Kéo giá thịt lợn về mức 75.000 đồng/kg

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ hiện các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên cả nước như C.P, Green fead, Mavin, Dabaco ... đã giảm giá bán lợn hơi bán xuống mức mức 72.000 đến 75.000 đồng/kg.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành giảm giá lợn sau khi dịch tả lợn Châu Phi, qua thực tế kiểm tra các doanh nghiệp chăn nuôi có thực hiện đúng theo yêu cầu không thứ Thứ trưởng?

Trước Tết Nguyên đán Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các doanh nghiệp, đặc biệt là 17 doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lớn để đồng hành cùng với người tiêu dùng để giảm giá thịt lợn hơi ở mức phù hợp.

Đánh giá chung đến nay các doanh nghiệp vào cuộc rất tốt cùng với Bộ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trong thời gian gần đây để đưa giá thịt lợn về mức 70.000 đồng đến 75.000 đồng/kg là phù hợp.

Các doanh nghiệp như: C.P, Green fead, Mavin, Dabaco cũng như nhiều Tập đoàn khác đưa ra giá lợn hơi bán ra thị trường ở mức 72.000 đến 75.000 đồng/kg và với năng lực tái đàn như thế này giá lợn hơi trong thời gian tới sẽ xuống ở mức 60.000 đến 65.000 đồng/kg.

Đây là một trong những tín hiệu rất tốt đã khống chế tốt dịch bệnh và tổ chức tái đàn, tăng đàn trong thời gian sắp tới, làm sao để cả năm 2020 sản lượng thịt lợn đặt khoảng 4 triệu tấn, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vẫn tiếp tục hướng đến xuất khẩu.

Tại cuộc họp đột xuất của Ban Chỉ đạo chiều ngày 31/1, , Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đánh giá các tình hình tác động tới công tác điều hành giá ngay trong tháng đầu năm 2020. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn Phó Thủ tướng cho rằng: Kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý và dần xuống mức bình thường như trước khi có dịch trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của thị trường và quy định của pháp luật…

Thưa Thứ trưởng, để điều tiết giá theo quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường, một mặt cũng thể hiện việc Chính phủ kiến tạo, trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà cụ thể ở đây là việc giá lợn trên thị trường đã và đang được Bộ điều chỉnh linh hoạt như nào để đáp ứng được cả 2 tiêu chí này?

Phải khẳng định trong quyết định tái cơ cấu của Thủ tướng Chính phủ đối với nông nghiệp về nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững thì việc giảm giá lợn ở mức hợp lý chính là điều kiện để phát triển bền vững.

Cũng như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo phải tăng cường chế biến nâng cao giá trị gia tăng, nếu giá lợn mà để mức quá cao sẽ gây mất cân đối giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng cũng như không thể là điều kiện tốt, điều kiện thuận lợi để ngành chăn nuôi phát triển một cách nhanh và bền vững.

Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thị trường thì không can thiệp nhưng vai trò của Nhà nước vẫn phải khẳng định và quan trọng nhất là tổ chức sản xuất tốt, nguồn cung phải dồi dào, chế biến phải sâu đó chính là vai trò Nhà nước.

Đồng thời cũng đề nghị các doanh nghiệp với tinh thần yêu nước, với trách nhiệm cũng phải cùng vào cuộc với Chính phủ giảm giá lợn để đảm bảo phát triển bền vững, chia sẻ lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Được biết ngoài việc đôn đốc sát sao công tác về điều hàng giá lợn, Bộ cũng đã hỗ trợ tích cực và hướng dẫn các địa phương cũng như doanh nghiệp tái đàn chăn nuôi, vậy kết quả này hiện nay như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Khi dịch tả lợn xảy ra ngày 1 tháng 2 năm 2019 thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kể cả Ban Bí thư cùng các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành những cơ chế chính sách để triển khai. Chỉ đạo về mặt sản xuất đã có những hướng dẫn phù hợp với thực tiễn như: dịch tả lợn châu Phi đến tháng 12 năm 2019 chỉ còn hơn 38 nghìn con phải tiêu hủy so với đỉnh điểm của dịch vào tháng 5 năm 2019 là 1 triệu 270 nghìn con, và đến tháng 1 năm 2020 chỉ còn 12 nghìn con, dự kiến tháng 2 năm nay chỉ khoảng gần 10 nghìn con phải tiêu hủy.

Đây là điều kiện tốt để chúng ta tập trung tái đàn và tăng đàn. Về mặt kỹ thuật sản xuất, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc như: Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng với các doanh nghiệp để có quy trình an toàn sinh học tốt nhất và ở mức an ninh sinh học cao nhất, đây chính là điều kiện để tái đàn tốt trong thời gian tới.

Hiện nay, an ninh sinh học đã và đang được phổ biến, tuyên truyền cũng như các mô hình được nhân rộng trong sản xuất. Dự báo, sắp tới tốc độ tái đàn sẽ nhanh hơn những tháng qua.

Thu Phương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/keo-gia-thit-lon-ve-muc-75000-dongkg-d116188.html