Kênh đầu tư nào an toàn trong thời buổi chiến tranh thương mại?

Các căng thẳng thương mại dâng cao khắp nơi trên thế giới đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo ở nhiều thị trường tài chính trên toàn cầu, buộc giới đầu tư phải cân nhắc lựa chọn kênh đầu tư hiệu quả trong trường hợp chiến tranh thương mại toàn diện bùng nổ.

Vàng và đô la Mỹ là những sự lựa chọn đầu tư an toàn nếu chiến tranh thương mại bùng nổ. Ảnh: dollarsandsense.my

Xung đột thương mại giữa Mỹ và các đồng minh như Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico, Nhật Bản và đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tạo ra áp lực đè nặng lên các thị trường chứng khoán toàn cầu. Nỗi lo chiến tranh thương mại đã khiến chỉ số Dow Jones (Mỹ) giảm gần 0,2%, còn 24.657,8 điểm lúc đóng cửa hôm 20-6, nối dài đà giảm của sáu phiên liên tục trước đó.

Chốt phiên giao dịch hôm 19-6, chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) lao dốc 3,8% xuống mức thấp nhất trong hai năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế 10% cho thêm 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ mỗi năm.

“Mọi người đang mất kiên nhẫn với chiến thuật đàm phán bằng cách đe dọa áp thuế của Trump vì điều này không dẫn đến đàm phán chính thức mà còn làm leo thang căng thẳng thương mại”, Peter Boockvar, Giám đốc Công ty quản lý tài sản Bleakley Financial Group (Mỹ) viết trong email gửi cho các khách hàng hôm 18-6.

Cổ phiếu của các công ty có vốn hóa nhỏ

Các công ty quản lý tài sản khuyên giới đầu tư nên chuyển sang các phương án đầu tư an toàn giữa thời buổi chiến tranh thương mại đang chực chờ bùng nổ. Họ cho rằng nếu lựa chọn đầu tư cổ phiếu, giới đầu tư nên chọn những cổ phiếu của các công ty có vốn hóa nhỏ chủ yếu hoạt động ở thị trường trong nước. Các công ty này được xem là nơi trú ẩn an toàn trước các xung đột thương mại toàn cầu vì họ chỉ kiếm tiền ở thị trường trong nước nên ít bị ảnh hưởng bởi thương mại bên ngoài.

Khoảng 43% doanh thu của các công ty nằm trong chỉ số S&P 500 đến từ thị trường nước ngoài, so với mức 20% của các công trong chỉ số Russell 2000 (chỉ số của 2.000 công ty có vốn hóa nhỏ tại Mỹ). Từ đầu năm đến nay, chỉ số Russell 2000 đã tăng khoảng 10%, cao hơn gấp đôi mức tăng của chỉ số S&P 500.

“Nếu chiến tranh thương mại bùng nổ, bạn sẽ muốn rót tiền vào những kênh đầu tư ít nhạy cảm với thương mại toàn cầu nhất, đó chính là những công ty đại chúng có vốn hóa nhỏ”, Ash Alankar, Giám đốc bộ phận quản lý rủi ro và phân bố tài sản toàn cầu ở Công ty quản lý tài sản Janus Henderson (Anh), nói

Đồng đô la Mỹ

Về thị trường ngoại hối, Alankar thuộc Công ty Janus Henderson (Anh) nhận định đồng đô la Mỹ có thể là nơi tốt nhất để “trú bão” chiến tranh thương mại.

Giới phân tích cho rằng chiến tranh thương mại sẽ giúp đồng đô la Mỹ được hưởng lợi vì các mức thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa nước ngoài sẽ khiến lạm phát ở Mỹ tăng cao hơn và điều này sẽ buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) càng đẩy nhanh các quyết định tăng lãi suất cơ bản của đồng đô Mỹ.

Vào lúc 12 giờ trưa nay, theo giờ Việt Nam, chỉ số DXY, dùng để đo sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với rổ sáu ngoại tệ mạnh, đã vượt lên mức trên 95,2 điểm, cao nhất trong 11 tháng qua.

Cổ phiếu của các ngành phòng thủ

Jim Paulsen, Giám đốc chiến lược đầu tư ở Công ty nghiên cứu đầu tư Leuthold Group, cho rằng nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang đến mức tác động đến các nền kinh tế toàn cầu, cổ phiếu trong các ngành mang tính phòng thủ truyền thống như dược phẩm, các dịch vụ tiện ích và sản phẩm thiết yếu như điện nước, gas... có thể là một vùng đệm an toàn để đầu tư.

Ông Paulsen nói: “Chúng cung cấp một vùng đệm cổ tức và mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Bạn sẽ phải mua giấy vệ sinh và kem đánh rằng cho dù nền kinh tế đang trong cơn suy thoái hay bùng nổ”.

Vàng

Nhiều nhà đầu tư xem vàng là một kênh trú ẩn tài sản an toàn vì loại hàng hóa vật chất này gắn liền với cung cầu, chứ không phải các chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Dù giá vàng đang chịu áp lực giảm vì đồng đô la Mỹ tăng giá, các quỹ đầu tư và các công ty quản lý tài sản đã nâng vị thế nắm giữ trên Sàn Giao dịch hàng hóa New York (COMXE) lên 64.572 hợp đồng vào tuần kết thúc vào ngày 12-6, tăng 6.506 hợp đồng so với tuần trước đó. Đây là mức vị thế mua ròng cao nhất ở vàng kể từ cuối tháng 4-2018.

Trong email gửi cho khách hàng hôm 19-6, nhà kinh tế Simona Gambarini của công ty tư vấn Capital Economics ở London (Anh) cho rằng thị trường vàng, vốn đang ảm đạm, sẽ “bừng tỉnh” trước các căng thẳng thương mại ngày càng dâng cao giữa Mỹ và Trung Quốc, giúp tăng giá và sức hấp dẫn của kim loại quý này.

“Chúng tôi kỳ vọng triển vọng về làn sóng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng sẽ tạo ra sự tích cực cho giá vàng”, Simona Gambarini cho biết.

Bà cho rằng tác động của một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện sẽ khiến giới đầu tư chuyển tiền các tài sản mang tính rủi ro cao sang những tài sản trú ẩn an toàn, dẫn đến làn sóng bán tháo cổ phiếu và sự quan tâm ngày càng tăng đối với vàng.

Bà cũng cho rằng lạm phát sẽ tăng nếu Mỹ dấn vào một cuộc chiến tranh thương mại với bất kỳ nước nào. Lúc đó, nhu cầu tìm các chỗ trú ẩn tài sản để tránh tác động của lạm phát như vàng sẽ tăng.

Tuy nhiên, triển vọng giá vàng sẽ không sáng sủa nều như đồng đô la tiếp tục tăng giá. Bà cho rằng nếu đồng đô la Mỹ vẫn duy trì đà tăng giá ổn định trong năm nay, giá vàng khó khởi sắc và dự kiến chỉ đạt mức 1.300 đô la/ounce vào cuối năm 2018 so với mức 1.274 đô la/ounce vào hôm 19-6.

(Theo Bloomberg, Kitco News, Investing)

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274145/kenh-dau-tu-nao-an-toan-trong-thoi-buoi-chien-tranh-thuong-mai.html