Kế hoạch nâng cấp hải quân của Australia

Sau Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm vẫn là một khái niệm không mấy được để tâm, song ngày nay mọi chuyện đã thay đổi và tàu ngầm dần trở thành một lực lượng chủ lực của hải quân nhiều quốc gia trên thế giới.

Không chỉ có Nga và Mỹ, nhiều quốc gia châu Á và tại các khu vực khác cũng đang tích cực đẩy nhanh hoạt động phát triển và mua sắm tàu ngầm bởi họ nhận ra rằng các tàu chiến trên mặt nước thông thường, hay thậm chí là các máy bay chiến đấu, dù có hiện đại tới đâu cũng khó “miễn nhiễm” trước các tên lửa chống hạm và phòng không. Thực tế này khiến người ta phải tính đến việc tăng cường các lực lượng tàu ngầm.

Ngoài khả năng tấn công đồng loạt các mục tiêu, tàu ngầm còn có thể được trang bị các tên lửa hành trình với khả năng tấn công cả các mục tiêu trên đất liền và trên không. Bên cạnh đó, các tàu ngầm cũng có thể thu thập tin tức tình báo, thăm dò và theo dấu hạm đội của đối phương.

Đầu năm 2018, các thông tin cho biết Australia đang bắt đầu xúc tiến chương trình hiện đại hóa quân đội với quy mô lớn nhất từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Ngân sách đầu tư cho chương trình này rất lớn, với gần 50 tỷ USD dành cho phát triển tàu ngầm, 35 tỷ USD cho tàu khu trục và 3 tỷ USD cho các tàu tuần tra xa bờ. Theo kế hoạch, tất cả số vũ khí mới đều sẽ được đóng và hoàn thiện tại Australia.

Những hợp đồng tham vọng

Để phục vụ chương trình này, Hải quân Australia sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, cầu cảng, và đào tạo củng cố kỹ năng tác chiến cho binh sỹ. Tổng chi phí cho kế hoạch hiện đại hóa hải quân ước tính rơi vào khoảng 89 tỷ USD. Trong khuôn khổ chương trình phát triển của hải quân Australia, đáng chú ý phải kể đến các dự án như phát triển tàu tuần tra ngoài khơi SEA 1180 (OPV), tàu khu trục lớp Hunter SEA 5000 và tàu ngầm tấn công lớp Attack SEA 1000, những vũ khí sẽ cải thiện đáng kể năng lực của Hải quân Australia, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và góp phần củng cố an ninh quốc phòng.

Tàu ngầm đóng vai trò quan trọng trong chiến lược răn đe của Australia.

Cuối năm 2016, Hãng đóng tàu DCNS của Pháp đã chính thức ký hợp đồng đóng 12 tàu ngầm điện-diesel tối tân cho Australia và dự kiến bàn giao vào năm 2030. Tổng giá trị hợp đồng là 50 tỷ USD, do đích thân cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian ký kết. Trước đó, vào tháng 4-2016, DCNS đã vượt mặt các đối thủ từ Đức và Nhật trong cuộc cạnh tranh gói thầu đóng tàu ngầm cho Australia với việc giới thiệu mẫu tàu ngầm diesel-điện cải tiến lớp Barracuda Shortfin, phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Barracuda.

Mẫu tàu ngầm diesel-điện cải tiến lớp Barracuda Shortfin dài khoảng 97m, có độ giãn nước là 4.000 tấn, sử dụng động cơ điện 9.400 mã lực và có 4 máy phát chạy bằng diesel dự phòng. Barracuda Shortfin sử dụng hệ thống phản lực dòng nước, thay cho các loại chân vịt truyền thống.

Hạm đội tàu ngầm tương lai của Australia sẽ có tên tàu ngầm lớp Attack (HMAS Attack) khi được đưa vào biên chế đầu những năm 2030 sắp tới. Các tàu này sẽ bắt đầu thay thế dần các tàu lớp Collins đã cũ vào thời điểm ước tính có tới 50% tàu ngầm trên thế giới hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Giới chức Australia tự tin khẳng định các tàu ngầm lớp Attack mới sẽ đem đến cho Australia những ưu thế đặc biệt trong khu vực, nhất là bởi khả năng khó bị phát hiện, hoạt động ở bán kính rộng và khó bị tấn công.

Là trọng tâm chương trình đóng tàu trị giá 95 tỷ USD của Australia, xưởng đóng tàu ASC tại Osborne, phía nam Australia, sẽ trải qua hàng loạt chương trình hiện đại hóa và xây dựng mở rộng. Ngày 13-12, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne đã chính thức khởi công dự án xây dựng tại khu vực xưởng đóng tàu ngầm, chịu trách nhiệm đóng hạm đội tàu ngầm lớp Attack gồm 12 chiếc vào những năm 2020.

Hiện đại nhưng chưa đủ

Chiến hạm số 1 của Hải quân Australia là tàu khu trục lớp Hobart, với chiều dài 147m, rộng 18,6m, có độ choán nước tiêu chuẩn 7.000 tấn. Điểm nổi bật của Hobart là hệ thống chiến đấu Aegis do Mỹ cung cấp. Tàu được trang bị pháo 127mm, 48 ống phóng thẳng đứng MK41, 8 tên lửa chống hạm Harpoon, 2 cụm ống phóng ngư lôi và một số vũ khí phòng thủ khác.

Trong kế hoạch hiện đại hóa hải quân, Australia dự kiến đóng mới 3 tàu khu trục loại này. Nòng cốt sức mạnh hải quân của Australia là tàu hộ vệ tên lửa lớp Anzac. Hiện có 8 tàu này trong biên chế Hải quân Hoàng gia Australia. Tàu có lượng choán nước 3.600 tấn và được trang bị nhiều vũ khí tấn công, phòng thủ tối tân.

Tàu ngầm lớp Collins.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Adelaide là tàu được đóng mới ngay tại Australia trên phiên bản tàu lớp Oliver Hazard Perry của Mỹ với chiều dài 139m, lượng choán nước 4.100 tấn. Tàu được trang bị pháo nòng 76mm, giàn phóng tên lửa phòng không SM-2 MR và tên lửa chống hạm Harpoon, hai cụm phóng ngư lôi và có bãi đáp cùng nhà chứa tối đa 2 trực thăng.

Từ năm 1990 đến nay, Hải quân Australia mới chỉ sở hữu hạm đội gồm 6 tàu ngầm tấn công điện-diesel lớp Collins, một loại tàu ngầm cỡ nhỏ, thiết kế kém nổi bật sử dụng hệ thống ngư lôi 530mm. Đây là mẫu thiết kế và chế tạo của Đức, được đưa vào hoạt động từ năm 1996.

Các tàu ngầm lớp Collins dài 77,8m, rộng 7,8m, độ giãn nước 3.100 tấn khi nổi và 3.400 tấn khi lặn. Tàu có thể hoạt động ở độ sâu tối đa khoảng 180m. Tàu sử dụng ba hệ thống động cơ diesel và một hệ thống điện với 7.200 mã lực. Tốc độ tối đa khi nổi là 10 hải lý/giờ và khi lặn là 20 hải lý/giờ. Bán kính hoạt động của các tàu ngầm lớp Collins chỉ ở vào khoảng hơn 21.000km, đồng nghĩa với việc chúng chỉ có thể di chuyển trong phạm vi lãnh hải của Australia và rất khó tham gia các chiến dịch ngoài khơi xa. Biên chế thủy thủ đoàn và sỹ quan của các tàu ngầm lớp Collins là khoảng 58 người, sau đợt nâng cấp năm 2009. Các tàu được trang bị tổng cộng 6 ống phóng ngư lôi 530mm, và có khả năng mang theo từ 22-44 ngư lôi.

Chiến hạm lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Australia tính đến thời điểm này là tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra, với chiều dài 230m, sàn tàu rộng 32m, lượng choán nước tiêu chuẩn 27.000 tấn. Tàu này có thể tải được hơn 110 xe thiết giáp, cùng 1.000 binh sỹ và 4 tàu đổ bộ xe tăng. Boong tàu rộng đủ cho 5 máy bay trực thăng và nhà chứa máy bay có diện tích phù hợp tối đa 18 chiếc.

Có thể nói, với hệ thống các tàu ngầm và tàu khu trục tân tiến, Hải quân Hoàng gia Australia về cơ bản sở hữu một biên đội tàu chiến mạnh mẽ nhất khu vực. Tuy nhiên, thời thế thay đổi, cùng lúc với nhiều thách thức về an ninh hàng hải trong khu vực, cùng tham vọng bành trướng của một số quốc gia, trực tiếp đe dọa chủ quyền, lợi ích của không chỉ Australia mà còn cả các đồng minh, đã đến lúc Canberra cần có những bước đi tham vọng hơn.

Vị trí địa lý đặc biệt đòi hỏi các tàu ngầm của Australia phải có khả năng di chuyển ở quãng đường xa, đồng nghĩa với việc đã đến lúc quốc gia này cần phát triển ngành công nghiệp tàu ngầm hạt nhân tân tiến và quy mô. Các tàu ngầm hạt nhân có tốc độ cao hơn, linh hoạt và có thể hoạt động ngầm dưới biển trong thời gian lâu hơn, giúp các tàu này hạn chế được các rủi ro liên quan.

Kế hoạch phát triển hạm đội tàu ngầm mới của Australia một phần xuất phát từ những lo ngại và mối quan hệ của quốc gia này với bên ngoài. Canberra cho rằng việc sở hữu một hạm đội tàu ngầm tân tiến sẽ là biện pháp răn đe và phòng thủ hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, kế hoạch này cũng bắt nguồn từ những cam kết của Canberra với Washington.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng tham vọng hàng hải không che giấu của quốc gia này trên thực tế là yếu tố khiến Mỹ không hài lòng và cũng là nguyên nhân khiến Mỹ đẩy mạnh sự hiện diện trong khu vực về mặt quân sự để đảm bảo thế cân bằng. Điều này, vô hình trung khiến Australia buộc phải tìm cách củng cố quan hệ với Mỹ. Trong thế trận căng thẳng của khu vực, Canberra muốn được Mỹ xem là một đối tác đáng tin cậy, và đánh giá cao những đóng góp của mình.

Cảnh báo an ninh tình báo và tham nhũng

Cũng có những ý kiến cho rằng sự hiện diện của các tàu ngầm lớp Attack khó có thể giải quyết triệt để các lo ngại về lỗ hổng trong năng lực tàu ngầm của quốc gia này trong bối cảnh biến động nhanh chóng của khu vực.

Thiếu tướng Hải quân Peter Briggs bình luận: “Một bước nhảy vọt trong cách đặt tên cho thế hệ tàu ngầm mới, một cái tên khá hay và mang tính quyết đoán, phù hợp với các tàu ngầm tấn công. Song nó chẳng giúp giải quyết bất kỳ vấn đề nào được nhắc đến gần đây. Đây là một chương trình phát triển lớn và có nguy cơ sẽ kéo dài hơn dự định. Nếu tiến độ bị chậm lại, có thể là tới tận 2040, thì con số tàu ngầm trong biên chế Australia sẽ chỉ còn 6 chiếc, và cùng lúc đó là những ảnh hưởng tiêu cực trong việc đào tạo và tuyển dụng thủy thủ đoàn”. Ông cho rằng tốc độ phát triển và hiện đại hóa hải quân được đề ra vẫn còn quá chậm, và có nguy cơ Australia “không thể bắt kịp những biến động chiến lược” trước mắt, vì vậy, Canberra “phải đẩy nhanh chương trình hoặc có một lựa chọn thứ hai”.

Trên thực tế ngoài năng lực tàu ngầm, người ta cho rằng Australia trước hết cần củng cố năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập, xét đến tính ưu việt trong việc tránh kích động phản ứng tiêu cực từ các nước bên ngoài như các dự án phát triển tàu ngầm, hay rủi ro về lạm chi và tiến độ.

Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Australia gần đây đã có một bài phản bác quyết định của chính quyền tại Canberra, trong đó nhấn mạnh “với dự án tàu ngầm tương lai và các dự án quốc phòng quan trọng khác, giới hoạch định chính sách Australia cần cân nhắc nhu cầu phòng vệ thực sự của mình, cân nhắc một cách thực tế chứ không nên bị ảnh hưởng bởi các chính sách của Mỹ hay những lo ngại về nguy cơ xâm lược. Các vấn đề chính trị trong nước cũng không nên là yếu tố tác động tới các dự án mua sắm vũ khí từ nước ngoài”.

Từ trước khi địa điểm nâng cấp cơ sở hạ tầng được công bố, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra xung quanh vấn đề chi phí và lựa chọn khu vực, cũng như nguy cơ tham nhũng và an ninh tình báo. Số tiền đầu tư lớn được cho là dễ kích thích lòng tham trục lợi.

Chương trình mua sắm và hiện đại hóa quân đội quy mô lớn, nhất là với các loại vũ khí tối tân, thường thu hút sự chú ý của dư luận và tình báo nước ngoài. Kế hoạch này được Australia thúc đẩy trong bối cảnh an ninh mạng đang là vấn đề hết sức nóng trên toàn cầu, và chính bản thân Canberra cũng là đối tượng bị nhiều tổ chức tình báo nhắm tới. Nhiều quan chức cảnh báo rằng vấn đề an ninh tình báo và tham nhũng, hai mặt của một vấn đề, có mối “quan hệ cộng sinh”. Nhiều tổ chức tình báo có thể dùng tiền hối lộ hoặc mua chuộc để tiếp cận các quan chức, các nhà thầu và nhà cung cấp liên quan tới chương trình phát triển quân đội.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp tham gia đấu thầu chương trình hiện đại hóa quân đội của Australia đã dính vào các cáo buộc tham nhũng và hối lộ. Tập đoàn DCNS của Pháp, trúng thầu chính trong hợp đồng đóng mới 12 tàu ngầm của Australia, từng bị cáo buộc hối lộ tại Malaysia. Năm 2002, DCNS bán 3 tàu ngầm điện-diesel cho quốc gia châu Á này song sau thương vụ đó, 4 quan chức, trong đó có cả Chủ tịch và Giám đốc điều hành của DCNS, đã bị truy tố tại Pháp vì tội tham nhũng. Năm 2016, DCNS từng dính vào bê bối trong thương vụ liên quan tới tàu ngầm Scorpene tại Ấn Độ.

BAE Systems, nhà thầu chính của chương trình đóng mới tàu khu trục, cũng từng bị điều tra về cáo buộc hối lộ tại Tanzania và Saudi Arabia. BAE Systems đã bị phạt 400 triệu USD vì hành vi lừa đảo khi cố tình đưa thông tin sai lệch về giá bán máy bay chiến đấu cho Saudi Arabia, và 41 triệu USD do gian lận trong thương vụ bán radar cho Tanzania.

Tham gia chương trình hiện đại hóa quân đội của Australia lần này là hơn 4.000 nhà thầu phụ, đồng nghĩa với nguy cơ rò rỉ thông tin và các tài liệu nhạy cảm là rất lớn. Đây có thể là điểm yếu mà các tin tặc hoặc giới tình báo thù địch có thể tìm cách khai thác.

Thái Hân (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/ke-hoach-nang-cap-hai-quan-cua-australia-526396/