Kế hoạch phản ứng của hoàng gia Anh khi Nữ hoàng qua đời

Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ở tuổi 96, gia đình hoàng gia triển khai một chiến dịch đặc biệt đã bắt đầu được lên kế hoạch từ những năm 1960.

Chiến dịch mang tên "Operation London Bridge" (Chiến dịch Cầu London), lần đầu tiên được tiết lộ trong một phóng sự của Guardian năm 2017. Chiến dịch liệt kê những sự kiện sẽ diễn ra ở Vương quốc Anh sau sự ra đi của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Theo New York Times, chiến dịch đã được lên kế hoạch từ lâu và được xây dựng tỉ mỉ với sự phối hợp của cung điện, chính phủ, các phương tiện truyền thông báo chí, chính quyền địa phương và chính nữ hoàng.

Chiến dịch London Bridge có từ khi nào?

Việc đặt mã hiệu cho sự ra đi của hoàng gia bắt nguồn từ sự kiện vua George VI, cha của Nữ hoàng Elizabeth II, băng hà vào năm 1952. Vào thời điểm đó, mã hiệu của ông là "Hyde Park Corner" nhằm cảnh báo các quan chức chính phủ quan trọng về cái chết của ông.

Kể từ đó, các mã hiệu khác cũng đã được đặt cho các thành viên nổi bật của gia đình hoàng gia, bao gồm "Operation Tay Bridge" cho Hoàng thái hậu và "Operation Forth Bridge" cho Hoàng thân Philip. Mã hiệu của Nữ hoàng Elizabeth là "Operation London Bridge", trong khi con trai của bà là Thái tử Charles được cho là "Operation Menai Bridge".

 Mã hiệu "Operation London Bridge" cho sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth bắt nguồn từ sự kiện vua George VI băng hà vào năm 1952. Ảnh: New York Times.

Mã hiệu "Operation London Bridge" cho sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth bắt nguồn từ sự kiện vua George VI băng hà vào năm 1952. Ảnh: New York Times.

Sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth, chiến dịch vạch rõ thư ký riêng của bà, Ngài Edward Young, sẽ là quan chức đầu tiên thông báo tin tức (ngoài người thân và đội ngũ y tế của bà), theo Guardian.

Sau đó, Young sẽ liên lạc với thủ tướng đương nhiệm - hiện là Elizabeth Truss - và đưa ra mật mã "Cầu London bị sập" để báo hiệu sự ra đi của Nữ hoàng.

Từ Trung tâm Phản ứng Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Anh, tin tức về sự ra đi của Nữ hoàng sẽ được truyền tới "15 chính phủ bên ngoài Vương quốc Anh, nơi nữ hoàng cũng là người đứng đầu nhà nước, và 36 quốc gia khác của Khối thịnh vượng chung", theo Guardian.

Các lãnh đạo thế giới, đại sứ, tổng thống và nhiều nguyên thủ quốc gia khác cũng sẽ được thông báo.

Những nội dung tiếp theo

Sau bài phát biểu của Thái tử Charles, sẽ có 10 ngày để tang cho tới khi diễn ra tang lễ chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II.

Theo Politico, tang lễ cấp nhà nước sẽ được tổ chức tại Tu viện Westminster, sau đó sẽ là nghi lễ cam kết tại Nhà nguyện Thánh George tại lâu đài Windsor. Nữ hoàng sau đó sẽ được chôn cất tại Nhà nguyện Tưởng niệm Vua George VI của Lâu đài Windsor.

Theo Guardian, các tài liệu cũng cho thấy quan tài của nữ hoàng sẽ được đưa đi trong một cuộc diễu binh từ Điện Buckingham đến Điện Westminster. Quan tài sẽ được đặt trong nhà táng được mở cửa cho công chúng 23 giờ/ngày trong ba ngày. Tang lễ cấp nhà nước sẽ được tổ chức 10 ngày sau khi nữ hoàng băng hà và được công bố là "ngày quốc tang".

Một trong những hoạt động ứng phó nổi bật của chiến dịch là chiến lược truyền thông xã hội, bao gồm việc chuyển website hoàng gia sang màu đen cùng thông báo ngắn về sự ra đi của nữ hoàng.

Website của các cơ quan chính phủ Anh cũng chuyển màu nền và có banner màu đen. Những nội dung không thiết yếu sẽ không được đăng trong giai đoạn này. Tính năng chia sẻ lại thông tin cũng sẽ được tắt, trừ khi được trưởng bộ phận truyền thông hoàng gia chấp thuận.

Theo chiến dịch, nữ hoàng sẽ được chôn cất tại Nhà nguyện Tưởng niệm Vua George VI của Lâu đài Windsor. Ảnh: New York Times.

Các tài liệu cũng đề cập những vấn đề mà Bộ Ngoại giao Anh sẽ phải đối mặt, như thách thức về cách sắp xếp việc nhập cảnh cho một lượng lớn khách du lịch, của Bộ Nội vụ về cách đối phó với các tình huống khủng bố tiềm ẩn và của Bộ Giao thông Vận tải về tình trạng quá tải ở thủ đô.

Trong nội bộ Vương quốc Anh, ngày nữ hoàng băng hà sẽ được gọi là “D-day". Những ngày tiếp theo cho đến ngày diễn ra tang lễ được gọi là “D+1”, “D+2”,... Quốc hội Vương quốc Anh và các cơ quan lập pháp ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland sẽ được hoãn lại và quốc hội sẽ được triệu tập nếu không họp.

Bộ Quốc phòng sẽ chuẩn bị cho các nghi thức chào súng ở tất cả đài chào và thông báo về hai phút mặc niệm trên toàn quốc.

Cờ trên khắp cả nước sẽ được hạ xuống còn một nửa cột cho đến sáng hôm sau lễ tang của nữ hoàng. Vào ngày Thái tử Charles được tuyên bố công khai làm vua, các lá cờ sẽ được kéo lên cho đến chiều hôm sau và sau đó kéo xuống nửa trượng.

Đức Mạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ke-hoach-phan-ung-cua-hoang-gia-anh-khi-nu-hoang-qua-doi-post1353680.html