Kẻ trung thần không thờ hai vua

Loạn 12 sứ quân của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là bộ tiểu thuyết dã sử dựa trên một số sự kiện lịch sử đầu thế kỷ 10. Sau buổi đại triều lên ngôi vua của Dương Tam Kha và trước cái chết của quan đại phu Phạm Man, các quan văn võ chia làm hai phe với hai thái độ rõ rệt.

Một phe gồm các tay chân thân tín cũ của Dương Tam Kha hết lòng phò tá tân vương, ngày đêm lo lập công để củng cố địa vị. Phe này còn có những kẻ cầu an hưởng lợi ủng hộ.

Phe kia gồm những bậc quân thần có khí tiết, lấy sự trung quân làm trọng. Câu “Trung thần bất sự nhị quân” (Kẻ trung thần không thờ hai vua) đối với họ không thể châm chước được.

Những vị đại thần vì sự nghiệp nhà Ngô

Trước khí thế của Dương Tam Kha trong buổi lễ lên ngôi, họ không liều lĩnh một cách vô ích như quan đại phu Phạm Man. Họ đành cắn răng nuốt hận để tìm cách tiêu diệt phường thoán nghịch có kết quả hơn. Phe này đứng đầu có Phạm Lệnh công.

Sau khi đã thu xếp xong nơi ăn chốn ở cho thái tử Xương Ngập, Phạm Lệnh công lên ngựa trở lại kinh đô Cổ Loa. Đêm đêm, ông đốt đèn ngồi uống trà để nghĩ kế mà chưa tìm được chước nào vẹn toàn.

Bỗng một hôm, người nhà vào báo tin có quan thái phó Đỗ Thoan đến thăm, ông như tỉnh mộng, tự nói một mình: Ông này có thể giải tỏa sự bế tắc cho ta được lắm.

Hai người bạn cùng chung tâm sự ngồi lại bàn bạc ngay vào đề mà khỏi phải giữ gìn ý tứ. Mở đầu Phạm Lệnh công nói:

- Quan bác đến chơi đúng lúc quá. Tôi đang đau đầu về tên phản nghịch đây. Chúng ta phải làm gì để tỏ lòng biết ơn với tiên chúa, chẳng lẽ ngồi yên nhìn y củng cố địa vị sao?

Đỗ Thoan nói:

- Tôi đến tham quan bác lần này không ngoài mục đích đó. Muốn trừ Tam Kha không phải chuyện dễ. Hành động không khéo thì cả nhà bị tru di ngay. Theo tôi, ta phải kết hợp các bậc đại thần danh tướng thực lòng vì sự nghiệp của nhà Ngô.

- Quan bác nói chí lý. Tôi xin giới thiệu hai vị tướng quân có thể cùng chúng ta mưu đồ việc lớn.

- Ai vậy?

- Tả tướng quân Đỗ Cảnh Thạc và cấm vệ hiệu úy Ngô Nhật Khánh.

Đỗ Thoan trợn tròn mắt hỏi:

- Quan bác có quẫn trí không? Hai tướng quân ấy đang tuân lệnh Tam Kha đi lùng kiếm thái tử kia mà?

Phạm Lệnh công bèn đem câu chuyện ông gặp hai tướng quân tại đình làng Xuân Kiều thuật lại cho bạn nghe. Đỗ Thoan hớn hở nói:

- Được vậy thì hay quá. Riêng tôi xin giới thiệu thêm quan thừa ty Khúc Thừa Tự và quan thái y Đinh Như Thông.

Các quan lập hội Cần vương

Đỗ Thoan vừa dứt lời thì có tiếng chó sủa vang ngoài cổng. Hai người cùng nhìn ra vừa thấy quan thừa ty và quan thái y đi vào. Phạm Lệnh công ra đón chào niềm nở, mời khách ngồi.

 Ảnh bìa tập 1 Mộng bá tranh hùng.

Ảnh bìa tập 1 Mộng bá tranh hùng.

Khúc Thừa Tự vừa ngồi xong liền làm ra dáng nghiêm trang hỏi:

- Hai ngài đang bàn chuyện gì đấy?

Đỗ Thoan đáp ngay:

- Chúng tôi đang phiếm luận về một câu chuyện xảy ra bên Tàu thời Tam quốc.

Đinh Như Thông hỏi:

- Chuyện gì vậy?

- Chuyện quan thái y Cát Bình tham gia hội “Thập nghĩa” định ám sát Tào Tháo bằng thuốc độc, nhưng việc không thành, phải bỏ mình một cách oan uổng.

Nói xong, Đỗ Thoan vỗ đùi cười ha hả ra chiều đắc ý lắm. Còn Đinh Như Thông thì giận tím mặt, nhưng cố dằn cơn phẫn nộ, hỏi lại:

- Như vậy là các quan bác đồng ý với nhau cho cái thuyết “dựa gió phất cờ” là đắc sách để được vinh thân phò gia hả?

Phạm Lệnh công chậm rãi đáp:

- Có lẽ đó là thái độ khôn ngoan nhất.

Đến đây Khúc Thừa Tự không còn nhẫn nhịn được nữa, xẵng tiếng nói:

- Thế ra, chúng tôi đã lầm khi đến đây, tưởng các ông cũng là những người có đọc sách thánh hiền, biết phân biệt phải trái, thiện ác, định cùng các ông bàn chuyện tiết nghĩa, không ngờ chỉ nghe toàn những luận điệu xu thời, nấp bóng.

Đỗ Thoan nói:

- Cả triều đình đều một lòng thờ tân chúa, liệu năm ba người còn làm được gì?

Khúc Thừa Tự giận quá, râu tóc dựng ngược:

- Các ông đều là phường tham sinh úy tử cả, coi miếng đỉnh chung, tình thê thiếp nặng hơn nghĩa vua tôi, quyền lợi quốc gia, không đáng nói chuyện nữa.

Vừa dứt câu hai người vùng vằng đứng dậy định bỏ ra về, cả Phạm Lệnh công và Đỗ Thoan vội chạy tới níu áo giữ lại. Phạm Lệnh công nói:

- Chúng tôi nói đùa để thử lòng hai quan bác đấy thôi, chứ lòng dạ chúng tôi không phải thế. Mời hai quan bác ngồi xuống đây chúng ta cùng bàn việc lớn.

Khúc Thừa Tự và Đinh Như Thông hết giận, cùng vén áo ngồi xuống. Phạm Lệnh công tóm tắt ý kiến đã trao đổi giữa hai người.

Nghe xong, Khúc Thừa Tự nói:

- Vậy chúng ta lập tờ “nghĩa trạng” cùng ký tên vào, ai ăn ở hai lòng sẽ bị trời tru đất diệt.

Đỗ Thoan nói:

- Đó là ý rất hay. Tôi xin lãnh phần việc dự thảo trình các quan bác duyệt làm ngay.

Nói xong, ông bước lại án thư gần đó, sẵn có bút giấy, tự tay mài mực, dầm bút rồi viết lia lịa.

Chỉ chốc lát, ông đã cầm tờ giấy trở lại chỗ ngồi đọc cho mọi người nghe như sau:

“Thiết tưởng Ngô Vương có công lớn với dân tộc, diệt được thù trong, đuổi được giặc ngoài, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho trăm họ.

Thế mà người vừa nằm xuống, đáng lý ngôi tôn phải về tay thái tử Xương Ngập là người kế vị chân chính, không ngờ phản tặc Dương Tam Kha đã lợi dụng địa vị quốc thích, làm điều thoán nghịch, khiến toàn dân phải căm giận.

Nay chúng tôi, một số cựu thần đã vào sinh ra tử với tiên vương, không thể bưng tai bịt mắt để cho tên phản nghịch làm càn, đồng thề cùng nhau mưu việc trừ diệt tên loạn thần Dương Tam Kha, đem ngôi báu về cho dòng dõi chính thống nhà Ngô. Ai ăn ở hai lòng, xin có trời đất quỷ thần chứng giám tru diệt”.

Mọi người thỏa thuận lời lẽ trong bản dự thảo, không cần sửa chữa thêm bớt gì cả, rồi lần lượt ký tên.

Nguyễn Đình Tư/NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ke-trung-than-khong-tho-hai-vua-post1117004.html