Kênh phải xanh, bà ngoại tóc phải bạc!

Để tránh viết câu văn cụt, những bài văn sáo rỗng, theo khuôn mẫu, học sinh (HS) phải được nuôi dưỡng, khuyến khích sự sáng tạo ngay từ lớp 2, khi bắt đầu làm quen viết câu văn miêu tả.

Ảnh minh họa: Đ.N.T

Đã có phụ huynh lớp 2 không khỏi ngạc nhiên khi xem vở thì thấy con em mình tả: “Con kênh trong xanh, nước trôi chầm chậm, như một dải lụa vắt ngang…” trong khi thực tế hằng ngày mà HS thấy chứa đầy rác, bốc mùi hôi, chờ ngày giải tỏa, xử lý.

Tương tự, có bé tả bà ngoại “tóc bà bạc trắng, bà bước đi chậm chạp do tuổi đã cao” làm mẹ sửng sốt vì bà ngoại mới bước qua tuổi 50 và khá trẻ trung, vui nhộn. Khi hỏi sao tả như vậy thì các bé hồn nhiên trả lời: “Con thấy cô tả như vậy, cả lớp con làm theo”.

Theo chương trình, ở lớp 1 HS chỉ học các kỹ năng đọc, viết, lên lớp 2 bắt đầu học kiến thức cơ bản để phát triển ở những lớp học sau. Chẳng hạn, HS sẽ bắt đầu làm quen môn tập làm văn với các bài tập yêu cầu viết đoạn văn từ 5 - 7 câu.

Cô Nguyễn Ngọc Hiền, khối trưởng khối 2 Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết khoảng 70% HS đạt yêu cầu về viết; đa số HS nói, viết những câu cụt, chưa trọn vẹn.

Cô Phạm Thị Kim Hiền, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1) cho rằng kiến thức tập làm văn từ lớp 2 đến lớp 5 xây dựng theo kiểu đồng tâm do vậy kiến thức lớp 2 sẽ là cái gốc để phát triển những dạng bài tập làm văn cho đến hết bậc phổ thông.

Để có bài văn hay, giàu cảm xúc, ngoài cấu trúc, bố cục mỗi dạng bài đã được giáo viên hướng dẫn thì kỹ năng viết và cảm thụ văn học tùy thuộc vào khả năng của mỗi HS. Do vậy, các giáo viên đều cho rằng ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên với môn học, HS phải được khuyến khích và nuôi dưỡng cảm xúc. Do vậy, cô Nguyễn Thị Thu Vân, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) chia sẻ kinh nghiệm: “Ngay lớp 1, giáo viên cũng có thể chuẩn bị vốn từ dần dần cho HS bằng cách qua đánh vần khuyến khích HS tìm từ có nghĩa. Như vậy lên lớp 2, HS hiểu từ, đặt câu sẽ dễ dàng hơn”.

Cô Nguyễn Khắc Thư Trang, Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3) chia sẻ kinh nghiệm: “Phụ huynh có thể tạo ra tình huống, các trò chơi, tập cho con nói. Ví dụ chuẩn bị đến sinh nhật, con muốn mời bạn đến chơi, con sẽ nói như thế nào? Hay bà bị mất kính, bà tiếc và lo lắng vì không nhìn rõ đường đi, con an ủi bà như thế nào? Cứ để con thoải mái thể hiện sau đó chỉnh sửa từ ngữ cho phù hợp”.

Khi làm quen với môn tập làm văn, giáo viên sẽ gợi ý cho HS viết đoạn văn thông qua việc trả lời các câu hỏi. Vì vậy để trẻ không lặp lại khuôn mẫu, giáo viên nên khuyến khích HS thể hiện suy nghĩ cá nhân và tôn trọng suy nghĩ đó.

Điều quan trọng là giáo viên cũng nên chấp nhận những suy nghĩ tuy không “đẹp” nhưng chân thật của HS. Vậy mới có được những bài viết không theo khuôn mẫu nhưng chân thật như một giáo viên lớp 2 tại Q.1 kể: một HS tả về cô giáo lớp 1 khác hẳn với các bạn trong lớp: “Cô giáo lớp 1 của em tên là… Cô rất mập, mặt cô xấu hoắc. Cô rất dữ. Em không có kỷ niệm đẹp nào về cô. Em nhớ nhất là lần cô lôi em xuống phòng hiệu trưởng. Em rất ghét cô giáo lớp 1 của em”.

Bích Thanh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/kenh-phai-xanh-ba-ngoai-toc-phai-bac-763003.html