Kẻ khóc người cười vì tỷ giá

Trong khi kết quả kinh doanh của nhiều DN ghi nhận sự tích cực nhờ tỷ giá ổn định thì một số ngân hàng lại bị sụt giảm lợi nhuận từ nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, với mức giảm lên tới hàng trăm tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ giá ổn định giúp các DN xuất khẩu hàng tới các thị trường có đồng tiền tăng giá mạnh so với USD gia tăng doanh thu. Ảnh: ST.

Tỷ giá ổn định giúp các DN xuất khẩu hàng tới các thị trường có đồng tiền tăng giá mạnh so với USD gia tăng doanh thu. Ảnh: ST.

DN hưởng lợi lớn

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 với doanh thu thuần trong kỳ tăng 5%, đạt 48.640 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tới 25%, đạt 1.112 tỷ đồng. Theo giải trình của ban lãnh đạo Petrolimex, lợi nhuận trong kỳ tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ lợi nhuận hoạt động tài chính. Do quý III/2019, tỷ giá bình quân USD/VND giảm nhẹ 0,3%.

Theo đó, trong quý III/2019, Petrolimex ghi nhận 47 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động tài chính, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 246 tỷ đồng, do quý III/2018, tỷ giá bình quân USD/VND tăng 1,8% so với quý II/2018, làm phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá. Lũy kế 9 tháng năm 2019, lợi nhuận từ hoạt động tài chính âm 80 tỷ đồng, tích cực hơn rất nhiều so với mức lỗ 505 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng khoản chênh lệch tỷ giá, theo bảng thuyết minh báo cáo chi tiết kết quả kinh doanh, trong 9 tháng năm 2019, chênh lệch tỷ giá mang về cho Petrolimex hơn 10 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước tập đoàn lỗ 246 tỷ đồng. Chỉ tiêu này cũng đóng góp vào mức tăng trưởng 14% lợi nhuận sau thuế 9 tháng của tập đoàn, đạt 3.640 tỷ đồng, dù doanh thu lũy kế có sự sụt giảm nhẹ gần 2%.

Tương tự như Petrolimex, trong quý III/2019, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) ghi nhận khoảng 65 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá, trong khi cùng kỳ năm trước chịu lỗ 398 tỷ đồng. Chỉ tiêu này cùng với sự tăng trưởng của doanh thu đã giúp PVPower lãi ròng 793 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm trước.

Tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX), DN chuyên xuất khẩu tôm tới các thị trường Nhật Bản, EU và Mỹ, lợi nhuận sau thuế quý III/2019 cũng ghi nhận tăng trưởng tới 31%, đạt 76 tỷ đồng, dù doanh thu thuần trong kỳ chỉ cải thiện nhẹ gần 4%. Theo lý giải của ban lãnh đạo FIMEX, cặp tỷ giá USD/VND ổn định hơn so với quý III/2018 đã kéo giảm chi phí tài chính của công ty, từ đó giúp gia tăng lợi nhuận. Theo đó, hoạt động tài chính mang về cho FIMEX 700 triệu đồng trong quý III/2019, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ tiêu này lỗ tới 10,4 tỷ đồng.

Với khoản vay gốc ngoại tệ lớn, Công ty điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) cũng được hưởng lợi đáng kể từ sự ổn định của tỷ giá. Theo ban lãnh đạo công ty, trong quý III/2019, khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản phải trả có gốc ngoại tệ là lãi 49,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 49 tỷ đồng. Nhờ đó, hoạt động tài chính trong kỳ có lãi 16 tỷ đồng, tích cực hơn rất nhiều so với mức lỗ 87 tỷ đồng trong quý III/2018. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của công ty đạt 162 tỷ đồng, gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2018, dù doanh thu chỉ tăng 7,6%.

Ngân hàng ôm “trái đắng”

Trong khi nhiều DN gặt hái quả ngọt từ sự ổn định của tỷ giá, thì lợi nhuận của nhiều ngân hàng lại bị hao hụt do hoạt động kinh doanh ngoại hối, dù kết quả tổng thể vẫn ở mức rất tích cực.

Tại Ngân hàng VPBank, trong khi tất cả các hoạt động khác như cho vay, dịch vụ, kinh doanh chứng khoán… đều đạt tăng trưởng cao thì hoạt động kinh doanh ngoại hối lại mang về khoản lỗ 81 tỷ đồng trong quý III/2019, trong khi cùng kỳ năm 2018, hoạt động này có lãi gần 218 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, VPBank lỗ 117 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối, còn cùng kỳ năm trước lãi 251 tỷ đồng.

Ngân hàng VIB báo lỗ gần 115 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối trong 9 tháng năm 2019, kém tích cực hơn rất nhiều so với mức lỗ gần 21 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2018.

Ngân hàng Bắc Á cũng lỗ 4,2 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối trong quý III/2019, kém hơn mức lợi nhuận 550 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Ngân hàng Bắc Á ghi nhận lãi từ kinh doanh ngoại hối chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm 2018 là 9,6 tỷ đồng.

Không đến nỗi thua lỗ từ kinh doanh ngoại hối như các ngân hàng trên nhưng hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng chỉ mang về cho Ngân hàng Hàng hải gần 49 tỷ đồng, giảm 61% so với kết quả đạt được trong quý III/2018. Lũy kế 9 tháng, Ngân hàng Hàng hải chỉ ghi nhận 97 tỷ đồng lãi từ kinh doanh ngoại hối, trong khi cùng kỳ năm 2018 đạt được tới 295 tỷ đồng.

Tương tự, khoản lãi từ kinh doanh ngoại hối tại nhiều ngân hàng cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, Saigonbank chỉ thu về 1,1 tỷ đồng trong quý III/2019, giảm 87%. Lũy kế 9 tháng, chỉ tiêu này giảm 68%, chỉ đạt 6 tỷ đồng. SeaBank cũng ghi nhận sự sụt giảm 78%, chỉ đạt xấp xỉ 15 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2019. Ngân hàng ACB cũng sụt giảm 12% trong quý III/2019 và giảm gần 6%, chỉ đạt lần lượt 142 tỷ đồng và 291 tỷ đồng; Techcombank cũng giảm 63% trong quý III/2019, chỉ đạt 18 tỷ đồng và giảm 44% trong 9 tháng năm 2019, đạt 138 tỷ đồng…

Trong khi đó, tại một số ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả tích cực từ kinh doanh ngoại hối. Điển hình như Vietinbank ghi nhận 401 tỷ đồng trong quý III/2019, tăng 120% so với quý III/2018; lũy kế 9 tháng, kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi tới 1.189 tỷ đồng, tăng 120%. Lãi từ kinh doanh ngoại hối của Sacombank cũng tăng 31% trong quý III/2019 và tăng 35% trong 9 tháng năm 2019, đạt lần lượt 202 tỷ và 422 tỷ đồng.

Kinh doanh ngoại hối được xem như “con dao hai lưỡi” bởi bên cạnh khả năng sinh lời cao thì cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong khi các đồng tiền chủ chốt đều biến động mạnh, có những đồng tiền mất giá tới 8-11% (như đồng KWR của Hàn Quốc, đồng SEK của Thụy Điển) nhưng cũng có những đồng tiền lên giá 5-7% (như đồng REB Nga, đồng THB Thái) so với USD, VND trở thành một trong những đồng tiền hiếm hoi có tỷ giá ổn định so với USD. Tính từ đầu năm, VND có một lần tạo sóng từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5 nhưng mức tỷ giá mua vào của các ngân hàng ở đỉnh sóng cũng chỉ tăng 0,84% so với cuối năm 2018, ở mức 23.360 đồng/USD, sau đó nhanh chóng hạ nhiệt. Ngay cả khi áp lực rất lớn và đột ngột đến từ tỷ giá USD/CNY vượt qua ngưỡng 7.0 và CNY liên tục giảm giá, mức giảm lên tới gần 4% chỉ trong tháng 8, VND vẫn đi ngang, thậm chí còn giảm.

Chính sự sụt giảm này khiến cho không ít ngân hàng “sảy chân” hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, các DN có khoản vay bằng ngoại tệ lớn, đặc biệt là vay bằng USD, JPY, EUR, lại tiết giảm chi phí tài chính so với cùng kỳ khi đánh giá lại giao dịch ngoại tệ thực hiện trong kỳ và số dư ngoại tệ cuối kỳ. Cùng với đó, các DN xuất khẩu hàng tới các thị trường có đồng tiền tăng giá mạnh so với USD cũng có cơ hội gia tăng doanh thu.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ke-khoc-nguoi-cuoi-vi-ty-gia-114642-114642.html