Kế thừa và phát huy tầm nhìn của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch - Xây dựng tổ chức bộ máy Bộ Ngoại giao chính quy, toàn diện, hiện đại

Tham luận tại Tọa đàm khoa học với chủ đề 'Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại' do Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Ngoại giao chủ trì ngày 16/4 tại Hà Nội.

Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Tọa đàm khoa học với chủ đề "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại" ngày 16/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Tọa đàm khoa học với chủ đề "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại" ngày 16/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thực sự cá nhân tôi hôm nay cảm thấy hết sức vinh dự và may mắn được lắng nghe những đánh giá, nhận định, phân tích và chia sẻ của các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ, Đại sứ, các bậc tiền bối - những “người trong cuộc”, nhân chứng lịch sử cho những giá trị mà tầm nhìn của Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã để lại cho chúng ta.

Các tham luận, phát biểu của các đồng chí đã đánh giá hết sức toàn diện và sâu sắc những đóng góp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đối với công tác xây dựng ngành của Bộ Ngoại giao, đặc biệt là đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ và trước hết, tôi xin bày tỏ sự chia sẻ, nhất trí cao với hầu hết các ý kiến đó.

Cũng trên cơ sở ý kiến chỉ đạo gợi mở của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trong phần phát biểu định hướng về việc làm thế nào để phát huy hơn nữa những giá trị, những di sản mà đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã để lại, trong khuôn khổ của tọa đàm hôm nay, tôi xin được trình bày những suy nghĩ của mình về những yêu cầu đặt ra đối với tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao trong thời gian tới, cũng như mạnh dạn đề xuất một số giải pháp, chủ yếu tiếp cận dưới góc độ khoa học.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân”. Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 năm 2018 của Bộ ta đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngoại giao trong thời gian tới là “xây dựng nền ngoại giao từng bước hiện đại, chuyên nghiệp, thích ứng năng động trong tình hình mới”.

Như vậy, có thể thấy định hướng xây dựng tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao trong thời gian tới sẽ là “toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp”.

Muốn như vậy, trước hết, cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ và hệ thống trong xây dựng tổ chức bộ máy hiện đại, chuyên nghiệp. Khoa học tổ chức nhà nước và thực tế đã cho thấy mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp và gắn chặt với tính chất, đặc điểm, chức năng và sự chuyển động của nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị đó.

Đối với Bộ Ngoại giao, để xây dựng được một cơ cấu tổ chức “toàn diện”, trước hết cần rà soát, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như những đặc thù trong công tác đối ngoại của ngành Ngoại giao để từ đó đề xuất mô hình tổ chức phù hợp. Đây cũng chính là bài học mà đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã để lại cho chúng ta.

Nghị định 26/2017/NĐ-CP quy định Bộ Ngoại giao “là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, gồm: Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật”. Theo Nghị định 26, Bộ Ngoại giao có 30 nhiệm vụ. Nhìn chung, quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao đã tương đối đầy đủ, toàn diện.

Tuy nhiên, thực tế triển khai hoạt động những năm qua cho thấy vẫn còn một số nhiệm vụ Bộ ta đang được giao phụ trách nhưng chưa được thể chế hóa hoặc một số nhiệm vụ mới chưa được phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa Bộ Ngoại giao với các cơ quan, bộ, ngành khác, ví dụ như nhiệm vụ thống nhất quản lý đối với công tác đối ngoại nhân dân; các nhiệm vụ về ngoại giao số, về các vấn đề toàn cầu...

Ngay trong các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, việc phân công, phân nhiệm trong một số trường hợp cũng chưa thực sự phù hợp, dẫn đến tình trạng có nhiệm vụ do nhiều đơn vị cùng giải quyết (ví dụ như nhiệm vụ về hợp tác tiểu vùng, sự tham gia của Việt Nam vào các cơ chế, diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế), nhưng cũng có những nhiệm vụ hiện nay Bộ chưa có đơn vị chuyên trách phù hợp (ví dụ như vấn đề chuyển đổi số).

Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ thời gian tới là phải xác định và sớm cụ thể hóa nội hàm đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII để làm định hướng rà soát kỹ lưỡng chức năng, nhiệm vụ của Bộ; kịp thời đề xuất bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Bộ và của các đơn vị thuộc Bộ.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ mới, Bộ sẽ kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy cho thực sự phù hợp.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao có hai đơn vị cấp Tổng cục, 17 đơn vị cấp Vụ (kể cả Văn phòng Bộ và Thanh tra), 6 đơn vị cấp Cục (bao gồm Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh), 7 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và được giao quản lý 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Cơ cấu của Bộ hiện nay là tương đối tinh gọn, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay. Vậy, ta phải kiện toàn, sắp xếp lại các đơn vị như thế nào để thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp của tổ chức?

Thứ nhất, cần tiếp tục phát huy mô hình các đơn vị tổng hợp. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người tiên phong khi chỉ đạo thành lập các đơn vị tổng hợp (như Vụ Tổng hợp đối ngoại, Vụ Tổng hợp nội bộ, Vụ Tổng hợp kinh tế…).

Cho đến nay, chúng ta vẫn duy trì mô hình các Vụ Tổng hợp như Chính sách đối ngoại, Tổng hợp kinh tế và các đơn vị này nhìn chung đang đóng vai trò quan trọng trong công tác nghiên cứu tổng hợp, tham mưu, đề xuất chính sách.

Thứ hai, các Vụ khu vực được xác định là những “quả đấm thép” trên mặt trận đối ngoại của Bộ ta. Bộ đã ưu tiên thuyết phục Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ và trình Chính phủ cho phép duy trì mô hình tổ chức phòng tại các Vụ khu vực, với mong muốn đưa công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách của các Vụ khu vực đi vào chiều sâu hơn nữa và cũng là một giải pháp hiệu quả để đào tạo cán bộ nguồn cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu sắc hiện nay, khi mà vấn đề của một quốc gia nhiều khi đã vượt ra ngoài phạm vi của một khu vực thì việc tổ chức đơn vị theo khu vực địa lý đôi khi cũng gặp những hạn chế trong xử lý vấn đề.

Phải chăng đã đến lúc đặt lại vấn đề về việc tổ chức mô hình Tổng Vụ khu vực để phát huy sức mạnh tổng hợp, nhân lực của các đơn vị?

Tất nhiên, hướng đi này chưa thực sự phù hợp với chủ trương chung là hạn chế, giảm số lượng tổng cục. Nhưng ngành Ngoại giao vốn có nhiều đặc thù trong nhiệm vụ chính trị thì việc đề xuất đặc thù cho tổ chức bộ máy như triển khai thí điểm mô hình Tổng Vụ tại Bộ Ngoại giao là một phương án cũng có thể cân nhắc một cách nghiêm túc và phù hợp với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá trong công tác xây dựng ngành mà đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã thể hiện.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, cần mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất thí điểm các cơ chế mềm, cơ chế ảo, liên vụ, đa lĩnh vực, các mô hình mới mang tính đặc thù của ngành Ngoại giao như Đại sứ, Vụ trưởng đặc trách một hoặc một số vấn đề cụ thể (tương tự mô hình Đặc phái viên hoặc Quốc vụ khanh của một số nước).

Thứ ba, số lượng các đơn vị sự nghiệp của Bộ Ngoại giao không nhiều và trong hai năm qua đã được sắp xếp lại khá tinh gọn, hiện chỉ còn 7 đơn vị thuộc Bộ và ba đơn vị thuộc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.

Quan trọng hơn, tỷ lệ các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng cao, vượt chỉ tiêu so với yêu cầu của Trung ương (hiện Bộ có 6/11 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên, trong khi TW yêu cầu đến 2021 phải có 10% đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên).

Tuy nhiên, xét ở góc độ hiệu quả kinh tế thì thực sự cần phải nỗ lực hơn rất nhiều trong cơ chế thị trường vốn có sự cạnh tranh rất cao. Với cơ chế quản lý hiện nay, rất khó để các đơn vị này làm ăn hiệu quả, phát huy hết được thế mạnh của mình.

Điều quan trọng hơn, các đơn vị sự nghiệp của ta vẫn phải thực hiện và hoàn thành tốt chức năng phục vụ nhiệm vụ chính trị của Bộ.

Thứ tư, đối với các Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài, ta đã có Quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong năm 2018, ta đã trình Chính phủ cho phép đóng cửa 4 CQĐD chủ yếu do tình hình chính trị, an ninh sở tại không bảo đảm (tại Iraq, Libya) nhưng cũng có cả lý do hiệu quả hoạt động không đáp ứng được yêu cầu (Đại sứ quán ta tại Panama và Uzbekistan).

Ta cũng đã cơ bản hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động của CQĐD (Luật CQĐD đã được thông qua năm 2009, sửa đổi bổ sung năm 2017; các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cũng đã ban hành; tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với thành viên CQĐD cũng từng bước được thể chế hóa).

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì hiệu quả hoạt động của các CQĐD không đồng đều; vẫn còn một số CQĐD chưa để lại nhiều dấu ấn về thành tích đối ngoại, chưa phát huy hết vai trò, chức năng đại diện nhà nước trong hoạt động của mình, nhất là chức năng tham mưu, đề xuất chiến lược, chính sách.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chất lượng đội ngũ cán bộ tại các địa bàn này còn chưa đáp ứng được yêu cầu của mô hình CQĐD tinh gọn, hiệu quả (theo đó, số lượng cán bộ ít (3-5 người/cơ quan), nhưng phải tinh nhuệ và đa năng.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước bị cắt giảm, biên chế CQĐD không được tăng, làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của các CQĐD đang là một vấn đề không dễ giải quyết.

Bên cạnh việc rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cho phù hợp với ưu tiên đối ngoại của đất nước trong giai đoạn tới, giải pháp khả thi nhất trong thẩm quyền của Bộ là thực hiện điều chuyển biên chế trong phạm vi chỉ tiêu được giao giữa các CQĐD, trong đó dành ưu tiên cao hơn cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho những địa bàn chiến lược, quan trọng hoặc nằm trong kế hoạch thúc đẩy quan hệ trong từng giai đoạn cụ thể.

Mặt khác, cần có các đột phá nhiều hơn trong kiện toàn mô hình, cơ cấu tổ chức của các CQĐD. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Vụ Tổ chức Cán bộ đang triển khai.

Cuối cùng, và cũng là giải pháp quan trọng nhất: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy có hoàn thiện đến đâu thì cũng không thể vận hành suôn sẻ nếu thiếu đi nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là nhiệm vụ thường xuyên mà Bộ ta đã làm khá tốt trong những năm qua, với nhiều sáng kiến, đổi mới trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ.

Chất lượng đội ngũ cán bộ của Bộ ta đã được các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiều lần ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong bối cảnh tình hình mới, việc tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ là hết sức cần thiết, nhất là xây dựng đội ngũ chuyên gia, chuyên sâu.

Hiện nay, Vụ Tổ chức Cán bộ đang chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Bộ Ngoại giao giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2021-2025.

Một khi được thông qua, đây sẽ là những cơ sở quan trọng để Bộ triển khai các giải pháp cụ thể nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, chính quy, hiện đại.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ke-thua-va-phat-huy-tam-nhin-cua-bo-truong-nguyen-co-thach-xay-dung-to-chuc-bo-may-bo-ngoai-giao-chinh-quy-toan-dien-hien-dai-144765.html