Kê khai tài sản không đúng bị cách chức, chấm dứt trường hợp như ông Phạm Sỹ Quý

Đảng viên kê khai tài sản không trung thực sẽ bị cảnh cáo hoặc cách chức – quy định mới này được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ chấm dứt tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm vẫn thăng chức, luân chuyển như trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Phạm Sỹ Quý.

ĐB Hoàng Văn Hùng: "Đảng viên kê khai tài sản không trung thực bị cách chức là cần thiết. Nhưng tài sản phải bị xử lý". Ảnh: Quochoi.vn

Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

ĐBQH Hoàng Văn Hùng, Ủy viên ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, hiện nay đang có hai vấn đề vướng trong việc thực hiện kê khai tài sản cán bộ để phòng, chống tham nhũng. Đầu tiên là việc xử lý cán bộ kê khai tài sản không trung thực.

Quy định 102 là cơ sở để xử lý đảng viên và nếu kê khai sai sẽ bị cách chức. Việc này sẽ giúp siết lại trách nhiệm của người kê khai tài sản. Tuy nhiên có cách chức thì tài sản kê khai không trung của họ vẫn còn sờ sờ ở đó. Đó là điều khiến dư luận bức xúc thời gian qua.

ĐB Hùng đặt câu hỏi, tài sản đó là từ đâu ra. Tài sản đó phải là bất hợp pháp thì họ mới không trung thực, không kê khai. Còn nếu hợp pháp, họ ngại gì mà không kê khai đúng. “Của chồng, công vợ”, công sức họ bỏ ra, góp vốn ở công ty nọ, công ty kia vậy tại sao lại không kê khai nếu là tài sản hợp pháp. Họ đã lấy nguồn không hợp pháp để góp vốn, mua sắm nên mới không kê khai trung thực.

Theo ĐB Hùng, quy định 102 trong đó có nhấn mạnh việc cán bộ kê khai tài sản không trung thực sẽ bị cách chức là điều cần thiết. Nhưng về phương hướng lâu dài, theo tôi phải đưa bằng được quy định tài sản không được kê khai bị xử lý thế nào. Và phải có quy trình xử lý tài sản không trung thực đó. Nếu chúng ta không có quy trình, các cơ quan tư pháp, các cấp ủy Đảng, chính quyền không thể thu hồi tài sản bất minh của cán bộ được.

“Nếu kê khai không trung thực mà tài sản của họ vẫn còn, dân sẽ thấy rất “chướng tai, gai mắt”. Theo tôi, đó mới là mấu chốt để cán bộ, đảng viên phải kê khai trung thực, phải làm sao để họ biết sợ nếu kê khai không đúng”, ĐB nói.

Với quy định mới này, theo ông Hùng sẽ chấm dứt các trường hợp tương tự của ông Phạm Sỹ Quý và bà Hồ Thị Kim Thoa trong tương lai.

ĐB Hùng phân tích: “Rõ ràng, cán bộ, đảng viên đã không trung thực ở nơi A mà lại luân chuyển sang nơi B khiến dư luận không hài lòng. Việc luân chuyển từ chỗ A sang chỗ B có phải là hình thức kỷ luật nặng nề với cán bộ công chức không? Cụ thể như trường hợp trên thì ít ai nghĩ đó là hình thức kỷ luật nặng cả”.

Đỗ Thơm

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/cach-chuc-neu-ke-tai-san-sai-khong-con-vu-giong-ong-pham-sy-quy-a351548.html