Kênh đào Suez dậy sóng

Khi từ khi hoàn thành vào năm 1869, kênh đào Suez được xem là con đường nối phương Đông và phương Tây, là huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu. Trong vòng 150 năm qua, kênh đào Suez là tuyến hàng hải trọng yếu của thương mại thế giới. Vì thế, từ vụ siêu tàu Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez, người ta càng nhận ra giá trị to lớn của nó, rồi từ đó cũng xuất hiện ý tưởng đào thêm một dòng kênh tương tự.

Siêu tàu Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez.

Siêu tàu Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez.

Nhưng đó là điều không hề dễ dàng. Tầm quan trọng của kênh đào Suez trước hết bắt đầu từ vị trí địa lý: Đây là con đường duy nhất kết nối trực tiếp vùng biển châu Âu với biển Ả Rập, Ấn Độ Dương và các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương. Nhận ra tầm quan trọng và lợi ích thương mại, kênh đào Suez được xây dựng trong vòng 10 năm với sự tham gia của khoảng 1,5 triệu lao động do Chính phủ Pháp và Ai Cập cấp vốn. Đây là tuyến đường thủy nhân tạo lớn nhất thế giới, với chiều dài 193,3km. Đợt mở rộng vào năm 2015 đã giúp lòng kênh đạt độ sâu 24 m, có thể tiếp nhận các siêu tàu chở dầu với trọng tải khoảng 217.000 tấn - một trong những con tàu lớn nhất thế giới với độ lún thân tàu khoảng 20,1 m.

Vị trí của kênh đào Suez đã biến nó trở thành điểm nóng trong cả hai cuộc xung đột lớn vào thế kỷ XX, gồm Thế chiến thứ nhất (khi quân Thổ Nhĩ Kỳ cố tấn công kênh đào từ phía Đông) và Thế chiến thứ hai (khi Quân đoàn Phi châu của Đức Quốc xã tấn công từ phía Tây).

Kênh đào Suez cũng đã từng đóng cửa trong 8 năm kể từ năm 1967, thời điểm nó trở thành tiền tuyến giữa Ai Cập và Israel. Rất nhiều con tàu lớn bị mắc kẹt tại kênh trong suốt thời gian đó. Nói như trang Gulf News, thì tuyến đường thủy này vừa là đứa con tinh thần vừa là nỗi ám ảnh của các cường quốc.

Tới nay, kênh đào Suez chiếm 12% hoạt động giao thương hàng hải trên toàn cầu. Khoảng 24% container vận tải biển trên toàn cầu và tất cả container đường biển giữa châu Âu và châu Á đều đi qua kênh đào Suez. Cơ quan Quản lý kênh đào Suez cho biết gần 19.000 tàu, tương đương 51,5 tàu/ngày, đi qua kênh đào Suez (con số vào năm 2020).

Theo hãng thông tấn Anadolu Agency, kênh đào Suez là nguồn thu chính giúp Ai Cập kiếm được trung bình 15 triệu USD mỗi ngày. Trong tài khóa 2019-2020, doanh thu từ kênh đào Suez mang về cho nước này khoảng 5,6 tỉ USD, trong khi con số này trong giai đoạn 2018-2019 là 5,9 tỉ USD.

Còn theo NBC News, chỉ trong vòng 1 tuần, sự cố tàu container gây tắc nghẽn kênh đào Suez đã khiến nền kinh tế toàn cầu tổn thất ước tính 10 tỉ USD. Đó là một thảm họa đã chực chờ xảy ra, và có thể dễ dàng tái lặp, đâu đó trên những tuyến đường thủy gần Iran, kênh đào Panama hay eo biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Tới nay, tàu Ever Given đã xuôi dòng kênh Suez, nhưng sự cố do nó gây ra được coi là một “phát súng” cảnh báo về những thảm họa tắc nghẽn tuyến đường biển chiến lược trong tương lai gần. Chính vì thế, một số quốc gia lớn đã nghĩ đến chuyện giảm phụ thuộc vào Suez.

Trong kế hoạch cơ sở hạ tầng sắp tới cho nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ tập trung vào hệ thống đường xá, hầm, cầu và đường sắt. Nhưng nếu muốn tránh tái lặp “cuộc khủng hoảng Suez” thì nước Mỹ cũng cần phải có tiền dành cho các cơ sở hạ tầng toàn cầu. Đó là cách duy nhất để theo kịp các đối thủ cạnh tranh và đảm bảo rằng doanh nghiệp Mỹ có thể hoạt động thương mại an toàn và nhanh chóng với phần còn lại của thế giới. Giới chuyên gia cho rằng, nếu Mỹ để các nước khác vạch ra những tuyến đường thương mại quốc tế mới, nền kinh tế nước này có thể bị “bắt làm con tin” ngay lập tức.

Trên thực tế không phải Washington không nhìn ra vấn đề. Năm 2016, lực lượng Công binh lục quân Mỹ đã cân nhắc xây dựng một cảng nước sâu ở phía Bắc Alaska, nhưng sau đó dừng lại vì chi phí quá cao. Giới quan sát cho rằng, từ vụ mức kẹt ở kênh đào Suez, cách thông minh nhất là Mỹ đề xuất một cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực ngay lập tức, để ngăn ngừa những vấn đề phức tạp liên quan đến các tuyến hàng hải quốc tế.

Với nước Nga, Tổng thống Nga Putin cũng đã đề xuất Bắc cực là một lựa chọn mới dành cho những con tàu đang tìm cách né các “nút cổ chai” hiện tại ở Trung Đông và thận trọng khi đi qua Mũi Hảo vọng vì sợ cướp biển. Nếu thành công, kênh vận chuyển mới sẽ rút ngắn các tuyến đường tới gần 20 ngày so với kênh đào Suez.

Nhưng, đó cũng chỉ là dự tính, còn thì hiện tại kênh đào Suez vẫn là tuyến vận chuyển đường thủy đặc biệt quan trọng.

Bảo Thu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kenh-dao-suez-day-song-558139.html