'Kẻ trộm' - Vở diễn lạ

Vở 'Kẻ trộm' (tác giả Lê Quý Hiền, đạo diễn NSƯT Thu Hạnh) của Nhà hát Kịch Hà Nội vừa ra mắt được giới chuyên môn nhận định là một vở diễn lạ.

Hình tượng người chiến sĩ công an được khắc họa đậm nét.

Đây là vở kịch có cốt truyện và hình thức thể hiện khác với cách tư duy, sáng tác ở nhiều vở diễn gần đây trên sân khấu kịch.

Tác giả, nhà viết kịch, nhà báo Lê Quý Hiền, một người luôn chất chứa những tâm huyết về thế sự đã mang tới một góc nhìn rất mới khi viết một vở chính kịch với những phản biện xã hội từ một câu chuyện tưởng như không có thật ở xã hội ngày hôm nay.

5 tỷ hay 5 triệu đồng?

Vở kịch bản bắt đầu từ câu chuyện anh xe ôm nọ thường chờ khách ở cổng ủy ban nhân dân huyện. Ngày này qua tháng khác hành nghề tại đây, anh xe ôm đã quá quen thuộc với cảnh khách vào ra chốn này.

Kẻ khốn khó có, người giàu sang đến cậy nhờ xin việc, “chạy” dự án cũng nhiều. Anh biết chắc khách của chủ tịch huyện hay đem phong bì đến biếu để xin chữ ký. Đương nhiên, anh biết ông chủ tịch huyện kia cũng giữ riêng số tiền hối lộ ấy tại phòng làm việc của mình.

Với mong muốn vạch mặt kẻ ăn trộm uy tín từ lợi dụng chức quyền, ăn trộm niềm tin của dân, anh xe ôm nung nấu ý định lật tẩy, phơi bày sự thật ấy.

Một hôm, anh đã đột nhập vào phòng ông chủ tịch huyện lấy đi 5 tỷ đồng cùng mớ phòng bì rồi ra... tự thú...

Tại cơ quan công an, kẻ trộm khai ăn trộm 5 tỷ đồng nhưng vị chủ tịch huyện (người bị hại) lại phủ nhận, khai rằng chỉ mất có 5 triệu đồng. Vị chủ tịch huyện bấm bụng không dám nói thật số tiền bị mất vì sợ dư luận ầm ĩ, đặt nghi vấn số tiền đó ở đâu ra.

Vụ trộm mất 5 tỷ hay 5 triệu đồng này làm rõ không khó nhưng khổ nỗi anh Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện lại là người yêu của con gái ông chủ tịch huyện.

Cái khó nảy sinh từ những mối quan hệ cấp trên và cấp dưới, cha con, người yêu, quan hệ đồng chí... dẫn tới việc cố tình làm câu chuyện này chìm xuồng.

Kết cục, anh xe ôm được đưa tới bệnh viện tâm thần để chữa bệnh điên khi tự nhận mình là kẻ trộm tiền.

Ai là kẻ trộm?

Có thể thấy, vở diễn không mô tả chiến công phá án. Nó đi sâu khắc họa những xung đột giữa nhận thức, thái độ và hành động của con người khi đứng giữa đúng và sai, giữa tình và lý, giữa quyền lợi, hạnh phúc cá nhân và lý tưởng nghề nghiệp, đạo đức sống. Qua đó, khẳng định phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ công an “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Vở kịch hấp dẫn khán giả bởi tính thời sự, cách xây dựng cốt truyện, tình tiết cũng như các hình tượng nhân vật trong kịch. Sự hấp dẫn ấy còn được mang lại từ sự diễn xuất rất tròn vai của các nghệ sĩ: Ngọc Quỳnh, Hoàng Sơn, Thanh Tùng, Thiện Tùng, Xuân Hồng, Diệu Linh, Thu Hằng, Thu Nguyệt, Chí Nhân, Diệu Linh, Việt Dũng, Trần Thanh, Trọng Lân, Duy Hưng, Điền Viên, Hoàng Vũ...

Ê kíp sáng tạo vở đã rất giỏi khi xây dựng tâm lý từng nhân vật từ chính tới phản diện. Đặc biệt, những nhân vật phản diện mang mặt nạ rất đời sống khi nhìn bên ngoài họ đều là những người rất có trách nhiệm, nhân ái, biết chia sẻ nhưng kì thực hành động và suy nghĩ thì vô cùng thủ đoạn, ráo hoảnh.

Kẻ trộm trong vở kịch ở đây chính là những cán bộ, những người có chức có quyền nhưng lại làm mất đi niềm tin của nhân dân. Cái khó nhất đó là khi phải đối diện với những người phạm tội mà họ lại là đồng đội, là người thân yêu của mình, công cuộc chống tham nhũng của những người chiến sĩ công an không đơn giản khi họ phải vượt qua mọi mối quan hệ, vượt qua cả chính bản thân mình.

“Kẻ trộm” còn “nóng hổi” bởi những trang bản thảo kịch bản mới được tác giả Lê Quý Hiền hoàn thành và được Bộ Công an trao giải tại trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 2 vào tháng 11/2019.

Hiền Hương

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ke-trom-vo-dien-la-4056691-b.html