'Kẻ phá nát Nam Tư' muốn rửa hận bằng bạo động?

Kích hoạt một cuộc cách mạng quyền lực từ đường phố là khả dĩ nhất với các tác giả của kịch bản phá nát Nam Tư...

Biểu tình bạo lực chống chính phủ Serbia

Theo Balkan Insight, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở Serbia, ngày 7/7, Tổng thống Aleksandar Vucic đã ban hành lệnh giới nghiêm bắt đầu vào ngày 10/7, để có thể kiểm chế việc tái phát lây lan của dịch bệnh.

Ngay lập tức hàng ngàn người phản đối đã tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội Serbia. Sau đó những người biểu tình đã quyết tìm cách tràn vào chiếm giữ trụ sở cơ quan lập pháp Serbia, buộc cảnh sát phải hành động và bạo lực đã diễn ra.

Các cuộc biểu tình bạo động nhanh chóng lan ra nhiều thành phố khác trên khắp đất nước Serbia, như Novi Sad, Nis, Kragujevac và Smederevo... Nhưng phản đối lệnh giới nghiêm để khống chế dịch bệnh dường như chỉ là cái cớ của việc xuống đường.

Cảnh sát chống biểu tình bạo loạn tại Serbia

Cảnh sát chống biểu tình bạo loạn tại Serbia

Ở Kragujevac, những người biểu tình đã đập phá trụ sở cảnh sát, còn người biểu tình ở Novi Sad ném đá và rác vào các cơ sở của Đảng Tiến bộ cầm quyền, phá phách tại Đài Truyền hình Vojvodina, đập phá tòa thị chính.

Dù chưa có thiệt hại về nhân mạng, nhưng có nhiều cảnh sát và người biểu tình đã bị thương trong các cuộc đụng độ. Chỉ tính riêng trong tối ngày 8/7, tại Belgrade, đã có 19 cảnh sát và 17 người biểu tình bị thương.

Với tích chất và phương thức tổ chức các cuộc biểu tình bạo động, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Alexanderar Vulin nhận định các cuộc xuống đường lần này tại Serbia là thể hiện mưu đồ chính trị :

"Có thể thấy các cuộc đụng độ bạo lực làm rung chuyển Belgrade và các thành phố khác đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, mà mục đích không khó nhận diện là cướp chính quyền và tạo ra một cuộc nội chiến ở Serbia...

Rõ ràng có một nỗ lực đảo chính, một nỗ lực giành lấy quyền lực bằng vũ lực và một nỗ lực để kích động cuộc nội chiến ở Serbia. Nó không thể mô tả theo bất kỳ cách nào khác được”.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Serbia, chứng kiến các cuộc biểu tình bạo động diễn ra có thể dễ dàng nhận thấy nó được tổ chức bài bản và có sự phối hợp chặt chẽ, chứ không phải do bột phát vì bị ức chế bởi lệnh giới nghiêm của chính phủ.

Xin nhắc lại, tình trạng giới nghiêm ở Serbia đã được dỡ bỏ một thời gian, tạo điều kiện cho người dân Serbia bớt ngột ngạt bởi giãn cách xã hội. Song sự bùng phát trở lại dịch COVID-19, khiến chính phủ Serbia phải tái áp dụng biện pháp cứng rắn này.

'Những kẻ phá nát Nam Tư' muốn rửa vết nhơ bằng máu người Serbia?

Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Alexanderar Vulin cho rằng các thế lực không muốn Serbia thành công và ổn định chính là đạo diễn chính cho các cuộc biểu tình bạo lực ở quốc gia vùng Balkan này.

Theo giới phân tích, tuyên bố của người đứng đầu lực lượng vũ trang Serbia là hoàn toàn có cơ sở và đạo diễn cho các cuộc biểu tình bạo lực ở Serbia chính là những kẻ không được người dân Serbia gửi niềm tin và cho cơ hội. Tại sao nhận định như vậy?

Âm mưu một cuộc cướp quyền từ đường phố ở Serbia

Có thể thấy, không phải ngẫu nhiên khi biểu tình bạo loạn lại diễn ra sau khi Đảng Tiến bộ Serbia cầm quyền của Tổng thống Aleksandar Vucic, có chiến thắng "long trời lở đất" trong cuộc bầu cử Quốc hội Serbia diễn ra ngày 21/6.

Khi Tổng thống Aleksandar Vucic cho rằng đảng chính trị của ông có chiến thắng vĩ đại nhưng rất "ấn tượng và thuyết phục", là nhờ có được niềm tin và sự tín nhiệm của người dân Serbia cao nhất từ trước đến nay, thì cũng khởi phát cho sự trả đũa.

"Tôi đã tham gia chính trị một thời gian dài, nhưng chưa bao giờ trải qua một khoảnh khắc như thế này, chúng tôi đã có được sự tin tưởng rất lớn từ người dân, điều tuyệt vời nhất từ trước đến nay ở Serbia, trong điều kiện mà ít ai tin vào điều đó".

Trong khi đó, các đảng đối lập đều thất bại. Đảng đối lập nổi bật nhất là Phong trào Công dân Tự do chỉ được 1,8% phiếu bầu. Điều này đồng nghĩa không có đảng đối lập nào đủ điều kiện tham gia chính phủ mới ở Serbia.

Phe đối lập không chấp nhận thất bại. Hàng trăm người ủng hộ chính trị gia cực hữu Srdjan Nogo đã tập trung trước trụ sở Ủy ban bầu cử ở trung tâm Belgrade và trước tòa nhà Quốc hội Serbia để phản đối kết quả bầu cử.

Các phương tiện truyền thông phương Tây hầu hết cho rằng không có bất kỳ thách thức nghiêm trọng nào đối với đảng cầm quyền của ông Aleksandar Vucic, nhưng đó lại là hậu quả tiêu cực đối với nền dân chủ của đất nước Serbia.

Có lẽ điều này cũng không quá ngạc nhiên với dư luận quốc tế khi kết quả một cuộc ủy nhiệm quyền lực của người dân Serbia cho lực lượng chính trị - dù là lực lượng đương quyền - không được phương Tây chống lưng và ủng hộ.

Chỉ có điều, trong vòng có 3 năm đã diễn ra 2 sự kiện chính trị quan trọng nhất tại Serbia - bầu Tổng thống và bầu Quốc hội - thì cá nhân ông Aleksandar Vucic và lực lượng chính trị đương quyền đều giành chiến thắng vang dội.

Tổng thống Aleksandar Vucic và đảng cầm quyền có chiến thắng vang dội

Hẳn dư luận còn nhớ, trong cuộc bầu cử Tổng thống Serbia hồi tháng 4/2017, ông Vucic lúc đó là đương kim Thủ tướng Serbia - đã giành được tới 55% số phiếu bầu, nhiều hơn gấp gần 4 lần số phiếu của ứng viên đối lập Sasa Jankovic là 16%.

Hãng tin Reuters khi đó đã bình luận: “Kết quả này là một sự sỉ nhục chính trị với các đảng đối lập của Serbia, vốn cho rằng phương cách lãnh đạo của Vucic ngày càng trở nên độc đoán và mất lòng dân".

Theo hãng tin Anh: "Rõ ràng, Aleksandar Vucic đã thay đổi sự cân bằng địa chính trị của nước cộng hòa Nam Tư cũ này, giữa phương Tây và Nga - một quốc gia mà Serbia có chung niềm tin Kitô giáo và văn hóa Slave”.

Đáng nói là ông Vucic từng lên án : “NATO muốn tiêu diệt dân tộc Serbia, bắt đất nước Serbia phải quỳ gối để không thể hồi sinh... NATO không bao giờ được phép tái diễn hành động xâm lược như vậy".

Lời lên án NATO dường như đã trở thành thông điệp của nhà lãnh đạo gửi tới người dân Serbia và đã được người dân Serbia đón nhận, hiệp thông, mà kết quả là "người lên án NATO" và chính đảng của ông được người dân gửi niềm tin-trao quyền lực.

Trong khi cho ném bom Nam Tư là một vết nhơ trong lịch sử hơn 70 năm tồn tại của NATO, nên các "tác giả của kịch bản phá nát Liên bang Nam Tư" rất mong có cơ hội gột rửa vết nhơ của mình.

Sau khi người dân Serbia lựa chọn "người đã lên án NATO" làm người đứng đầu nhà nước Serbia, các "tác giả của kịch bản phá nát Liên bang Nam Tư" đã có những động thái thể hiện sự thân thiện với Serbia như một sự chuộc lại lỗi lầm của mình.

Tưởng chừng điều đó đã giúp người dân Serbia nguôi ngoai phần nào nỗi đau, nhưng thật cay đắng là những động thái thân thiện ấy không được người dân Serbia xem là sự ăn năn của "các tác giả của kịch bản phá nát Liên bang Nam Tư".

Chính vì vậy, người dân Serbia đã tiếp tục gửi niềm tin và trao quyền lực cho cá nhân Tổng thống Vucic và lực lượng chính trị đương quyền, từ đó mang lại chiến thắng lịch sử cho Đảng Tiến bộ Serbia trong cuộc bầu cử Quốc hội Serbia ngày 21/6 vừa qua.

Những tác giả kịch bản phá nát Nam Tư chưa thể gột rửa vết nhơ

Chiến thắng lần này của đảng cầm quyền Sebia không chỉ là sự sỉ nhục với phe đối lập Serbia, mà còn là thất bại của Mỹ-NATO trước Nga trong tạo ảnh hưởng với Serbia, khiến "ký ức Kosovo" trở thành nỗi buồn không ngày tháng với họ.

Vì vậy, kích hoạt một cuộc cách mạng quyền lực từ đường phố dường như khả dĩ nhất với các "tác giả của kịch bản phá nát Liên bang Nam Tư" trong việc chuyển bại thành thắng và khi chính phủ Serbia tái áp dụng lệnh giới nghiêm là cơ hội tốt với họ.

Chưa biết diễn tiến tình hình sẽ như thế nào, nhưng qua những gì đã và đang diễn ra tại Serbia, cho thấy dường như "những kẻ phá nát Nam Tư" đã thể hiện quyết tâm gột rửa vết nhơ bằng máu của người dân Serbia.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ke-pha-nat-nam-tu-muon-rua-han-bang-bao-dong-3412305/