Kế thừa hay 'bản sao'?

Trong thời dịch Covid-19, nhớ sân khấu, thèm được hát, NSƯT Lê Tứ ngẫu hứng “nhái” cách ca vọng cổ của khoảng 20 danh ca tung lên mạng khiến người hâm mộ cải lương tỏ ra thích thú…

NSƯT Lê Tứ trong vai Lê Hoàn, vở Thái hậu Dương Vân Nga . Ảnh: Trí Trọng

NSƯT Lê Tứ trong vai Lê Hoàn, vở Thái hậu Dương Vân Nga . Ảnh: Trí Trọng

1. Trong “bộ sưu tập danh ca” này, Lê Tứ hát mộc theo phong cách của các tài danh Hữu Phước, Út Trà Ôn, Minh Cảnh, Thanh Sang, Tấn Tài, Chí Tâm, Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu, Vũ Linh, Châu Thanh… Trong đó, người hâm mộ khen ngợi anh đã hát ra được phong cách của các nghệ sĩ Thanh Sang, Giang Châu, Minh Vương, Vũ Linh…

Lê Tứ là một trong những nghệ sĩ trẻ lớp sau được khen ngợi về sự giỏi nghề. Anh từng là giảng viên Khoa Kịch hát dân tộc Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM. Anh cũng là vị giám khảo uy tín trong các mùa giải Chuông vàng vọng cổ. Thế nên, thật bất ngờ khi Lê Tứ tung ra clip “nhái” giọng ca các tiền bối. Không ít người cho rằng Lê Tứ có vẻ bắt kịp trào lưu khi có nhiều cuộc thi trên truyền hình nhái giọng các ngôi sao, thi trở thành “bản sao” của các nghệ sĩ nổi tiếng.

Nói về điều này, Lê Tứ cười cho biết, thật ra anh đã có thói quen nghe và bắt chước các danh ca nổi tiếng từ lâu, khi còn là một cậu bé mê cải lương ở mảnh đất miền Tây. Qua một quá trình dài, đến nay anh khẳng định mình bắt chước, nghiên cứu các giọng ca tài danh không phải là nhái giọng mà là học, và điều đó vô cùng có lợi trong suốt cuộc đời làm nghề sau này của anh.

2. Ngày nhỏ, chú bé Lê Tứ suốt ngày ôm cassette nghe mê mẩn giọng ca Châu Thanh - Phượng Hằng. Thuở ban đầu, anh ca vọng cổ hơi dài giống y như thần tượng. Không dừng lại ở đó, anh có sở thích nghe các giọng ca khác và bắt chước y chang. Khi lên thành phố, theo học khoa cải lương, ngày ra trường, đi hát show lẻ tại gia, nhiều gia chủ có sở thích bài Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà phải ca theo kiểu ca Minh Cảnh. Vậy là Lê Tứ lại có cơ hội phát huy “sở trường” nhái giọng của mình.

Thế nhưng, đến hiện tại, nghe Lê Tứ hát có lẽ không ai “khép” anh vào bóng dáng của bất cứ giọng ca nào. Để đạt được điều đó, Lê Tứ hiểu rằng để đi bằng chính đôi chân của mình trên đường nghề, không thể là “hình bóng” của ai. Tất cả những giọng ca anh đã từng mê đắm, từng nghe, từng bắt chước theo, anh ngẫm lại và tìm xem cách họ luyến láy, nhấn chữ như thế nào. Nghiên cứu riết mà những cái hay của người khác đã ngấm và bật ra từ mỗi vai diễn của Lê Tứ một cách tự nhiên, như đó là của anh.

Lê Tứ tâm sự: “Nhờ nghiên cứu cách ca của các tiền bối mà giờ tôi đã có một kho kinh nghiệm làm nghề hết sức quý báu, giúp tôi không bó hẹp trong một dạng vai. Khi diễn vai võ tướng, tôi học cách ca bi hùng của chú Minh Cảnh, khi vào vai thư sinh, nho nhã tôi học cách đổ mùi như chú Chí Tâm. Khi vào vai hài, vai độc tôi vận dụng cách ca của nghệ sĩ Giang Châu, Hề Sa… Nhận một vai diễn mới hay một bài ca cổ mới, nhìn vào là tôi biết câu nào sẽ sử dụng cách ca nào cho hợp lý. Bữa nào sức khỏe yếu, khan giọng, không thể chồng hơi, tôi biết vận dụng cách vô vọng cổ vừa phải, nghe không quá tệ”.

3.Trong làng cải lương, chuyện nghệ sĩ trẻ ảnh hưởng giọng ca, phong cách biểu diễn của người đi trước là không hiếm. Thậm chí các nhà nghiên cứu còn đưa ra các trường phái ca như: trường phái ca Hữu Phước, Út Trà Ôn, Minh Cảnh, Thanh Tuấn, Châu Thanh… Từ mỗi trường phái này sẽ có rất nhiều nghệ sĩ và cả khán giả ái mộ và đi theo trường phái đó. Không chỉ có giọng ca mà có người còn bắt chước và rập khuôn theo thần tượng cả phong cách biểu diễn. Ví dụ, khi xem nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga hay Trưng Trắc, không khó để người xem phát hiện ra sự ảnh hưởng từ 2 nghệ sĩ tài danh Thanh Nga và Bạch Tuyết. Tuy nhiên, như một soạn giả nói: “Không nên khắt khe với các em trẻ trong trường hợp này, bởi những ngày đầu theo nghề còn non nớt, có thể các em sẽ bị ảnh hưởng bởi những người đi trước, xem những gì của người đi trước là chuẩn mực để bắt chước theo”. Thế nhưng, một khi đã xác định theo nghề lâu dài, “rập khuôn” là một điều tai hại. Thực tế cho thấy, khó có một “bản sao” nào đạt được thành công và sự đánh giá cao.

Lê Tứ lấy ví dụ: “Bài vọng cổ là bài ca vua trong cải lương, nghe được câu vọng cổ hay người ta thấy tê tái, sướng lỗ tai. Viết ra bài vọng cổ là soạn giả nhưng người ca sẽ là tác giả thứ hai nếu biết cách luyến láy, nhấn nhá từng từ, từng câu sao cho độc đáo. Bởi vậy trong làng cải lương chúng ta đã có biết bao nhiêu danh ca nghiên cứu, sáng tạo cách vô câu vọng cổ… không đụng hàng. Nghe là biết Minh Cảnh, Chí Tâm, Thanh Tuấn hay Minh Vương liền. Mình là lớp diễn viên con cháu, mình quá may mắn khi kế thừa được nhiều kinh nghiệm hay từ các tiền bối trong trăm năm qua. Nhưng kế thừa mà không biết phát huy, không biết sáng tạo thành nét riêng của mình thì rất dễ bị so sánh, rất khó tạo sự thành công trên con đường nghề”.

Linh Đoan

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202009/ke-thua-hay-ban-sao-3022940/