'Kẻ săn phù thủy' của Romania trở thành ứng viên sáng giá lãnh đạo Văn phòng Công tố EU

Bà Laura Codruta Kovesi - người đã bị Tổng thống Romania cách chức Trưởng công tố, đứng đầu Cơ quan Chống tham nhũng (DNA) hồi tháng 7 năm ngoái, hiện đang nổi lên là ứng viên hàng đầu để lãnh đạo một văn phòng công tố mới của Liên minh châu Âu (EU), bất chấp sự phản đối của Chính phủ trong nước.

Bà Laura Codruta Kovesi giành được nhiều khen ngợi tại Bỉ và Tây Âu vì đã khiến các quan chức cấp cao Romania phải chịu tội trước pháp luật. Ảnh: AFP

Bà Laura Codruta Kovesi giành được nhiều khen ngợi tại Bỉ và Tây Âu vì đã khiến các quan chức cấp cao Romania phải chịu tội trước pháp luật. Ảnh: AFP

Các quốc gia EU bắt đầu tiến hành quá trình bầu chức lãnh đạo Văn phòng Công tố châu Âu vào ngày 13/2. Đây được đánh giá là cơ quan sẽ có ảnh hưởng và nhạy cảm về chính trị. Trước đó, một hội đồng độc lập đã họp bàn và đưa bà Kovesi lên đầu danh sách rút gọn còn 3 người sẽ tham gia ứng cử vào chức vụ này, theo tin từ các nhà ngoại giao của EU.

Trước đó, việc Chính phủ Romania sa thải bà Kovesi được cho là một động thái chính trị, cho thấy sự đối đầu giữa Chính quyền Bucharest với bà Kovesi - một biểu tượng chống tham nhũng của Romania, người nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một số quốc gia thành viên có ảnh hưởng của EU.

“Việc bổ nhiệm đối với bà Kovesi sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Romania và các quốc gia đi theo con đường tương tự, như Hungary, hay các quốc gia đang có ý nghĩ về điều này", Oana Popescu, Giám đốc Trung tâm Tư duy Toàn cầu Tập trung có trụ sở tại Bucharest và cựu Bộ trưởng các vấn đề EU người Romania nói: “Tôi nghĩ điều này trong thực tế sẽ giúp tận dụng các cơ hội của bà Kovesi”.

Ông Tudorel Toader, Bộ trưởng Tư pháp Romania, người đã đề nghị sa thải bà Kovesi khỏi ghế Trưởng công tố chống tham nhũng mùa hè năm ngoái, nay cũng tìm cách cản trở bà đến với chức vụ mới tại EU kể từ khi thông tin ứng cử của bà được công bố trong tháng này.

Ông cho biết, sẽ gửi thông tin về bà Kovesi cho các đối tác tại EU của mình, trong khi, ông cũng cho rằng, hội đồng ra quyết định đưa bà Kovesi vào danh sách tranh cử trước cả ứng viên đến từ Pháp và Đức đã bị thông tin sai lệch.

“Tôi tin rằng, các thành viên của ban tuyển chọn không biết về những hành vi lạm dụng quyền lực của bà Laura Codruta Kovesi gây bất lợi cho người dân và bất lợi cho pháp luật", ông Toader nói.

Hơn 20 trong tổng số 28 thành viên của EU, bao gồm Romania, đã đồng ý việc sử dụng Văn phòng Công tố mới, với mục đích thúc đẩy khối các nước EU trong việc giải quyết tội phạm tài chính xuyên biên giới, bao gồm cả các cáo buộc gian lận. Văn phòng này sẽ độc lập với EU và các cơ quan chính quyền quốc gia, nhằm tạo cho cơ quan này khả năng xâm nhập vào các khu vực gây tranh cãi về chính trị, đặc biệt là nơi các chính trị gia hàng đầu bị buộc tội chiếm đoạt tiền của EU.

Các ứng cử viên sẽ được đánh giá bởi các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu.

Năm 2007, EU đặt Romania - một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao nhất trong khối, vào cơ chế giám sát công tác cải cách tư pháp và chống tham nhũng. Năm 2013, bà Kovesi được bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng. Dưới sự điều hành của bà Kovesi, các vụ truy tố tham nhũng đã tăng đột biến, nhận được sự hoan nghênh của EU. DNA đã mở những cuộc điều tra quy mô chống lại một thủ tướng, một số cựu bộ trưởng, các ông trùm truyền thông, thẩm phán và cả các công tố viên.

Bà Kovesi từng theo sát việc truy tố thành công hành vi gian lận bầu cử của ông Liviu Dragnea - người lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền - nhưng không thể khiến Thủ tướng bị kết án.

Kể từ đó, ông Dragnea và các đồng minh trong Chính phủ đã tìm cách làm suy yếu cơ quan chống tham nhũng và làm suy yếu luật chống tham nhũng. Vào tháng 1 vừa qua, ông Toader đã thông tin về một đề xuất cho phép những người bị kết án tham nhũng phủ nhận các phán quyết kể từ năm 2014, một điều khoản có thể mang lợi cho người thụ hưởng, trong đó bao gồm ông Dragnea.

Ông Dragnea cũng đang bị điều tra trong một vụ việc khác liên quan đến cáo buộc chiếm dụng Quỹ xây dựng đường bộ của EU. Ông phủ nhận mọi hành vi sai trái và đã đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý châu Âu chống lại OLAF - cơ quan chống gian lận của EU.

Tháng trước, bà Kovesi tuyên bố đã kiện Chính phủ Romania vì bị cách chức hồi năm ngoái mà không có quyền kháng cáo.

Bà Laura Kovesi sinh năm 1973 ở thành phố Sfantu Gheorghe, Romania, tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Babes-Bolyai (UBB) năm 1995. Trước khi lãnh đạo DNA, Kovesi là Tổng Công tố Romania. Năm 1998, Kovesi làm việc cho Cục Điều tra tội phạm có tổ chức và Khủng bố (DIICOT), trực thuộc Bộ Tư pháp Romania.

Bà Kovesi vốn là vận động viên bóng rổ và từng cùng đồng đội giành ngôi vô địch môn thể thao này tại châu Âu năm 1989. Kovesi được giới truyền thông trong nước mô tả là một người “ăn nói mềm mỏng và trầm lặng”.

Công việc của bà Kovesi được quốc tế đánh giá cao và bà được Chính phủ Pháp trao huân chương cao quý Bắc đẩu Bội tinh vào năm 2016. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, bà được trao quá nhiều quyền lực và nhiệt tình chống tham nhũng đã biến bà thành “kẻ săn phù thủy” đáng sợ.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/ke-san-phu-thuy-cua-romania-tro-thanh-ung-vien-sang-gia-lanh-dao-van-phong-cong-to-eu_t114c52n144658