Kênh đào Istanbul sẽ giúp Hải quân Mỹ thoát khỏi hạn chế của Công ước Montreux

Công ước Montreux - 'hòn đá tảng' nhằm duy trì thế cân bằng quân sự tại khu vực Biển Đen đang đứng trước nguy cơ sớm bị 'khai tử'.

Thời gian gần đây cả Mỹ và Nga đều tiến hành nhiều cuộc diễn tập quân sự nhằm mục đích răn đe lẫn nhau. Tuy nhiên ưu thế đang nghiêng về phía Moskva khi lực lượng của Washington tỏ ra thiếu hụt.

Thời gian gần đây cả Mỹ và Nga đều tiến hành nhiều cuộc diễn tập quân sự nhằm mục đích răn đe lẫn nhau. Tuy nhiên ưu thế đang nghiêng về phía Moskva khi lực lượng của Washington tỏ ra thiếu hụt.

Để khắc phục tình trạng trên, giới phân tích cho rằng Mỹ sẽ cố gắng thực hiện những bước đi để xóa bỏ hạn chế của Công ước Montreux, khiến họ không thể đưa lực lượng hải quân lớn tới Biển Đen.

Montreux là công ước được ký năm 1936, trong đó nêu rõ quy định hàng hải đối với eo biển Bosporus và Dardanelles, cũng như giới hạn tổng lượng giãn nước tàu chiến của những quốc gia nằm ngoài khu vực Biển Đen.

Công ước Montreux ghi rõ, tổng lượng giãn nước đối với tàu chiến của những quốc gia không thuộc Biển Đen tại một thời điểm không được vượt quá 30.000 tấn. Bên cạnh đó trong mọi trường hợp, thời gian lưu trú cũng bị giới hạn tối đa ở mức 21 ngày.

Ngoài ra Công ước Montreux còn có một điều khoản quan trọng đó là nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy bị đe dọa bởi nguy cơ chiến tranh thì có thể đóng cửa hai eo biển nói trên.

Nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ Erol Manisaly cho rằng ngày nay Tổng thống Recep Erdogan thận trọng hơn khi nói về dự án Kênh đào Istanbul mà ông đã công bố 10 năm trước.

Cụ thể, ông Erdogan đề xuất kết nối Marmara và Biển Đen bằng một con kênh đào, lập luận điều này sẽ giúp giảm tải cho eo biển Bosphorus vốn đang ngày càng bị bồi lấp và mật độ giao thông quá lớn.

Theo chuyên gia Manisaly, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận ra trong trường hợp xuất hiện con kênh này, Ankara có thể mất đi vị trí thực sự đặc quyền của mình theo Công ước Montreux.

Tuy nhiên có nhận xét rằng đối với ông Erdogan, dự án Kênh Istanbul được phê duyệt vào năm 2018 sẽ trở thành giai đoạn tiếp theo của việc "đào sâu và mở rộng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ" nhằm phục hồi hào quang của Đế chế Ottoman.

Rốt cuộc, nếu một con kênh dẫn đến Biển Đen hình thành thì Ankara hoàn toàn đủ khả năng từ bỏ công ước Montreux, điều này sẽ khiến người Mỹ phải đặc biệt quan tâm.

Trong khi đó, tờ Pentapostagma cũng bình luận rằng "cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga đang từng bước dẫn tới một thực tế địa chính trị và quân sự mới".

Đặc biệt họ lưu ý đối với Washington, Kênh đào Istanbul cuối cùng sẽ trở thành một sự lựa chọn vô cùng lý tưởng để có thể gửi bao nhiêu tàu chiến đến Biển Đen tùy thích.

Nói cách khác, Hải quân Mỹ sẽ dùng Kênh đào Istanbul để bỏ qua Công ước Montreux, toan tính của Washington chỉ có thể bị hạn chế bởi khả năng của Kênh Istanbul nếu nó được đưa vào hoạt động.

Giới phân tích đánh giá từ sự xuất hiện của Kênh Istanbul, "Nga sẽ gặp nhiều vấn đề nếu không đưa vào những điều khoản như một phần bổ sung cho Công ước Montreux về lưu thông tàu chiến của các quốc gia không thuộc Biển Đen".

Nhưng rõ ràng rất khó khăn để Moskva có thể buộc Mỹ hay Thổ Nhĩ Kỳ phải nhượng bộ mình, bởi con kênh nói trên là sản phẩm nhân tạo chứ không phải tự nhiên như các eo biển, Moskva sẽ đối mặt nguy cơ khá lớn nếu Công ước Montreux hết hiệu lực.

Tuy vậy ngay trong đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, đã xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại về sự bất ổn nếu Công ước Montreux hết hiệu lực, động thái đáng chú ý nhất đó là bức thư phản đối được các Cựu Đô đốc hải quân cùng ký tên, chưa rõ ông Erdogan có thay đổi ý định của mình hay không?

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-kenh-dao-istanbul-se-giup-hai-quan-my-thoat-khoi-han-che-cua-cong-uoc-montreux-post463412.antd