Kể tiếp khát vọng về hạnh phúc

Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ cho ra mắt vở 'Ngũ hổ tướng' vào tháng 3 này. Một vở diễn không mới, nhưng đây là công trình của Đoàn thanh niên Nhà hát với bản dựng trẻ trung từ cách nhìn đến cắt nghĩa tư tưởng nên phần nào vẫn tạo được chú ý. Hơn nữa, trong đó chủ đề khát vọng về hạnh phúc gia đình vẫn luôn được khán giả trẻ quan tâm.

“Ngũ hổ tướng” là vở kịch được tác giả Nguyễn Thu Phương chuyển thể từ truyện ngắn “Không có vua” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Truyện ngắn lấy bối cảnh thời kỳ bao cấp, xoay vần với nỗi khó khăn, thiếu thốn trong sinh hoạt gia đình. Còn kịch bản sân khấu “Xuân tím” (tên gốc của “Ngũ hổ tướng”) có bối cảnh hiện đại, những tình huống kịch phát sinh từ sự đố kỵ, ghen ghét của con người. Mỹ Xuân - người dẫn dắt câu chuyện, là tâm điểm của một gia đình bình dân ở thành phố. Bà Mộc, chồng mất sớm, làm nghề bán giò chả nuôi 5 con trai lớn lên trong ngôi nhà chật chội.

Năm người con - “ngũ hổ tướng”, mỗi người chỉ cách nhau 1-2 tuổi nhưng khác biệt về tính cách và số phận. Anh cả nhu nhược, thiếu quyết đoán, không thể đứng ra xốc vác việc gia đình. Người em thứ hai (Tình) và người em út (Đức) được học hành tử tế, là niềm hy vọng của gia đình thì một người phải vào tù 5 năm vì tội ăn cắp, một người là sinh viên đại học nhưng đua đòi, ham sống xa hoa và không từ thủ đoạn để “moi” tiền của mọi người. Hai nhân vật còn lại chính là sợi dây tốt đẹp níu kéo gia đình đầy xung đột ấy. Dân làm nghề xe ôm, luôn điềm tĩnh, nhường nhịn, biết phải trái. Phúc, chàng trai tật nguyền mang tâm hồn trong sáng, hướng thiện, hay giúp đỡ mọi người…

Xuân bước vào ngôi nhà bằng đám cưới với anh cả Sĩ, hân hoan thực hiện nghĩa vụ giữ gìn sự bình yên cho gia đình qua chiếc vòng gia bảo mẹ chồng trao cho. Nhưng cô đâu biết rằng, niềm hạnh phúc của cô với chồng lại khuấy động cuộc sống bình yên, tự do của mỗi người trong gia đình trước nay, thổi bùng những ẩn ức, mâu thuẫn... Từ đó, anh em trong nhà bỗng ghen ghét, nghi kỵ nhau, đối xử thiếu văn hóa và đỉnh điểm là cái chết tức tưởi của nhân vật thuần khiết nhất vở kịch - Phúc. Chỉ khi ấy, mọi người mới nhận ra rằng: Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống không phải là sự nghèo khó về vật chất hay không gian sống chật hẹp; chính sự hẹp hòi, ích kỷ trong suy nghĩ mới là thứ đang giết chết tâm hồn mỗi người.

Vở kịch này đã được NSND Anh Tú dựng cho Nhà hát Tuổi trẻ từ năm 2011 khi ông còn công tác ở đây, với cái tên “Nhà có 5 anh em trai”. Nhưng nay, ở cương vị phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam, với một vấn đề vẫn được khán giả quan tâm, có “đất” để tiếp tục thể hiện cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức của giới trẻ ngày nay, NSND Anh Tú quyết định dựng lại. Nếu đã xem “Nhà có 5 anh em trai”, khán giả sẽ thấy vở mới có cùng “màu” như vậy, từ nội dung, nhân vật đến cách xây dựng tình huống, cách tạo bất ngờ cho khán giả…

Điều đạo diễn thay đổi là sân khấu giàu ẩn ý với những tấm bình phong xoay chuyển mang họa tiết cách điệu từ tranh dân gian Đông Hồ “Chơi bịt mắt bắt dê”. Những câu thoại được trau chuốt hơn, có những câu đang thịnh hành trong giới trẻ. Nhịp độ kịch được đẩy nhanh, không rườm rà. Các tình huống vui vẻ, gây cười và những xung đột, mâu thuẫn được đạo diễn gia giảm vừa vặn, nhịp nhàng. Đặc biệt, dàn diễn viên trẻ trung, sung sức với Lâm Tùng (vai Sĩ), Tùng Linh (vai Tình), Tuấn Vũ (vai Dân), Vi Nam (vai Phúc), Thế Nguyên (vai Đức) diễn ăn ý và tự nhiên. Chính những yếu tố đó đã làm cho “Ngũ hổ tướng” trở thành bản dựng hoàn thiện.

Đem đến những giây phút giải trí thú vị, kể tiếp khát vọng về hạnh phúc và chuyển tải được bài học có giá trị, "Ngũ hổ tướng" là vở kịch đáng xem trong số các tác phẩm sân khấu dành cho giới trẻ.

Thụy Du

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/895168/ke-tiep-khat-vong-ve-hanh-phuc