Kế hoạch hóa gia đình-tiền đề cho phát triển bền vững

Thời gian qua, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) giúp các hộ gia đình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa có thể nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu tình trạng đói nghèo. Bởi vậy, ngày Dân số Thế giới (11-7) năm nay đã lấy chủ đề: 'Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững'.

Đông con và tình trạng đói nghèo

Gọi là nhà nhưng nơi ở của 7 con người trong gia đình anh Vàng A Di (xã Pú Bẩu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) chỉ được làm tạm bợ bằng tre nứa và những mảnh nilon, tấm lợp bro-xi măng vỡ. Bên trong nhà Vàng A Di hầu như không có gì đáng giá, chỉ mấy cái xoong nồi cũ và một ít gạo được trợ cấp. Mới ngoài 30 tuổi nhưng anh Di đã “kịp” có 5 đứa con. Hằng ngày, cả gia đình phải lên rừng kiếm củ mài, củ sắn về độn với cơm để ăn. Nhà nghèo, nên cả 5 đứa con của anh Di đều không được đi học.

Cũng giống như gia đình Vàng A Di, chị Vàng Thị Sính (xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) mới 23 tuổi nhưng đã có 3 đứa con. Đứa lớn nhất 5 tuổi, đứa bé nhất chỉ được một tuổi. Cuộc sống vất vả, chỉ trông chờ vào nương ngô nên nhìn đứa con nào của chị Sính cũng gầy gò, ốm yếu. Khi được hỏi nhà nghèo mà sao sinh nhiều con thì chị Sính chỉ cười nói: “Người Mông ở đây quan niệm nhiều ruộng không bằng đông con. Có con là có của nên vợ chồng mình cứ sinh thôi”.

Việc thiếu các biện pháp kế hoạch hóa gia đình khiến nhiều hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về kinh tế.

Cuộc sống nghèo đói quanh năm khiến nhiều người dân miền núi không mặn mà với việc học hành của con cái và cái vòng luẩn quẩn nghèo đói, thất học cứ bám riết lấy họ. Thiếu ăn, thiếu học, có những đứa trẻ chưa kịp lớn đã lấy chồng, lấy vợ rồi sinh con.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến từng khẳng định: Bảo đảm tiếp cận KHHGĐ là bảo vệ quyền con người. Việc cần làm ngay là phải thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu của dịch vụ KHHGĐ, tập trung trước hết tới nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ đã kết hôn, người di cư và người dân tộc thiểu số. Nói đến KHHGĐ, chúng ta thường nói tới những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại. Nhưng sức khỏe không phải là lợi ích duy nhất, KHHGĐ còn có quan hệ mật thiết với sự thịnh vượng của từng gia đình, từng quốc gia và của cả thế giới. Việc cung cấp các biện pháp KHHGĐ là một phần cốt lõi nhu cầu về sức khỏe sinh sản của phụ nữ, đặc biệt ở nhóm dân tộc thiểu số sống ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế trong tiếp cận với các biện pháp KHHGĐ.

Chìa khóa cho phát triển bền vững

Thời gian qua, công tác KHHGĐ ở nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nếu những năm 1965-1969, chỉ có khoảng 15% số cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai thì bước sang thế kỷ 21, tỷ lệ này đã tăng gấp 5 lần, đạt khoảng 75%. Nhờ vậy, mức sinh của Việt Nam giảm nhanh, hiện đã đạt mức thấp. Những năm 1965-1969, tính đến hết độ tuổi sinh đẻ, trung bình mỗi phụ nữ có gần 7 con thì hiện nay mô hình “gia đình 2 con” đang trở nên phổ biến. KHHGĐ đã giúp phụ nữ, giúp các cặp vợ chồng có số con như mong muốn và việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ số lượng con nhiều, chất lượng thấp sang số con ít, chất lượng cao hơn; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm đầy đủ hơn.

Tuy nhiên, công tác dân số thời gian qua vẫn tồn tại nhiều hạn chế, như: Còn sự chênh lệch trong tỷ lệ tử vong và bệnh tật giữa các vùng miền và giữa các nhóm dân số khác nhau, đặc biệt là trong nhóm dân tộc thiểu số. Vẫn còn có sự khác biệt và thiếu công bằng trong tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng giữa các vùng miền trên toàn quốc. Rất nhiều thanh niên vẫn gặp cản trở trong việc tiếp cận đầy đủ thông tin và dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới sẽ tạo tiền đề cho một cuộc cách mạng lần thứ hai về công tác dân số ở Việt Nam; tạo cơ sở phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong tình hình mới. Nghị quyết đặt ra mục tiêu: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên...

Xác định công tác dân số KHHGĐ là một trong những giải pháp quan trọng đưa đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi đói nghèo, Tổng cục Dân số-KHHGĐ đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác truyền thông về dân số. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên nhận thức của bà con về công tác dân số KHHGĐ ngày càng được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ sinh con thứ ba tại vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể. Chính điều này sẽ phát huy được hết tiềm năng của họ và gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế-xã hội lâu dài.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Thường trực Tổng cục Dân số-KHHGĐ, cho rằng: Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra những vấn đề mới, thách thức mới cần giải quyết, trong đó nêu bật việc chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Chính vì vậy, công tác truyền thông vận động xã hội có vai trò rất lớn. Công tác dân số từ trước đến nay và sau này vẫn là cuộc vận động xã hội rộng lớn, nếu không có sự tham gia của cả hệ thống chính trị thì không thể thành công. Thời gian tới, ngành dân số sẽ tập trung truyền thông vào các vấn đề: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu “dân số vàng”, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ke-hoach-hoa-gia-dinh-tien-de-cho-phat-trien-ben-vung-543635