Kẻ lừa đảo thiên tài

Trong thế giới của những kẻ lừa đảo lừng danh nhất từ trước đến nay, cái tên Oscar Hartzell hiện thân cho một trường hợp rất đặc biệt.

Đặc biệt ở chỗ người này gây tội lớn nhưng lại được công nhận là một trong những kẻ lừa đảo tài ba nhất xưa nay trên thế giới và ở chỗ sự bất cập của luật pháp quốc gia và quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm như thế nào.

(Hình minh họa kẻ lừa đảo).

(Hình minh họa kẻ lừa đảo).

Hartzell sinh năm 1876 trong một gia đình nông dân ở bang Illinois của nước Mỹ. Gia đình này có trang trại lớn và giàu có. Hartzell thể hiện ngay từ rất sớm khả năng kinh doanh làm giàu và cũng ngay từ rất sớm ước vọng trở nên nổi tiếng và giàu sang trên thế giới. Hartzell thừa hưởng tài sản của gia đình và tích tụ thêm tài sản. Năm 1908, một trận hỏa hoạn đã làm Harzell sạt nghiệp và buộc phải gây dựng lại từ đầu.

Đúng vào thời điểm ấy, Hartzell gặp 2 trùm lừa đảo ở thời ấy là luật sư Milo Lewis và cộng sự Sudie Wittaker. Hai người này dẫn đưa Hartzell tới thế giới lừa đảo để rồi Hartzell loại bỏ họ trở thành trùm lừa đảo tầm cỡ hơn hẳn.

Hai người này dựa vào truyền thuyết về nhà đi biển Francis Drake người Anh trong thế kỷ 17. Truyền thuyết này là Francis Drake để lại tài sản khổng lồ ước tính tới cả trăm tỷ USD và hậu thế đã di cư hết sang Anh. Lewis và Wittaker sử dụng một chứng chỉ giả để lừa người dân tin là họ được ủy quyền quản lý tài sản của Francis Drake và bán những cam kết của họ với giá 25 USD cho những ai muốn tham gia thừa hưởng khối tài sản này một khi nó được chuyển từ Anh về Mỹ. Từ năm 1915 Hartzell làm việc cho cặp đôi kia.

Nhưng rồi chuyện lừa đảo của Lewis và Wittaker bị bại lộ, không phải vì sự bịa đặt về kho báu của Francis Drake mà bởi giấy ủy quyền bị phát giác là giả. Hartzell giúp họ chạy sang Anh. Tại đây, bộ ba tiếp tục lừa đảo. Hành vi lừa đảo của họ không bị chính quyền Anh phát giác vì luật pháp Anh và Mỹ vừa khác nhau lại vừa không có sự hợp tác giữa hai bên, đồng thời cũng chẳng có bên nào kiểm chứng để xác nhận là chẳng hề có sự tồn tại của kho báu của nhà đi biển huyền thoại kia ở nước Anh.

Chẳng bao lâu sau, Hartzell nhận ra rằng phải loại bỏ Lewis và Wittaker. Hartzell thuê người làm rùm beng ở Mỹ là hai người kia không đáng được tin cậy và chẳng liên quan gì đến Francis Drake. Đồng thời, Hartzell tung ra độc chiêu là bịa chuyện về nguồn gốc thân thế của chính mình là người thừa hưởng di sản của Francis Drake.

Khác với hai người kia, Harzell dùng trò xin mọi người quyên góp tiền để cùng chi trả cho cuộc kiện tụng trước tòa án ở Anh về việc chuyển kho báu của Francis Drake về Mỹ. Bằng những chiêu thức này, Hartzell loại được 2 người kia ra khỏi cuộc chơi lừa đảo và lôi kéo được hơn 70.000 người Mỹ đóng góp tiền cho cuộc sống xa xỉ của mình ở thủ đô London của nước Anh.

Cách thức kiếm tiền của Hartzell tinh vi và nổi tiếng đến mức nhà kinh tế học nổi tiếng nhất của nước Anh trong thế kỷ 20 và sau này đoạt giải thưởng Nobel về kinh tế John Maynard Keynes cũng phải đề cập đến.

Nhưng rồi từ năm 1928, cảnh sát Mỹ đã bắt đầu để ý đến Hartzell. Năm 1932, cảnh sát Anh tiến hành điều tra về Hartzell. Ngày 8/2//1933, Hartzell bị phía Anh trục xuất về Mỹ. Tại Mỹ, Harzell bị bắt ngay và tống giam. Tháng 11 năm ấy, Hartzell bị tòa tuyên án tù 10 năm.

Sau những lần xét xử phúc thẩm và chung thẩm, Hartzell thụ án tù từ năm 1935 và chết trong tù năm 1943. Những cộng sự của người này ở bên ngoài nhà tù tiếp tục lừa đảo thêm một thời gian nữa. Hartzell đi vào lịch sử tội phạm hình sự nước Mỹ với “vị thế” một trong những kẻ lừa đảo tinh vi, tài ba và bài bản nhất.

Thảo Nguyên

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/quoc-te/ke-lua-dao-thien-tai-d134640.html