Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam

Tổng kết 15 năm triển khai công tác gia đình; Tiếp tục phổ biến tuyên truyền Chiến lược xây dựng gia đình; Nâng cao ý thức tự giác trong công tác phòng, chống các sản phẩm văn hóa độc hại là những thông tin văn hóa, gia đình tiêu biểu tại một số tỉnh Tây Nam bộ.

Ảnh minh họa/giadinhvanhoa

Ảnh minh họa/giadinhvanhoa

Cần Thơ: Tổng kết 15 năm triển khai công tác gia đình theo Chỉ thị 49/CT-TW của Ban Bí thư

Trong 15 năm qua, thành phố Cần Thơ đã tập trung triển khai công tác gia đình theo Chỉ thị 49/CT-TW ngày 21/02/2015 của Ban Bí thư "về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" gắn với việc thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" bằng nhiều giải pháp thiết thực. Qua đó thu hút được sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân tham gia vào công tác gia đình một cách tích cực hơn. Cụ thể như: tổ chức phát động và vận động các gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, nhân rộng các mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, mô hình gia đình hiếu học, gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận, mẫu mực…

Công tác tuyên truyền, vận động được các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên, nhất quán và đồng bộ đến tận cơ sở, địa bàn dân cư gắn liền với các phong trào, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân TP Cần Thơ, Sở VHTTDL tổ chức sơ kết công tác gia đình hàng năm, giai đoạn, được lồng ghép vào dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Qua 15 năm, Chủ tịch UBND thành phố đã tặng bằng khen cho trên 200 hộ gia đình văn hóa; Giám đốc Sở VHTTDL tặng giấy khen cho hơn 300 tập thể, cá nhân đã đạt thành tích trong xây dựng gia đình văn hóa, phòng, chống bạo lực gia đình…Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện và tổ chức sơ kết, tổng kết công tác gia đình hàng năm.

Đến nay, thành phố có 630 Câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững, 630 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 49 Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Công tác triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình…đã đạt nhiều kết quả thiết thực. Tình hình bạo lực gia đình giảm đáng kể; các mô hình phòng chống bạo lực gia đình được nhân rộng.

Từ những kết quả đạt được, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục chú trọng các biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong đó các tiêu chí công nhận danh hiệu gia đình văn hóa phải được đặt lên hàng đầu; Đồng thời tiếp tục giáo dục, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình.

Long An: Tiếp tục phổ biến tuyên truyền Chiến lược xây dựng gia đình

Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh Long An đã được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, qua đó không ngừng nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân về công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ mới.

Sự chuyển biến nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, hoạt động phối hợp của các ban ngành, đoàn thể đối với công tác gia đình ngày càng được quan tâm sâu sắc hơn. Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức phụ trách công tác gia đình tuyến tỉnh và huyện được nâng lên, công chức Văn hóa – Xã hội thực hiện công tác gia đình tại cơ sở đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhiều gia đình có điều kiện tốt để phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình thoát được nghèo. Việc giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ được tăng cường; việc thực hiện nếp sống mới giữ gìn môi trường, phát huy tình làng nghĩa xóm được đông đảo người dân chú trọng và hưởng ứng.

Nhìn chung, trong 15 năm qua, các ngành, các cấp quan tâm, chỉ đạo cho cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các mục tiêu của Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010 và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi gia đình, nêu bật truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, của gia đình, của con người Việt Nam. Các hình thức tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả như: Hội thi, hội diễn, tọa đàm, mít tinh, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, thông qua các buổi sinh hoạt nhóm, sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB)…. Từ đó vận động nhân dân tích cực xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, tỉ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm đều tăng và xuất hiện ngày càng nhiều mô hình gia đình nông dân văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình vượt khó vươn lên, gia đình hiếu học, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình nhiều thế hệ mẫu mực... Qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nhân dân đã nêu cao ý thức tự quản gắn kết cộng đồng, củng cố nâng cao mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, giữ vững và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ở mỗi gia đình.

Trong thời gian tới, tỉnh Long An sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Tiếp tục phổ biến tuyên truyền Chiến lược xây dựng gia đình, nâng cao sự nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vị trí gia đình trong xã hội, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về gia đình, giúp cho các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trong gia đình, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và gia đình ngày càng phát triển bền vững; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút, phát huy các nguồn lực trong nhân dân để cùng với ngân sách nhà nước thực hiện công tác gia đình; tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các dịch vụ xã hội tuyến cơ sở góp phần nâng cao đời sống gia đình…

Tiền Giang: Nâng cao ý thức tự giác trong công tác phòng, chống các sản phẩm văn hóa độc hại

Triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội (Chỉ thị 46). Xác định được tầm quan trọng của công tác phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; với phương châm "lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động, phòng ngừa, ngăn chặn là chính", trong 10 năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ tuyên truyền các nội dung Chỉ thị 46.

Cụ thể, toàn ngành đã thực hiện 50 pano tuyên truyền, 620 băngrôn, biểu diễn 230 buổi tuyên truyền lưu động, tổ chức 4 cuộc triển lãm với trên 500 tranh - ảnh nghệ thuật về văn hóa dân tộc, dàn dựng - biểu diễn gần 70 tác phẩm với nhiều loại hình văn nghệ phê phán, bài trừ các loại văn hóa phẩm độc hại; phối hợp với Báo Ấp Bắc thực hiện trên 300 bài viết phản ánh về hoạt động văn hóa, về phong tục tập quán tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của tỉnh. Nội dung các bài viết đã góp phần nâng cao ý thức văn hóa trong nhân dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh trong nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, ngành cũng tổ chức rất đa dạng các loại hình văn hóa văn nghệ, thông tin truyên truyền, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm tăng thêm sức mạnh văn hóa truyền thống trong quá trình giao lưu văn hóa với thế giới. Các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh, vận động nhân dân loại bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu ra khỏi đời sống cộng đồng…

Trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 46 với nhiều hoạt động văn hóa đặc thù, gắn với việc nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" để tạo sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư, phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân, nâng cao ý thức tự quản, tự giác, tạo sức đề kháng tốt trước các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Đồng thời tăng cường công tác quản lý xuất nhập văn hóa phẩm, phát hiện kịp thời các loại văn hóa phẩm độc hại để đảm bảo các hoạt động văn hóa diễn ra lành mạnh trên địa bàn tỉnh, đúng quy định của nhà nước./.

Thanh Thủy (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ke-thua-va-phat-huy-nhung-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-tot-dep-cua-gia-dinh-viet-nam-20200507112721863.htm