trị dinh dưỡng của nó đã làm nhiều người mê, trong đó có anh em tôi. Đến giờ, tôi vẫn nhớ hương vị món lươn ba tôi nấu.

Dụng cụ kéo lươn đơn giản lắm, chỉ là một tấm lưới mà gia đình tôi dùng để phơi lúa, một lưỡi hái và một thùng nhựa đựng lươn. Theo kinh nghiệm của ba tôi thì nên kéo ở những nơi lục bình còn xanh, mới tấp vào bờ, vì lúc này do mực nước lên cao đột ngột, lươn đang tìm chỗ trú ẩn tạm thời. Tháng 10 trở đi, mực nước dần ổn định thì khi kéo xong nên ủ lục bình lại thành những đống to để dụ lươn cho những lần kéo sau. Sáng sớm, khi mặt trời chưa ló rạng, tôi đã hớn hở chuẩn bị đồ nghề cho buổi kéo lươn. Hôm đó, tôi cùng ba ra con đê gần nhà để kéo lưới. Ba cầm một đầu lưới kéo cắt ngang qua đám lục bình. Tôi cầm đầu lưới bên kia cố định một chỗ cho ba kéo tạo thành vòng tròn mà người dân quê tôi hay gọi là ốp mé. Mẻ lưới đầu tiên được gần 2 ký lươn, những con lươn vàng ươm, ngoe nguẩy trong lưới làm tôi vô cùng phấn khích. Ba tôi nói, lũ về là vậy đó con, thời thơ ấu của ba cũng vậy, rất ham ra đồng để bắt cua, bắt cá. Có những hôm mải mê ở ngoài đồng, trễ giờ đi học nên bị ông nội la cho một trận.

Nhớ lại câu nói mà người miền Tây quê tôi hay nói: “Trên cơm dưới cá” là có thật. Những đàn cá kéo về cùng nước lũ đã mang đến cho người dân nguồn tài nguyên thủy sản khổng lồ. Hình ảnh người đóng xuồng, người thì làm lợp, làm dớn, giăng lưới, thả câu, đặt chúm... thường diễn ra ở quê tôi mỗi khi mùa lũ về. Giờ anh em tôi đã lớn, mỗi người một phương, nhưng ba tôi đã không còn. Mỗi khi làm giỗ ba, ngoài những món ăn truyền thống để cúng, tôi còn nấu thêm một tô canh chua lươn để tưởng nhớ đến ba, nhớ đến thời thơ ấu cùng ba đi kéo lươn.

HỮU TÀI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/keo-luon-cung-ba-554306