Kẻ thắng – người thua trong khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ

Thảm kịch của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ trong vài ngày gần đây đã khiến thị trường toàn cầu rung chuyển dù giới chuyên gia dự đoán rắc rối của Ankara khó châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính.

Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiếm chưa đầy 1% nền kinh tế thế giới và rủi ro liên quan đến Ankara trong lĩnh vực ngân hàng cũng nhỏ, theo giới chuyên gia.

Các ngân hàng Tây Ban Nha dễ bị hệ thống tài chính Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng nhất nhưng họ cũng chỉ chiếm 4,5% tổng tài sản, theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và J.P. Morgan Asset Management.

“Những con số đó không khiến tôi lo lắng. Tôi nghĩ đến vấn đề tâm lý nhiều hơn”, Sat Duhra, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Janus Henderson Investors, nói với CNBC hôm 15/8.

Ông cho biết những diễn biến ở Thổ Nhĩ Kỳ đã “đổ dầu vào lửa” vào thời điểm nhà đầu tư đang bất an vì tranh chấp thương mại leo thang, Mỹ tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy yếu.

Bên thua: Các thị trường mới nổi và ngân hàng

Trong bối cảnh đó, các thị trường mới nổi, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, đã trở thành nạn nhân của đợt tháo chạy gần đây.

Các nhà đầu tư rút tiền do lo ngại những thị trường mới nổi, đặc biệt là nước có tình hình tài chính kém, sẽ nối gót Thổ Nhĩ Kỳ. Các đợt rút vốn đã ảnh hưởng đến những đồng tiền khác. Rupee Ấn Độ, peso Argentina đều chạm đáy so với USD hồi đầu tuần.

Những lo ngại đó có thể không có cơ sở, theo giới chuyên gia.

“Khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ làm dấy lên lo ngại về những thị trường mới nổi ‘mỏng manh’ có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn như Brazil, Nam Phi và Argentina”, Viện Đầu tư Wells Fargo nhận định hôm 14/8. “Điều quan trọng cần nhớ là các thị trường mới nổi nhìn chung đã có vị thế tài chính mạnh mẽ hơn nhiều so với 20 năm trước”.

Dù không liên quan mấy đến hệ thống tài chính Thổ Nhĩ Kỳ, cổ phiếu ngân hàng tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng.

Cổ phiếu các ngân hàng châu Âu như BBVA của Tây Ban Nha và UniCredit của Italy, có chi nhánh tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong tuần đã giảm lần lượt 3,3% và 4,6%.

Hệ thống ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị tổn thương trong tình hình hiện tại bởi các công ty nước này đã tích lũy một khoản nợ nước ngoài lớn, đồng nghĩa họ ngày càng khó chi trả vì đồng lira suy yếu. Tổng nợ tại Thổ Nhĩ Kỳ không phải bằng đồng lira đã tăng lên hơn 50% GDP, phần lớn bên đi vay là các công ty.

Giới đầu tư lo ngại sự suy yếu của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lan sang những bên cho vay nước ngoài có tài sản tại quốc gia này.

“Điểm yếu trong tình hình hiện nay là hệ thống ngân hàng. Tôi nghĩ lúc này, chúng ta vẫn ổn. Nếu tình hình kéo dài từ 9 đến 12 tháng, các ngân hàng sẽ là bên yếu nhất”, Nafez Zouk, kinh tế gia về các thị trường mới nổi tại Oxford Economics, nói hôm 15/8.

Bên thắng: USD và quan hệ EU – Thổ Nhĩ Kỳ

Trong bối cảnh nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, các tài sản Mỹ ngày càng được ưu tiên chúng được hậu thuẫn bởi kinh tế Mỹ mạnh, lãi suất cao.

Khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra cùng lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chào bán kỷ lục trái phiếu chính phủ. Nhu cầu từ nhà đầu tư còn giúp thúc đẩy chỉ số USD – đo sức mạnh đồng bạc xanh với rổ các đồng tiền chính – tăng hơn 4% trong năm nay.

USD mạnh lên chỉ tạo thêm rắc rối cho Thổ Nhĩ Kỳ và các thị trường mới nổi, David Dietze, nhà sáng lập kiêm chủ tịch, chiến lược gia đầu tư tại Point View Wealth Management, nhận định.

“Lãi suất ở Mỹ tăng gây ra hai việc. Một là nó khiến các khoản nợ, chủ yếu bằng USD, ở những thị trường mới nổi khó hoạt động hơn. Hai là nó khiến mọi người tranh thủ lợi thế lãi suất Mỹ, đẩy đồng USD tăng giá, khiến việc trả nợ bằng đồng USD khó khăn hơn”, Dietze nói.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã đối đầu về thuế quan và vụ bắt mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Điều này tạo ra cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ và các nước trong Liên minh châu Âu (EU) hâm nóng quan hệ, nhóm tham vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định hôm 14/8.

EU và Ankara đã có nhiều “vấn đề tồn đọng” liên quan đến nguyên tắc thượng tôn pháp luật và tự do báo chí. Tuy nhiên, EU hành động thận trọng với ông Erdogan, không giống như “lập trường thất thường” của ông chủ Nhà Trắng, theo Eurasia.

“Việc ông Trump không được ưa thích ở châu Âu khiến các lãnh đạo EU không muốn ủng hộ cách tiếp cận của ông chủ Nhà Trắng. Các quan chức cấp cao EU sẽ nêu ra ‘các điểm chung’ mà liên minh và Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với Mỹ - về thuế, những lời đe dọa và hơn thế nữa”.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được sự ủng hộ từ EU khi chỉ trích Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak viết “một phản ứng rất tích cực” trên Twitter, đề cập đến thông tin Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier chỉ trích thuế của Trump với Thổ Nhĩ Kỳ.

“Điều này cho thấy quan hệ EU- Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tan băng”, Eurasia nhận định.

Như Tâm/Theo CNBC

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ke-thang-nguoi-thua-trong-khung-hoang-tai-chinh-tho-nhi-ky-20180816021228161p145c151.news