Kế toán ký không giống mẫu bị phạt 10 triệu đồng

Trên chứng từ kế toán, nếu chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký sẽ bị xử phạt.

Đây là một trong những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập trong Nghị định 41/2018/NĐ-CP.

Cụ thể là Điểm d, Khoản 2, Điều 8 nêu rõ: Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chứng từ kế toán ở mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu: "Chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký".

Đồng thời, chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ; Không dịch chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt theo quy định; Để hư hỏng, mất mát tài liệu, chứng từ kế toán đang trong quá trình sử dụng cũng sẽ bị xử phạt.

Trước quy định trên, trao đổi với báo chí, bà Đàm Hồng Thắm (Quận 7, TP.HCM), chuyên gia kế toán độc lập chia sẻ, khó có thể 10 chữ ký y hệt như 10, chỉ có thể tương đối về số nét, chứ không thể nào đồng nhất.

Các chữ ký không giống nhau sẽ bị xử phạt

Mỗi ngày, liên quan đến chứng từ kế toán, kế toán viên có thể ký hàng trăm chữ ký trên các hóa đơn chứng từ như: hóa đơn mua bán, phiếu thu chi, sổ cái, tài khoản, sổ nhật ký chung, sổ kế toán.

"Làm sao đòi hỏi cả trăm chữ ký của kế toán y nhau được?”, bà Thắm băn khoăn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Tuấn Anh - Kế toán trưởng Công ty TM-DV Logistic M. (Q.1, TP.HCM), nói thẳng: "Chữ ký có nét mờ nét tỏ, tùy cây viết và tùy thời điểm ký nên không có chuyện đồng nhất. Dân kế toán chúng tôi đang đau đầu và lo lắng với quy định mới này.

Bởi liên quan đến báo cáo thuế hay thủ tục hải quan, toàn bộ hệ thống hiện được truyền qua điện tử đến 99%. Còn lại sổ sách lưu nội bộ thì chính doanh nghiệp biết rõ chịu trách nhiệm với đơn vị kiểm toán hay đối tác.

Chữ ký kế toán thể hiện trên giấy tờ giao dịch thuế nay cũng không nhiều như trước nên không hiểu sao lại có quy định mới này, nhất là vào thời điểm Chính phủ điện tử đang triển khai và chúng ta nói nhiều về công nghệ 4.0 trên mọi lĩnh vực”.

Về vấn đề trên chuyên gia xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Lý Trường An - Phó giám đốc Công ty TNHH SeaAir Global, nhận xét Nghị định 41 nhằm “siết” lại một số quy định đã có rải rác trước đó và chủ yếu phạt trong lĩnh vực kế toán.

Trong hoạt động báo cáo thuế, doanh nghiệp sử dụng công cụ điện tử. Tuy nhiên, các hoạt động như kiểm toán, hoạt động nội bộ doanh nghiệp, biên bản làm việc giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước…cần có chữ ký “sống” trên các giấy tờ này và quy định “siết” chữ ký là hình thức tránh giả mạo chữ ký.

Tuy nhiên, quy định này đang làm khó doanh nghiệp bởi không thể kiểm soát được chữ ký của nhân viên nói chung, không chỉ với nhân viên kế toán.

Ông An cho rằng, đây là cách đùn đẩy trách nhiệm cho kế toán. Giả sử việc đăng ký mẫu chữ ký để kiểm soát này xảy ra, toàn bộ các bên kế toán phải chia sẻ dữ liệu chữ ký với nhau… để kiểm soát. Rõ ràng đây không phải là việc của kế toán mà là của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2018.

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ke-toan-ky-khong-giong-mau-bi-phat-10-trieu-dong-3357483/