Kê khai và giám sát kê khai tài sản

Kê khai tài sản được xem là một trong những giải pháp cơ bản trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu việc ấy được những người trong diện kê khai bắt buộc thực hiện một cách trung thực, công khai và có sự giám sát hữu hiệu của cơ quan chức năng. Những tai tiếng về tài sản khủng của một số cán bộ lãnh đạo bộ ngành, địa phương làm nóng dư luận thời gian gần đây là hậu quả của cách làm hình thức, nửa vời trong việc kê khai tài sản, gây mất niềm tin của Nhân dân đối với đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Chưa bao giờ xã hội phải mất quá nhiều thời giờ để bàn chuyện tài sản của cán bộ lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương như thời gian gần đây. Đảng không cấm cán bộ làm giàu, Đảng cũng không quy định cán bộ phải nghèo khổ. Nhưng hình ảnh những biệt phủ, biệt thự hoành tráng của các quan chức mọc lên ngày càng nhiều giữa làng quê, núi đồi với đường ngang ngõ dọc, cầu treo, non bộ, bể bơi, sân tennis, nhà thủy tạ, nhà hàng… được bao bọc bởi tường cao cổng đẹp… được xã hội nhìn nhận như một sự khoe mẽ, kiêu ngạo, thậm chí là thách thức dư luận!

Không phải sao, khi đơn cử ở một tỉnh miền núi nghèo như Yên Bái, hằng năm vẫn phải chờ ngân sách T.Ư hỗ trợ, đến mùa còn phải xin Chính phủ cấp gạo cứu đói cho dân, thế mà một giám đốc sở lại nghênh ngang biệt phủ giữa hàng ngàn mét vuông đất, trị giá hàng chục tỷ đồng. Đến khi có chuyện, lại giải thích là tài sản có được nhờ buôn chổi chít, nấu rượu nuôi lợn; là vay vài chục tỷ đồng từ ngân hàng… Những cách che đậy đến là ngây ngô khiến dư luận không khỏi nực cười.

Điều đáng nói là trong bản kê khai tài sản năm ngoái, ông giám đốc sở này đã tự xác định không có khoản nợ nào từ 50 triệu đồng trở lên. Rồi căn chung cư cao cấp rộng 130m2 giữa Hà Nội, ông khai trị giá chỉ 2,5 tỷ đồng... Điều đó cho thấy, việc kê khai tài sản mà cấp ủy - chính quyền địa phương quy định, ông chỉ xem như một thứ trò đùa!

Khối tài sản to gấp nhiều lần kèm theo những vi phạm có hệ thống được công khai trong tuần qua lại thuộc về một nữ Thứ trưởng của Bộ Công Thương, khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư công bố kết luận cho thấy, bà Thứ trưởng đã nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Liệu có gì khuất tất trong khối tài sản của mình khiến bà phải giấu đi nhiều cái tên, nhiều con số trong bản kê khai?

Hỏi là hỏi vậy, nhưng với những sai phạm được Ủy ban Kiểm tra T.Ư liệt kê như: Vi phạm trình tự, thủ tục trong việc cổ phần hóa DN; mua cổ phần vượt mức quy định… tại Công ty Bóng đèn Điện Quang thời bà làm lãnh đạo, cùng với số cổ phần gia đình bà nắm giữ trị giá lên đến 718 tỷ đồng, riêng bà nắm gần 1,7 triệu cổ phiếu trị giá trên 100 tỷ đồng, thì dư luận cũng sẽ dễ dàng trả lời được là những tài sản ấy từ đâu mà có!

Vấn đề là bao nhiêu năm qua, vì sao tổ chức Đảng nơi bà công tác không phát hiện ra điều này. Liệu khối tài sản bất thường kia của bà Thứ trưởng có liên quan gì đến những sai phạm nghiêm trọng xảy ra ở Bộ Công Thương thời gian qua? Thực tế đó cũng hé lộ những lỗ hổng rất lớn trong việc minh bạch hóa thu nhập, kê khai tài sản cán bộ theo quy định của Đảng ở Bộ này?

Một câu chuyện không kém phần u minh khác vừa được bóc tách là cái “sân sau” của bà Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư thì sai phạm của bà là đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vun vén lợi ích cho DN của chồng mình thông qua việc phê duyệt một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, địa ốc… Ngoài ra, bà còn mắc lỗi vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm khi kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định. Điều kỳ lạ khi được hỏi bên lề kỳ họp HĐND tỉnh, ông Bí thư Tỉnh ủy trả lời tỉnh queo: “không hay biết gì” sai phạm của bà Phó Bí thư, mặc dù những sai phạm này được xác định là xảy ra trong thời gian dài!

Bộ Chính trị vừa ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Hy vọng, cùng với bài học kinh nghiệm xử lý những vi phạm trong kê khai tài sản vừa qua, những thay đổi kịp thời trong các quy định của Đảng và việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng tới đây, sẽ là liều thuốc hữu hiệu để tăng cường sự giám sát của Đảng đối với việc kê khai tài sản của đội ngũ cán bộ cao cấp, góp phần tích cực cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do Đảng ta khởi xướng đạt được kết quả cao, đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước.

Vân Thiêng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ke-khai-va-giam-sat-ke-khai-tai-san-292470.html