Kẹo Cu đơ đậm tình người Hà Tĩnh

Chè xanh thêm chút gừng cay/ Cu đơ Hà Tĩnh đắm say lòng người. Đến với Hà Tĩnh, mọi người không chỉ được khám phá vùng đất 'địa linh nhân kiệt' mà còn được thưởng thức một loại kẹo mang tên Cu đơ đậm đà tình đất, tình người Hà Tĩnh.

Tôi vẫn luôn thích thú khi được bà kể lại và tìm hiểu về tên gọi của đặc sản quê hương. Cu đơ-cái tên nghe vừa mới lạ vừa hài hước. Kẹo bắt nguồn từ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), được nhiều đời trước truyền lại rằng lúc đầu kẹo có tên là “Cu hai”. Tên này do người nghĩ ra món ăn đặt. Sau này khi phong trào Tây học nở rộ, từ “hai” được các ông nghè nơi đây chuyển sang tiếng Pháp là “deux” để nghe cho “trí thức”. Từ đó, “Cu deux” đọc chệch thành Cu đơ. Kẹo được làm từ những nguyên liệu đơn giản nhưng lại hấp dẫn không chỉ với con người nơi đây mà còn đối với du khách thập phương, bởi những hương vị rất đặc biệt từ mật mía nguyên chất, mạch nha, gừng tươi... Từ những thứ bình dị có sẵn nơi thôn quê, từ hương vị thiên nhiên qua sự chế biến của những bàn tay khéo léo đã tạo nên một kiệt tác mang đến hương vị đậm chất quê hương Hà Tĩnh.

 Một cơ sở sản xuất kẹo cu đơ ở Hà Tĩnh.

Một cơ sở sản xuất kẹo cu đơ ở Hà Tĩnh.

Kẹo Cu đơ là món quà quý không chỉ đối với những người con xa xứ, mà bất cứ ai thưởng thức đặc sản này cũng đều cảm nhận rõ vị ngọt ngào pha chút cay nồng được kết tinh từ công sức của người dân quê gửi gắm qua miếng kẹo. Đến với mảnh đất Hà Tĩnh, mọi thứ đều đơn sơ, mộc mạc và giản dị, từ con người đến cảnh vật, nhưng lại có một dấu ấn riêng giống như đặc sản Cu đơ vậy. Kẹo mang đậm dấu ấn của con người Hà Tĩnh. Nhìn miếng kẹo đơn sơ, nhưng để làm ra nó, các nghệ nhân phải rất tỉ mỉ, khéo léo để hoàn thành. Ngay từ khâu đầu tiên là chọn lạc, phải lựa những củ chắc, không trầy vỏ bên ngoài. Mật mía phải là loại nguyên chất, vàng óng. Gừng phải tươi, được làm sạch bên ngoài. Và cuối cùng là bánh tráng phải chọn loại nhỏ hơn bánh tráng thông thường, có mép quăn đều, lõm ở giữa, khi nướng không được quá cháy, nứt, vỡ và phải đều tay. Đây chỉ là những điều kiện cơ bản, cái chính để tạo nên thương hiệu của mỗi loại là khi nấu mật phải đun sôi, không để cháy. Sau khi nấu xong, mật sẽ được đưa ra nhỏ vào bát nước lạnh, nếu các nghệ nhân thấy nó không bị tan và bị bẹp, khi đó đã hoàn thành. Mặc dù xã hội càng ngày phát triển nhưng để giữ được vị ngon vốn có của kẹo thì nhiều cơ sở sản xuất vẫn làm theo cách truyền thống và đặt hết cái tâm của người làm trong từng miếng kẹo.

Kẹo Cu đơ là món quà ý nghĩa đậm tình Hà Tĩnh để mọi người trao gửi cho nhau, cảm nhận câu hát “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”.

Bài và ảnh: VÂN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/keo-cu-do-dam-tinh-nguoi-ha-tinh-627668