'Kẻ ngáng đường' lớn nhất của Walmart và Amazon tại Ấn Độ

Khi tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart và tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới Amazon đổ hàng tỉ đô la Mỹ vào thị trường thương mại trực tuyến ở Ấn Độ, họ có thể đã phớt lờ đối thủ nặng ký hiện diện ở mọi ngõ ngách ở nước này: những tiệm tạp hóa quy mô hộ gia đình.

Tiệm tạp hóa của ông Amit Kumar Jindal ở Noida, thành phố ngoại ô của thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: WSJ

Hoạt động hiệu quả nhờ chi phí thấp

Các cửa hàng nhỏ như tiệm tạp hóa của ông Amit Jindal ở Noida, thành phố ngoại ô đang phát triển bùng nổ của thủ đô New Delhi là một ví dụ rõ ràng cho thấy thách thức mà các tập đoàn lẻ lớn phải đối mặt.

Tiệm tạp hóa của ông Jindal chỉ rộng 22m2 nhưng chất đầy hơn 1.000 chủng loại sản phẩm trên các kệ hàng chạm trần nhà. Các bao gạo và bao bột mì được xếp trong góc, một tủ lạnh đầy nhóc đồ uống đặt ở phía trước và các gói snack treo trên tường. Có hai cái thang đặt sẵn trong tiệm để giúp ông Jindal trèo lên các kệ hàng cao.

Mức giá thuê mặt bằng của Jindal là 750 đô la Mỹ/tháng, trong khi đó, chi phí thuê hai nhân viên chỉ khoảng 160 đô la Mỹ/tháng. Ông không cần phải tích trữ hàng. Ông nhận diện khách hàng qua giọng nói của họ trên điện thoại và giao hàng trong vòng 30 phút vì những cậu bé giao hàng của ông biết rõ nơi họ sống.

Cách đây vài năm, Easy Day, một chuỗi cửa hàng thực phẩm có quy mô toàn quốc, nơi Walmart từng nắm 49% cổ phần, khai trương một cửa hàng lớn cách tiệm tạp hóa của Jindal chỉ khoảng hơn 1km. Rồi sau đó, dịch vụ giao thực phẩm của Amazon cũng tiếp cận khu vực này. Jindal cho biết, ông hầu như không để ý đến họ vì doanh thu của ông tiếp tục tăng. Hiện nay, Easy Day lẫn Amazon đều đã ngừng hoạt động ở khu vực gần tiệm tạp hóa của ông Jindal.

Saravjeet Singh, một trong những khách hàng quen của Jindal cho biết, ông thỉnh thoảng mua sắm ở các siêu thị hiện đại nhưng vẫn thích tính tiện lợi của tiệm tạp hóa tại địa phương.

“Chúng tôi có mối quan hệ cá nhân với người chủ cửa hàng kirana và ông ấy thậm chí biết tên tôi. Chúng tôi có thể gọi điện chỉ để mua một hộp diêm hay bốn cái trứng và họ vẫn mang hàng đến”.

Vì thế, theo The Wall Street Journal, Amazon và Walmart đã chi hàng tỉ đô la Mỹ để quyết đấu tại thị trường Ấn Độ nhưng đối thủ lớn nhất của họ có thể là hệ thống tiệm tạp hóa hiện diện khắp mọi nơi tại Ấn Độ,

Những cửa hàng tạp hóa nhỏ này (hay được gọi là kirana) phủ dày đặc ở mọi tuyến phố, làng quê và khu ổ chuột của Ấn Độ. Các tiệm tạp hóa này được vận hành với chi phí thấp vì người chủ chỉ phải trả các mức lương thấp cho nhân công và trả rất ít hoặc không tốn tiền thuê mặt bằng.

Vì chủ yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong khu phố, thôn xóm nên các kirana có thể giao hàng ngay tức thì, cho mua nợ không tính lãi và các dịch vụ cá nhân khác mà các ông lớn thương mại toàn cầu như Walmart và Amazon không thể hoặc không sẵn sàng cung cấp.

“Cửa hàng kirana có tính kinh tế tốt hơn một siêu thị. Không có cách nào đánh bại chúng”, Rajiv Lal, giáo sư ngành bán lẻ ở Đại học Harvard, nhận định.

Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn

Các chuỗi bán lẻ lớn, trong nước lẫn quốc tế, đã nỗ lực trong nhiều năm qua, và thường thất bại, để tìm kiếm một thị trường ngách có thể kiếm lợi nhuận ở Ấn Độ, một đất nước có dân số 1,3 tỉ người và mức thu nhập của họ ngày càng tăng.

Chuỗi siêu thị Carrefour (Pháp) đã đến và ra đi. Metro của Đức chỉ có 25 siêu thị tại Ấn Độ. Walmart không có các kế hoạch quan trọng nào cho thị trường Ấn Độ mãi cho đến khi thông báo chi 16 tỉ đô la Mỹ để mua cổ phần kiểm soát của công ty thương mại điện tử lớn nhất Ấn Độ Flipkart vào hồi đầu tháng 5.

Các tập đoàn lớn của Ấn Độ như Tata, Birla và Reliance, đã xây dựng các chuỗi bán lẻ riêng của họ nhưng cũng không thể làm “sứt mẻ” nhiều sự thống trị của mạng lưới tiệm tạp hóa ở nước này. Theo công ty tư vấn bán lẻ Technopak, các cửa hàng nhỏ lẻ kiểm soát gần 90% thị trường bán lẻ trị giá hơn 700 tỉ đô la Mỹ mỗi năm của Ấn Độ.

“Thách thức thực sự đối với thương mại điện tử hay các chuỗi cửa hàng thực tế hay bất kỳ nhà bán lẻ nào là làm sao địch lại cơ cấu chi phí thấp của tiệm tạp hóa”, Raj Jain, cựu chủ tịch của Walmart India bình luận.

Không giống như ở Mỹ, nơi các tập đoàn bán lẻ vận hành các chuỗi đại siêu thị sử dụng tầm ảnh hưởng của họ để được mua hàng hóa giá sỉ với mức chiết khấu lớn từ các nhà cung cấp rồi chào bán lại cho khách hàng với giá rẻ để bóp nghẹt các đối thủ nhỏ hơn, các cửa hàng nhỏ ở Ấn Độ thường có lợi thế về chi phí.

Kết quả khảo sát các cửa hàng Ấn Độ, do công ty tư vấn Boston Consulting Group thực hiện, cho thấy dù phải mua hàng hóa với giá sỉ cao hơn nhưng cơ cấu chi phí của các tiệm tạp hóa lại thấp hơn nhiều so với các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại và điều này giúp biên lợi nhuận của họ cao hơn.

Một báo cáo vào năm 2016 ước tính chi phí thuê mặt bằng, nhân công và các chi phí hoạt động khác của các cửa hàng nhỏ tại Ấn Độ thấp đến mức chỉ chiếm khoảng 7% doanh thu. Các chi phí tương tự tại các siêu thị hiện đại ở Ấn Độ thường chiếm hơn 15% doanh thu.

Walmart đang vận hành mảng kinh doanh bán sỉ ở Ấn Độ để bán hàng trực tiếp cho các tiệm tạp hóa và các cửa hàng nhỏ khác.

Amazon cũng hợp tác với hàng ngàn tiệm tạp hóa trên khắp Ấn Độ, trả tiền để họ giao các đơn hàng của Amazon đến các địa chỉ trong khu vực gần đó hoặc cất giữ các gói hàng của Amazon để các khách hàng đến lấy.

Tuy vậy, các tiệm tạp hóa ở Ấn Độ cũng đang có nhiều thay đổi để bảo đảm rằng họ giữ vị thế thống lĩnh trên thị trường bán lẻ trong nước. Hàng triệu tiệm tạp hóa ở Ấn Độ đã chấp nhận phương thức thanh toán di động. Họ cũng bắt đầu giao tiếp với khách hàng thông qua các ứng dụng nhắn tin thay vì gọi điện.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/273239/ke-ngang-duong-lon-nhat-cua-walmart-va-amazon-tai-an-do.html