Kê khai tài sản: Công khai, minh bạch để 'không thể tham nhũng'

Các quy định về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, vấn đề mở rộng PCTN sang lĩnh vực tư, cũng như kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập trong khu vực tư là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.

Sáng 9-8, Ban Nội chính Trung ương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã tổ chức hội thảo Hoàn thiện các qui định về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Phát biểu khai mạc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, đai biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật PCTN lần này là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có tác động sâu sắc đến sự ổn định và phát triển của đất nước.

Đây cũng là vấn đề đang được nhân dân đặt nhiều sự tin tưởng và kỳ vọng, nhằm hướng tới xây dựng các thể chế về quản lý nhà nước và xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng”, đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng để “không dám tham nhũng”.

Dự án Luật PCTN dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới, nhưng theo ông Nguyễn Thái Học, các quy định về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, vấn đề mở rộng PCTN sang lĩnh vực tư, cũng như kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập trong khu vực tư là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.

Phó trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Thái Học phát biểu tại hội thảo

Bà Caitlin Wiesen-Antin, Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng vấn đề nâng cao tính minh bạch về tài sản thu nhập của những người nắm giữ chức vụ và khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng.

TS Trần Văn Long, Viện Khoa học Thanh tra Chính phủ đề nghị, quy định về kiểm soát tài sản cần được thiết chế rõ hơn về đối tượng kê khai, hợp lý hơn về phương thức và thời điểm kê khai; quy định đầy đủ toàn diện hơn về việc xác minh.

Cụ thể, ông Long cho rằng, cần có quy định cụ thể về việc bảo dảm thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập như việc giám sát thực hiện, các chế tài khi vi phạm quy định về kê khai.

Đồng thời, có những quy định kết nối giữa việc kê khai tài sản, thu nhập với những công cụ kiểm soát tài sản khác như thuế thu nhập, thanh toán không dùng tiền mặt, đạo đức công vụ, kiểm soát các giao dịch kinh tế lớn, kiểm soát bất động sản và những tài sản đã đăng ký sở hữu…

Nội dung kê khai của cán bộ công chức cần mở rộng hơn, bao gồm tài sản của cả con đã thành niên và một số người thân thích nhằm kiểm soát việc chuyển dịch tài sản cho những người này, hoặc nghiên cứu những cơ chế hiệu quả để kiểm soát việc này.

“Việc áp dụng các hình thức công khai cần tiếp cận theo hướng những hình thức công khai rộng rãi phải được áp dụng bắt buộc, còn biện pháp công khai hạn chế thì có thể lựa chọn (ngược lại theo qui định hiện nay)”, ông Long nói.

PGS. TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC nhìn nhận, để minh bạch về tài sản thu nhập, các giao dịch như góp vốn kinh doanh, hoặc giao dịch có giá trị trên 100 triệu… phải dứt khoát phải thực hiện qua tài khoản thì mới quản lý được. Việc xử lý tài sản không kê khai, không giải trình đượ̣c, cần phân thành 2 giai đoạn, trước và sau khi có Luật PCTN.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng nên cân nhắc biện pháp khởi kiện ra Tòa với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý

Theo PGS.TS Trần Văn Độ, đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, nếu không giải trình được là tịch thu, vì đây là nghĩa vụ của công chức. Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho hay, cử tri rất đồng tình với ý kiến khi kê khai tài sản không trung thực là tịch thu, nhưng tịch thu thế nào vì đây là vấn đề rất khó, không đơn giản.

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, nên cân nhắc phương án thu hồi tài sản. Hiện, có 3 cách: bằng con đường hành chính, hành chính tư pháp và khởi kiện ra tòa.

“Tôi cho rằng phương án khởi kiện ra Tòa án là hợp lý nhất”, ông Cường nói.

Để khởi kiện được, theo ông Cường, Luật PCTN phải quy đinh nguyên tắc xác lập quyền sở hữu với tài sản này. Hiện Bộ luật Dân sự, tại Điều 221 quy định ngoài 7 căn cứ xác lập quyền sở hữu còn có các căn cứ khác theo quy định của pháp luật.

“Vậy thì luật này phải quy định căn cứ xác lập quyền sở hữu là tài sản không giải trình được hơp lý nguồn gốc sẽ thuộc sở hữu nhà nước – khẳng định một căn cứ xác lập quyền sở hữu như vậy để làm cơ sở cho Nhà nước có thể khởi kiện tài sản này ra trước Tòa án”, ông Cường nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ke-khai-tai-san-cong-khai-minh-bach-de-khong-the-tham-nhung-120213.html