Kém ăn kèm nôn nhiều, bé gái 7 tuổi bị u nang ống mật chủ

Bệnh lý u nang ống mật chủ lúc đầu thường có biểu hiện không đặc hiệu. Gia đình cần cảnh giác, khi bé xuất hiện các cơn đau bụng, nôn nên đến cơ sở chuyên khoa khám ngay.

Các bác sĩ khoa Ngoại nhi tổng hợp, Trung tâm Sản Nhi Phú Thọ đã thực hiện phẫu thuật thành công cắt bỏ u nang ống mật chủ cho bệnh nhi N.P.Y (7 tuổi ở Thanh Ba, Phú Thọ).

Theo gia đình bệnh nhân, ở nhà, bé xuất hiện triệu chứng kém ăn, nôn nhiều nên gia đình đưa bé đến khám tại Trung tâm Y tế huyện. Sau khi thực hiện siêu âm ổ bụng, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi có u nang ống mật chủ nên chuyển bé đến Trung tâm Sản Nhi.

Tại Trung tâm Sản Nhi, qua thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp chiếu và khai thác bệnh sử, bệnh nhi được chẩn đoán chính xác có u nang ống mật chủ. Sau 5 ngày được điều trị nội khoa để ổn định các triệu chứng chống nhiễm trùng, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cắt nang ống mật chủ và nối ống gan chung với hỗng tràng kiểu Roux-en-Y bằng phẫu thuật nội soi.

Phim chụp cộng hưởng từ nang ống mật chủ có thuốc cản quang của bệnh nhi mắc u nang ống mật chủ.

ThS, BS Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại nhi tổng hợp, bác sĩ mổ chính cho bệnh nhi chia sẻ: "Đây ca bệnh khó và đã được phẫu thuật thành công. Bởi việc cắt bỏ u nang ống mật chủ qua nội soi tương đối phức tạp và yêu cầu phải được thực hiện tỉ mỉ, chính xác vì vị trí ống mật chủ nằm dưới gan, có viêm dính nhiều với các tạng xung quanh. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật nội soi với các vết mổ nhỏ không chỉ hạn chế tình trạng đau sau mổ hay nhiễm khuẩn vết mổ mà còn giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, ít biến chứng, có tính thẩm mỹ hơn phương pháp mổ mở".

Sau phẫu thuật, bệnh nhi N.P.Y hồi phục tốt và được xuất viện sau 9 ngày điều trị.

Theo ThS, BS Nguyễn Đức Lân, u nang ống mật chủ là một dị tật do ống mật chủ bị giãn bẩm sinh thành hình cầu hoặc hình thoi. Bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới và hầu hết được chẩn đoán trong giai đoạn sơ sinh hay khi còn bé. Đây là một tình trạng ít gặp ở các nước phương Tây nhưng phổ biến ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Tỉ lệ mắc bệnh thường gặp khoảng từ 1/100.000 – 1/150.000 trẻ. Trong đó, hơn 60% trường hợp được chẩn đoán vào 10 năm đầu đời. Khoảng 20% trẻ không được phát hiện và triệu chứng về đường mật sẽ xuất hiện ở thời kì trưởng thành.

Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Viêm tụy, viêm đường mật, sỏi mật, tắc mật. Ở người lớn, viêm ống mật và ứ mật kéo dài trong nhiều năm có thể dẫn đến một hoặc nhiều biến chứng nghiêm trọng như: Áp-xe gan, xơ gan, tăng huyết áp tĩnh mạch cửa, viêm tụy tái phát, sỏi mật, thậm chí là ung thư ống mật.

ThS, BS Nguyễn Đức Lân cho biết thêm, khi ống mật chủ bị dãn quá mức có thể sẽ gây ra thủng dẫn đến viêm phúc mạc và chảy máu đường mật nếu bị viêm loét các mạch máu trong ống mật. Nếu các biến chứng này xảy ra sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh, nguy cơ tử vong cao.

Bên cạnh đó, bệnh lý nang ống mật chủ lúc đầu thường có biểu hiện không đặc hiệu. Gia đình cần cảnh giác khi bé xuất hiện các cơn đau bụng, nôn, một số ít trường hợp có thể đi kèm biểu hiện tắc mật (vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, nước tiểu sẫm màu). Khi thấy trẻ đau bụng bất thường, gia đình nên cho con đi khám và siêu âm bụng. Nếu nghi ngờ nang ống mật chủ, cần đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên sâu về phẫu thuật nhi để làm đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

MT

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/kem-an-kem-non-nhieu-be-gai-7-tuoi-bi-u-nang-ong-mat-chu-222020132112021596.htm