Kế hoạch xả thải của Fukushima có thực sự gây nguy hại cho sức khỏe con người?

Quyết định của Nhật Bản về việc xả thải hơn 1 triệu tấn nước đã qua xử lý phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima xuống biển đã gây ra nhiều tranh cãi trong và ngoài nước.

Các bể chứa nước ô nhiễm đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị sóng thần tàn phá. Chúng sẽ đầy vào nửa cuối năm 2022. (Ảnh: Kyodo / Reuters)

Dưới đây là một số câu hỏi và câu trả lời về kế hoạch xả thải, dự kiến sẽ mất nhiều thập kỷ để hoàn thành của Nhật Bản:

Nước đã qua xử lý phóng xạ là gì?

Một lượng nước lớn đã tích tụ trong các bồn chứa của nhà máy hạt nhân Fukushima, vốn đã bị tê liệt sau thảm họa động đất sóng thần xảy ra vào năm 2011. Để có thể được xả ra biển, nước ô nhiễm cần được lọc lại để loại bỏ các đồng vị có hại và sẽ được pha loãng để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Quá trình lọc không thể loại bỏ một số đồng vị phóng xạ, bao gồm tritium, một đồng vị phóng xạ của hydro, mà các chuyên gia cho rằng chỉ gây hại cho con người với liều lượng rất lớn. Tritium phân hủy thông qua phát xạ hạt beta , với chu kỳ bán rã 12,3 năm.

1.000 bồn chứa được sử dụng để chứa 1,25 triệu tấn nước đã qua xử lý tại khu vực này, nhưng chúng được tính toán sẽ đầy vào nửa cuối năm 2022.

Việc xả thải được tiến hành như thế nào?

Chính phủ Nhật Bản đã ủng hộ kế hoạch pha loãng nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý và thải ra biển. Chính phủ cho biết quy trình này đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận.

Tổng giám đốc IAEA, ông Rafael Mariano Grossi, cho biết việc xả thải ra biển đã được thực hiện ở nhiều khu vực khác, không phải là một điều gì mới, càng không có vụ bê bối nào diễn ra ở đây.

Việc tiến hành xả thải có khả năng sẽ không bắt đầu trong ít nhất hai năm tới và sẽ mất nhiều thập kỷ mới hoàn thành.

Người phát ngôn của Chính phủ, ông Katsunobo Kato, cho biết việc pha loãng khối lượng nước phóng xã đã qua xử sẽ làm giảm mức tritium xuống thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn đặt ra trong nước và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới đối với nước uống, với sự giám sát của IAEA.

Vì sao việc xả thải lại dấy lên tranh cãi?

Các nhóm bảo vệ môi trường như Green peace, vốn phản đối năng lượng hạt nhân, cho rằng các chất phóng xạ như carbon-14 tồn tại trong nước có thể dễ dàng thâm nhập, tích tụ và tồn tại lâu dài trong chuỗi thức ăn. Họ cáo buộc rằng liều lượng tích lũy theo thời gian có khả năng phá hỏng DNA của con người. Green peace muốn Fukushima tiếp tục trữ lượng nước này cho đến khi công nghệ được phát triển đủ để cải thiện khả năng lọc.

Các nỗ lực nhiều năm qua của cộng đồng ngư dân Fukushima trong việc thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng sự an toàn của hải sản địa phương cũng sẽ bị xóa sạch nếu vụ xả thải thực sự diễn ra.

Một quan chức của Hiệp hội các Nghiệp đoàn ngư dân Fukushima lo lắng rằng thông điệp từ Chính phủ rằng nguồn nước xả thải đã qua xử lý có đủ độ an toàn sẽ không được công chúng tiếp nhận.

Ông cho biết các đối tác thương mại đã cảnh báo họ sẽ ngừng bán sản phẩm của ông, và người tiêu dùng cũng tuyên bố sẽ ngừng ăn hải sản của Fukushima: “Những nỗ lực của chúng tôi trong thập kỷ qua để khôi phục ngành công nghiệp cá sẽ chẳng có tác dụng gì”.

Hải sản ở Fukushima bị ảnh hưởng như thế nào?

Chính phủ cho biết các nguyên tố phóng xạ trong nước ô nhiễm đã qua xử lý thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế. Trên thực tế, nước thải cũng thường xuyên được thải ra từ các nhà máy hạt nhân ở những nơi khác.

Trong một bài trả lời báo cáo của Liên Hợp Quốc, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết ngay cả khi giải phóng toàn bộ lượng nước tích trữ trong một năm cũng sẽ tạo ra tác động phơi nhiễm phóng xạ tự nhiên ở Nhật Bản không quá một phần nghìn.

Đối với thực phẩm, Nhật Bản đặt ra tiêu chuẩn không quá 100 becquerels phóng xạ trên một kg (Bq/kg), so với 1.250 Bq/kg ở EU và 1.200 Bq/kg ở Mỹ.

Nhưng đối với sản phẩm của Fukushima, mức này thậm chí còn thấp hơn, chỉ 50 Bq/kg, trong nỗ lực cố gắng giành được lòng tin của người tiêu dùng. Hàng trăm nghìn mặt hàng thực phẩm đã liên tục được thử nghiệm trong khu vực này kể từ năm 2011.

Các nhà khoa học nói gì?

Ông Michiaki Kai, một chuyên gia đánh giá rủi ro bức xạ tại Đại học Điều dưỡng và Khoa học Y tế Oita của Nhật Bản, cho biết điều quan trọng là phải kiểm soát độ pha loãng và khối lượng nước thải ra.

Ông khẳng định các nhà khoa học "đều đồng thuận rằng tác động đến sức khỏe của việc này là rất nhỏ". Tuy nhiên, “không thể nói rủi ro bằng 0, đó là điều gây ra tranh cãi”.

Bà Geraldine Thomas, chủ nhiệm Khoa Bệnh lý phân tử tại Đại học Imperial College London và là một chuyên gia về phóng xạ, cho biết tritium không gây nguy hiểm cho sức khỏe - đặc biệt là khi đã pha loãng vào khối lượng nước của Thái Bình Dương.

Bà cho biết carbon-14 cũng không phải là một nguy cơ đối với sức khỏe, lập luận rằng các chất ô nhiễm hóa học trong nước biển như thủy ngân nên khiến người tiêu dùng quan tâm "hơn bất cứ thứ gì đến từ khu vực Fukushima". Bà nhấn mạnh: “Tôi sẽ không do dự gì khi thưởng thức hải sản từ Fukushima”.

Quỳnh Hoa

Theo The Guardian

Quỳnh Hoa

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/ke-hoach-xa-thai-cua-fukushima-co-thuc-su-gay-nguy-hai-cho-suc-khoe-con-nguoi-post106182.html