Kế hoạch vây bắt tướng cướp Sáu Thẹo

Trước khi Sáu Thẹo và đồng bọn bị cảnh sát tiêu diệt tại chỗ, họ đều bị tòa tuyên án tử hình. Cả hai tên cướp có trong tay 3 khẩu súng và đều liều mạng.

Sau khi xây dựng được cơ sở, Ban Chuyên án dàn quân tuần tra liên tục ngày đêm để Sáu Thẹo rơi vào cảnh thiếu đói và tìm chỗ chui rúc.

Kế hoạch rung chà cho cá nhảy

Đúng như dự đoán, Sáu Thẹo không dám "ăn hàng" nên thường mò vào các khu lán trại của công nhân khai thác gỗ ăn trộm cơm nguội. Nhà Tư Tâm cách khu lán trại vài trăm mét cũng thường xuyên mất cơm nguội. Biết kẻ trộm là Sáu Thẹo, Tư Tâm thường xuyên dọn sẵn mâm cơm như mời gọi.

Sau vài lần ghé, Sáu Thẹo nhận ra "thiện cảm" của chủ nhà.

Một buổi sáng, Sáu Thẹo khoác AK đi thẳng vào nhà gặp Tư Tâm. Anh ta tự giới thiệu tên Bình là thanh niên xung phong đào ngũ, xin làm công nhân khai thác gỗ kiếm tiền dành dụm để về quê.

Biết chắc đó là Sáu Thẹo nên Tư Tâm giả vờ chào đón nồng nhiệt rồi đề nghị "Bình" cứ tạm trú nhà mình, cơm nước thoải mái. "Bình" đồng ý ngay.

Dù được Tư Tâm đối xử tử tế nhưng Sáu Thẹo luôn đề phòng, lúc nào cũng kè kè khẩu súng AK bên người.

Nhớ lại thời điểm đó, Tư Tâm kể: "Nếu tôi đi báo cáo ngay, Sáu Thẹo sẽ nghi ngờ. Tôi đành bấm bụng nuôi cơm Sáu Thẹo vài ngày. Vài ngày sau, khi thấy Sáu Thẹo bớt đề phòng, tôi nói với nó: “Em có súng AK. Để anh đến nhà thằng bạn xin ít đạn, anh em mình đi săn kiếm thịt rừng".

Ông Nguyễn Trung Sơn - người tiêu diệt Sáu Thẹo.

Tư Tâm đến thẳng trụ sở lưu động Ban Chuyên án tại Công an Hồ Nước báo cáo với Út Bình - Phó Ban Chuyên án.

Ngay lập tức, toàn bộ lực lượng Ban Chuyên án nhận được tín hiệu "khẩn" từ hệ thống truyền tin vô tuyến. Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa bỏ dở chừng bữa điểm tâm để vào phòng truyền tin chỉ đạo đánh án trực tiếp.

Theo sự chỉ đạo của ông Nghĩa, Ban Chuyên án không huy động lực lượng đông dễ gây kinh động "con mồi" mà chỉ sử dụng trinh sát bí mật tiếp cận.

Trung tá Thân Văn Hạt (giờ đã nghỉ hưu) nhớ lại: "Út Bình mở cuộc họp khẩn cấp. Út Bình hỏi, anh em nào dám đi bắt sống Sáu Thẹo? Trung úy Nguyễn Trung Sơn đưa tay lên nói: “Tôi xung phong”. Lúc đó trung úy Sơn là Đội trưởng Đội Bảo vệ Chính trị Công an Hồ Nước. Út Bình lại hỏi, đồng chí cần ai hỗ trợ? Trung úy Sơn đề nghị mời ông Lê Công Kỳ là Trưởng ấp A3, xã Phước Minh cùng đi bắt Sáu Thẹo. Đi bắt cọp dữ mà chỉ có hai người nên ai cũng lo ngại".

Trung úy Nguyễn Trung Sơn vốn là một chiến sĩ an ninh vũ trang thời kháng chiến, có nhiều kinh nghiệm cận chiến. Còn ông Lê Công Kỳ là bạn võ đồng môn của trung úy Sơn. Trước khi xuất trận, Út Bình, trung úy Sơn và ông Kỳ hội ý mật kế hoạch bắt sống Sáu Thẹo.

Tư Tâm mang 20 viên đạn AK cùng Nguyễn Trung Sơn và Lê Công Kỳ đi về nhà.

Vừa gặp người lạ, Sáu Thẹo lẩn vào nhà ôm khẩu AK thủ thế. Tư Tâm đứng bên ngoài nói lớn cho "Bình" nghe: "Anh mới tuyển thêm 2 công nhân đốn gỗ, em nấu nước pha trà mời khách. Anh xin được 20 viên đạn. Để anh nạp đạn sẵn, tối nay tụi mình đi săn".

Sáu Thẹo yên tâm vào bếp nấu nước. Trung úy Sơn và võ sư Lê Công Kỳ đi vào nhà chia ra ngồi ở 2 hướng rồi vờ bắt chuyện với Sáu Thẹo. Còn Tư Tâm thì lẳng lặng vô buồng lấy khẩu AK của Sáu Thẹo nạp đạn.

Nạp được 10 viên đạn, Tư Tâm bước ra phát tín hiệu cho trung úy Sơn và võ sư Kỳ rồi chĩa súng vào lưng Sáu Thẹo hô lớn: "Sáu Thẹo! Mày đã bị bắt!".

Ngay lập tức, trung úy Sơn và võ sư Kỳ bay đến khóa chặt tay Sáu Thẹo, trói gô. Sáu Thẹo thúc thủ.

Người dân nghe tin Sáu Thẹo bị bắt đã vui mừng kéo đến chúc mừng chật cứng đường đi. Người dân bế trung úy Sơn tung hứng lên trời rồi công kênh đi suốt đoạn đường trở về trụ sở.

Ban Chuyên án kết thúc nhiệm vụ nên được giải tán.

Đào thoát đêm ba mươi

Ngày 5/12/1980, phiên tòa hình sự xét xử tên cướp dâm đãng Nguyễn Văn Sáu tại sân bóng công trường hồ Dầu Tiếng đã thu hút hàng nghìn người dân ở khắp nơi kéo về. Chủ tọa là thẩm phán Trương Quốc Anh.

Tại phiên tòa, Sáu Thẹo khai chi tiết từng tội ác mà hắn gây ra. Khi chủ tọa phiên tòa tuyên án tử hình, người dân đồng loạt vỗ tay vang cả góc trời. Sáu Thẹo cười bí hiểm khi bị dẫn giải lên xe về trại giam.

Nguyễn Văn Sáu bị biệt giam tại trại giam Ty Công an chờ ngày đền tội.

Hai tháng sau, vào lúc 0h đêm 4/2/1981, tức đêm giao thừa 30 tháng chạp âm lịch, tiếng pháo mừng năm mới vừa vang lên, Sáu Thẹo đào thoát khỏi buồng giam.

Giai đoạn đó, trại giam còn nền đất sơ sài tạm bợ, nên Sáu Thẹo dễ dàng đào thoát. Điều đáng nguy là Sáu Thẹo trộm được 1 khẩu súng ngắn K54, đồng thời lôi kéo được một tử tù tên là Nguyễn Văn Đúng (ngụ tại huyện Tân Biên). Đúng bị tuyên án vì tội Giết người.

Tin Sáu Thẹo trốn trại khiến người dân cư ngụ khu vực lòng hồ Dầu Tiếng rúng động.

Bỏ dở buổi cúng giao thừa, đại tá Ngô Quang Nghĩa vào trụ sở Ty công an để nghe báo cáo vụ việc.

Sáng sớm mùng một Tết, đại tá Ngô Quang Nghĩa nhanh chóng chỉ đạo Công an Hồ Nước cử một toán vũ trang đến tận nhà Tư Tâm đón toàn bộ gia đình đưa về trụ sở thực hiện công tác bảo vệ đồng thời cử tổ trinh sát giăng lưới đón lõng Sáu Thẹo.

12h trưa, ngôi nhà của Tư Tâm bốc cháy. Sau này mới biết, Sáu Thẹo đã dùng thủ thuật đặc công bò xuyên qua chân các chiến sĩ trinh sát. Khi lửa bùng lên, các chiến sĩ tập trung chữa cháy, Sáu Thẹo bò ngược ra ngoài.

Theo lệnh của ông Ngô Quang Nghĩa, Ban chuyên án cũ và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện Dương Minh Châu, Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng và Công an Hồ Nước được triệu tập khẩn cấp đồng thời nhận được lệnh nghỉ ăn tết, huy động 100% quân số.

Tại cuộc họp triển khai án, ông Nghĩa trực tiếp vẽ sơ đồ bố trí lực lượng mật phục thành một tuyến dài từ hồ Dầu Tiếng đến Bến Củi, Bà Nhã. Ngoài ra, nhiều toán vũ trang liên tục tuần tra những nơi trọng yếu để truy bắt 2 kẻ trốn trại.

Đêm mùng 2 Tết âm lịch, Sáu Thẹo và Đúng đột nhập vào Đội khai thác gỗ lòng hồ Dầu Tiếng dùng súng K54 khống chế nhân viên bảo vệ lấy 1 khẩu súng AK, 1 khẩu M16.

Đêm mùng 5 tết năm 1981, Sáu Thẹo và Đúng đột nhập vào nhà một phụ nữ ở ấp 1, xã Bến Cũi từ tốn gỡ vàng, vòng trên người nạn nhân, rồi nói: "Lát nữa, nhớ đi báo công an là Sáu Thẹo cướp nghen".

Đêm mùng 6 Tết, Sáu Thẹo và tên Đúng đột nhập vào nhà dân ở Phước Minh hỏi: "Có món gì làm quà Tết cho Sáu Thẹo không?". Chủ nhà không có món gì "cống nạp" đành mượn của người bạn đang ở trọ chiếc đồng hồ và chiếc máy cát-sét để đưa cho Sáu Thẹo.

Nhiều gia đình bị Sáu Thẹo "thăm viếng", không dám báo cho chính quyền, cũng không dám hé răng kể với hàng xóm vì có người thân bị hiếp dâm.

Sáu Thẹo và tên Đúng cướp, hiếp liên tục mỗi đêm một nhà nhưng thay đổi địa điểm liên tục khiến lực lượng Ban Chuyên án mất ăn, mất ngủ.

Nhiều đêm thức trắng trước tấm bản đồ án, đánh dấu những vụ cướp của Sáu Thẹo, sau 2 tuần lễ, ông Nghĩa giải mã được "quy luật" của chúng.

Hầu như, sau khi rời nhà nạn nhân, hai tên cướp đều đi về 1 hướng. Đó là một cánh rừng thuộc khu vực Bến Cây Bứa. Cánh rừng này có loại cây le, cùng họ với cây trúc nhưng đặc ruột. Nhiều cây le mọc chen chúc, tàn nở rộng thành một mái che khiến mặt đất không có loại cỏ nào sống được mà chỉ có lá khô trải thành đệm.

Ngoài ra, cánh rừng le này nằm ven 1 nhánh sông. Là cựu kháng chiến quân, ông Nghĩa nhận biết những cánh rừng le là nơi trú ẩn lý tưởng cho Sáu Thẹo.

Những nhân chứng, nạn nhân của Sáu Thẹo.

Đền tội

Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, ông Nghĩa quyết định chỉ đạo Ban Chuyên án lập nhiều chốt trinh sát mai phục ven cánh rừng le chờ đợi.

Đó là đêm 17/2/1981, tức đêm 13 tết, Sáu Thẹo và tên đàn em đột nhập vào 2 gia đình ở cạnh nhau tại xã Phước Minh. Sau khi vơ vét của cải, hai tên tà dâm độc ác bắt cóc hai người vợ của nạn nhân mang vào cánh rừng Bến Cây Bứa. Tổ trinh sát mật phục bấm tín hiệu khẩn cấp qua máy truyền tin báo tin về Ban Chuyên án.

Ngay lập tức, lãnh đạo Ban Chuyên án phát nhanh tín hiệu triệu hồi tất cả các cánh quân tuần tra ở khu vực Lòng Hồ, Núi Cậu, Bà Nhã - Bến Cũi, Phước Minh - Định Thành tập trung về Bến Cây Bứa.

Trung tá Thân Văn Hạt bồi hồi nhớ lại: "Cánh từ khu vực Núi Cậu do Tư Rổ chỉ huy, Út Trọng đi cánh giữa. Tôi đi theo tổ của trung úy Nguyễn Trung Sơn (Đội trưởng Bảo vệ chính trị Công an Hồ Nước) chỉ huy. Ngoài ra còn có các chiến sĩ Khi, Bích, Út. Chúng tôi tiến dọc sông về Bến Cây Bứa.

Trung úy Sơn cầm khẩu AR15, anh Khi giữ khẩu P64 và M79, tôi, Bích và Út mỗi người một khẩu AK. Mọi người di chuyển thật thận trọng, không tạo ra tiếng động. Di chuyển đến gần sáng thì đến Bến Cây Bứa. Khi đến đó, mọi người thấy từ trong mé rừng, có hai người phụ nữ hớt hải chạy ra. Chúng tôi biết chắc đó là hang ổ của hai tên cướp".

Mọi người đi sâu vào trong thì nghe có tiếng rè rè của máy radio từ trong rừng vẳng ra.

Mọi người tiến thêm vài bước thì bất ngờ trông thấy Sáu Thẹo và tên Đúng đang nằm ngủ. Như phản xạ tự nhiên, trung úy Sơn nổ súng. Ngay loạt đạn đầu, hai tên cướp đã đền tội.

Khi hỏi, vì sao không bắt sống, trung tá hưu trí Thân Văn Hạt kể: "Tôi không được dự cuộc họp triển khai kế hoạch giăng lưới Sáu Thẹo nhưng nghe kể lại là, mấy anh tranh luận sôi nổi lắm. Người thì đề nghị bắt sống. Người thì đề nghị tiêu diệt tại chỗ. Cuối cùng thì mọi người thống nhất ý kiến, phải tiêu diệt tại chỗ. Có mấy lý do khiến mấy anh quyết định như thế.

Thứ nhất, Sáu Thẹo và Nguyễn Văn Đúng đều nhận bản án tử hình từ tòa án rồi. Chỉ chờ ngày thi hành án thôi. Thứ hai, cả hai tên cướp có trong tay 3 khẩu súng và đều liều mạng. Thứ ba, không thể để sinh mạng anh em cán bộ chiến sĩ bị đe dọa bởi hai tên cướp vô nhân tính. Kể như, đó là cuộc thi hành án. Thời điểm đó, khác bây giờ".

Được tin hai tên cướp phi nhân tính đã đền tội, hầu như mọi nhà ở khu vực Dương Minh Châu và lòng hồ Dầu Tiếng mở tiệc ăn mừng. Người dân khu vực này ăn tết vừa xong lại tiếp tục "ăn Tết".

Chú Năm Vạnh - một nông dân địa phương - dắt một con bò đi thẳng vào trụ sở Công an Hồ Nước để vật thịt, "thưởng công" cho Ban Chuyên án. Nhiều người dân khác đem rau, củ, quả chất đầy gian phòng tiếp tân của Công an Hồ Nước.

Những cán bộ, chiến sĩ Ban Chuyên án cắm trại 24/24 giờ, bám "trận địa" suốt từ mùng 1 Tết được chính Trưởng ty Công an Tây Ninh Ngô Quang Nghĩa ký nghỉ bù 15 ngày Tết cộng với 10 ngày phép thưởng.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ke-hoach-vay-bat-tuong-cuop-sau-theo-post792790.html