Kẻ xộ khám, người mất của vì... 'sổ đỏ giả'

Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bằng thủ đoạn sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả đã không còn hiếm gặp những năm trở lại đây. Vì sự cả tin, thiếu hiểu biết nhiều người đã mất nhà, mất đất vào tay những nhóm đối tượng có thủ đoạn tinh vi đến chuyên nghiệp.

Thủ đoạn làm giả sổ đỏ hiện nay rất tinh vi, các đối tượng có thể làm giả một phần, song có lúc làm giả hoàn toàn (con dấu, chữ ký của các cơ quan cấp sổ đỏ đều được làm giả). Có khi trên một quyển sổ, chúng cùng lúc sử dụng nhiều phương pháp làm giả khác nhau. Thủ đoạn làm giả thường là dùng "sổ đỏ" thật, cho lên máy scan để lấy bản mẫu. Khi đã có phôi đưa lên máy tính, chèn các nội dung cần thiết rồi sao chép hình dấu và chữ ký của nơi cấp sổ đỏ. Có trường hợp quyển sổ đỏ là thật nhưng toàn bộ thông tin ghi trong đó đều đã bị thay đổi, tẩy xóa...

Theo thời gian, các đối tượng đã nâng cao quy trình làm giả sổ một cách tinh vi hơn, chỉ cần một vài thủ thuật đơn giản, các đối tượng có thể “hô biến” để trở thành chủ nhà đất ở bất cứ nơi nào để thực hiện các hành vi lừa đảo. Hệ quả của việc này càng nghiêm trọng hơn do hiện nay ngoài các giao dịch sử dụng sổ đỏ được cơ quan có thẩm quyền công nhận, rất nhiều giao dịch dân sự khác có thể dùng sổ đỏ làm tài sản tín chấp, thế chấp vay mượn nhiều tỷ đồng.

Lừa đảo bằng "sổ đỏ giả" như cơm bữa

Mới đây vào ngày 30/5/2019, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Hoàng Thị Điệp (42 tuổi, trú xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) và Nguyễn Thành Long về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; khởi tố 10 bị can khác (5 cặp vợ chồng) về hành vi “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng sổ đỏ giả với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng sổ đỏ giả với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Từ tháng 4/2017 đến tháng 4/2018, Điệp cùng Long và 5 cặp vợ chồng đã sử dụng 10 sổ đỏ giả để làm 11 bộ hồ sơ thế chấp vay vốn, chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng của ngân hàng L.V, trong đó hồ sơ có nợ gốc thấp nhất cũng lên đến 1,3 tỷ đồng và cao nhất là 2 tỷ đồng. Các sổ đỏ giả này còn được thế chấp để vay tiền của vợ chồng ông Nguyễn Văn Đạt - bà Đoàn Thị Quyên (xã Liên Hà) và bà Nguyễn Thị Nguyệt (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng).

Nhóm đối tượng này làm hợp đồng thế chấp vay tiền tại 2 văn phòng công chứng Tr.A và M.A và đăng ký thế chấp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lâm Hà. Sau khi ra đầu thú, Điệp (kẻ chủ mưu) và Long khai rằng do mắc nợ nhiều nơi nên đến nay không có khả năng trả nợ ngân hàng L.V.

Vụ việc lừa đảo này đã nổi lên nhiều năm trước đó đơn cử như vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức bị Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) phát hiện trong tháng 8/2010. Đối tượng chủ mưu trong vụ án này là Phùng Văn Thúy (31 tuổi, từng có thời gian công tác tại Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Gia Lâm). Trong thời gian công tác, Thúy đã lấy trộm 20 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Gia Lâm, rồi thông đồng với Lê Bá Quỳ (41 tuổi, trú tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) làm sổ đỏ giả để thế chấp đáo nợ ngân hàng.

Cá biệt có trường hợp, các đối tượng còn lấy danh nghĩa của các công ty để thực hiện hành vi lừa đảo. Một trong số đó phải kể đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà đối tượng thực hiện nguyên là Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Vạn Thành, Nguyễn Thị Hải Minh (38 tuổi, trú tại tổ 13, phường Thanh Lương). Minh đã làm giả 5 sổ đỏ và đem thế chấp lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người bị hại…

Làm thế nào để phòng ngừa, nhận biết sổ đỏ giả?

Từ thực tế các vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức trên cho thấy, nạn nhân của sổ đỏ giả, giờ không chỉ là cá nhân mà còn là các cơ sở kinh doanh lớn như ngân hàng, các công ty và tổ chức tín dụng… Hậu quả của những vụ lừa đảo này thường rất nghiêm trọng và khả năng thu hồi tài sản của các cơ quan thi hành pháp luật là rất khó thực hiện.

Bài học cảnh tỉnh cho những chủ nhà, chủ đất là cần thận trọng trong giao dịch khi tiếp xúc với các đối tượng có nhiều nghi vấn đóng vai người mua, cò đất. Bởi chỉ cần chụp ảnh được sổ đỏ và giấy tờ tùy thân của của chủ nhà thì những đối tượng này hoàn toàn có thể tạo ra một chiếc sổ đỏ giống hệt mà mắt thường không thể phân biệt được.

Ngoài ra, khi giao dịch cũng cần thận trọng trong việc kiểm tra sổ đỏ, sổ hồng. Bằng kính lúp, đèn pin bạn có thể phân biệt được giấy tờ thật, giả với những điểm chú ý như: Giấy tờ giả sẽ có các họa tiết, hoa văn màu hồng không được tạo bởi tổ hợp các chấm mực màu hồng hay hình con dấu được tạo bởi các chi tiết lõm và không rõ nội dung. Trong khi đó giấy tờ thật ác họa tiết, hoa văn màu hồng được tạo bởi tổ hợp các chấm mực màu hồng và hình dấu được tạo bởi các chi tiết lồi và rõ nội dung.

Ngang nhiên quảng cáo dịch vụ làm giấy tờ giả trên mạng.

Chỉ cần một thao tác đơn giản khi tra cứu qua Google cụm từ "Sổ đỏ giả" cho ra hơn 12 triệu kết quả trong vòng chưa đầy nửa giây. Thậm chí các đối tượng này còn ngang nhiên chạy quảng cáo dịch vụ làm sổ hồng, sổ đỏ giả với tốc độ cực nhanh và cam kết bảo mật. Những đối tượng làm giả sổ sách này không gặp mặt khách hàng mà chỉ giao dịch qua điện thoại. "Ngay sau khi đặt cọc số tiền 2-3 triệu đồng là sổ đỏ, sổ hồng sẽ được làm giống hệt với sổ đỏ, sổ hồng photo mà khách gửi. Sổ đỏ được làm giả sẽ được chuyển tận tay người nhận qua đường chuyển phát nhanh chỉ ít ngày sau đó. Giá của mỗi giấy tờ giả này dao động từ 20-25 triệu đồng". Một nhân viên "chăm sóc khách hàng" của đơn vị chuyên làm giả giấy tờ cho hay.

HOÀNG SƠN

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/ke-xo-kham-nguoi-mat-cua-vi-so-do-gia-81896.html