Kế hoạch Gruzia chiếm Nam Ossetia: Ước vọng của ai?

Không chỉ Tbilisi, mà cả Washington-Brussels đều quyết tâm không rút kinh nghiệm từ sai lầm trong Chiến tranh Nga-Gruzia, chỉ vì khao khát rửa hận...

Kế hoạch Gruzia tái chiếm Nam Ossetia được tiết lộ

Báo Vzglyad của Nga, ngày 3/9, dẫn lời người đứng đầu Đảng Lao động Gruzia, Shalva Natelashvili, cho biết, sau cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia dự kiến diễn ra vào ngày 31/10 tới đây, Tbilisi sẽ thực hiện kế hoạch tái chiếm Nam Ossetia.

“Chắc chắn sau cuộc bầu cử Quốc hội, chính quyền Gruzia thân Nga hiện nay sẽ bị sụp đổ, khi đó quốc kỳ Gruzia sẽ tung bay trên căn cứ quân sự Nga ở Nam Ossetia và khu vực này sẽ sớm nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi”.

Người đứng đầu Đảng Lao động Gruzia kêu gọi nếu chính quyền Tbilisi muốn chứng minh lập trường không thân Nga thì hãy "bắt đầu thực hiện các biện pháp trừng phạt Moscow, để Nga phải trả giá bằng gây thiệt hại hàng tỷ USD" vì chiếm đóng Gruzia.

Việc thủ lĩnh Đảng Lao động Gruzia Shalva Natelashvili tuyên bố về việc Tbilisi sẽ tái chiếm Nam Ossetia được đưa trong bối cảnh tại nước cộng hòa tự trị này đang bất ổn vì làn sóng biểu tình chống chính phủ lan rộng.

Thủ lĩnh Đảng Lao động Gruzia Shalva Natelashvili

Thủ lĩnh Đảng Lao động Gruzia Shalva Natelashvili

"Nhìn từ bên ngoài, tình hình hoàn toàn giống với nỗ lực của một EuroMaidan, nhằm lật đổ chính phủ với sự trợ giúp của các lực lượng cướp quyền từ đường phố và các thành phần xã hội dân sự", theo Tổng thống Cộng hòa Nam Ossetia Anatoly Bibilov.

Các cuộc biểu tình diễn ra trên quảng trường trung tâm ở thủ đô Tskhinvali trong những ngày qua nhằm phản đối lực lượng an ninh đã giết hại một công dân cũng như phản ứng với cách xử lý của chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Hồi giữa tháng 8, một vụ mưu sát Bộ trưởng Nội vụ Igor Naniev bị phát hiện và một thanh niên tên là Inal Dzhabiev bị tình nghi có liên quan đến vụ mưu sát đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, Dzhabiev được thông báo là đã tự sát tại nơi giam giữ.

Sự việc đó đã gây phẫn nộ trong dân chúng, từ đó dẫn đến "một cuộc khủng hoảng nguy hiểm", khi đông đảo người dân xuống đường biểu tình ở quảng trường trung tâm thủ đô Tskhinvali.

Trước nguy cơ diễn ra một EuroMaidan, Bộ trưởng Nội vụ Naniev đã bị Tổng thống Bibilov bãi nhiệm, song tình hình vẫn không lắng dịu. Cuối cùng Tổng thống phải giải tán chính phủ và bắt giữ 8 cảnh sát bị nghi có liên quan đến cái chết của Dzhabiev.

Khi tình hình Nam Ossetia vẫn còn nóng hổi thì ngày ngày 3/9, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết về Tình trạng của người mất tích và người tị nạn ở Abkhazia và Nam Ossetia, do Gruzia và 53 quốc gia bảo trợ khác khởi xướng.

Nghị quyết mà Đại hội đồng LHQ thông qua tại phiên họp thứ 74 này là Nghị quyết thứ 12 liên tiếp kể từ năm 2008, khẳng định quyền cơ bản của những người bị mất tích và người tị nạn, tại hai khu vực ly khai với Gruzia từ sau cuộc chiến với Nga.

Với những chuyển động chính trị ở Nam Ossetia và liên quan đến thực thể này, lời tuyên bố của thủ lĩnh Đảng Lao động Gruzia được nhận diện không chỉ mang tính khiêu khích, mà là thông điệp gửi tới Moscow về kế hoạch tái chiếm Nam Ossetia.

Ước vọng của Tbilisi hay của Mỹ-phương Tây?

Chín năm sau khi buộc Nga-Yeltsin phải lưu lại "Ký ức buồn ở Kosovo", Mỹ và các đồng minh tính tiếp tục buộc Nga-Putin phải lưu lại "Ký ức buồn ở Nam Caucasus" bằng hỗ trợ nhiệt thành Gruzia giải quyết xung đột tại Abkhazia và Nam Ossetia.

Tuy nhiên, lần này thì Washington và đồng minh đã thất bại, bởi Moscow quá quyết liệt trong việc bảo vệ người Nga tại Abkhazia và Nam Ossetia, và cuộc chiến tranh Nga-Gruzia đã xảy ra, mà kết thúc làm phá sản hoàn toàn ý đồ của phương Tây.

Việc Nga công nhận Abkhazia và Nam Ossetia độc lập được xem là kịch bản xấu nhất và bất ngờ nhất với Mỹ và các đồng minh. Đến nay, nước cờ của Tổng thống Putin luôn là nỗi thất vọng với Washington-Brussles trong ván cờ Gruzia.

Nga công nhận Abkhazia và Nam Ossetia độc lập là bất ngờ nhất với Mỹ-NATO

Qua cuộc Chiến tranh Nga-Gruzia, cho thấy cựu điệp viên KGB Vladimir Putin đã không những ngăn chặn tái lập "Ký ức buồn ở Nam Caucasus", mà còn giúp Nga trả sòng phẳng cho Mỹ-NATO cả "vốn lẫn lãi" của "món nợ Kosovo".

Vấn đề độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia đã trở thành rào cản hữu hình đối với Washington-Brussles nhằm cắm cờ NATO trên biên giới phía đông nước Nga. Mỹ-NATO "nuốt nghẹn ở Gzuzia" đắng hơn nhiều Nga gặm nhấm "ký ức buồn Kosovo".

Đặc biệt, khi Sukhumi và Tskhinvali tuyên bố ly khai với Tbilisi, và Nga công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia đã đánh dấu lần đầu biên giới một quốc gia Châu Âu bị thay đổi bởi hành động quân sự kể từ Thế chiến II.

Đây là điều không thể chấp nhận với Mỹ-NATO vì nó đánh vào niềm kiêu hãnh của uy lực Mỹ và sức mạnh NATO, vì vậy tái lập tình trạng ở Nam Caucussu trước năm 2008 luôn là ước vọng của Washington-Brussels.

Để thực hiện được ước vọng của mình, Mỹ-NATO với sự giúp sức của EU đã sử dụng cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm trong xây dựng quan hệ chiến lược tại Nam Caucasus - lấy trọng tâm là Gruzia, tạo đối trọng với Nga.

Mỹ-NATO thì hợp tác quân sự, tiến hành tập trận chung với với Gruzia và các nước vùng Nam Caucasus. Armenia - đồng minh của Nga - cũng bị lôi kéo vào hoạt động quân sự chống Nga này.

Còn EU thì thực hiện chương trình Đối tác phương Đông với Gruzia, nâng cao chất lượng sống cho người dân Gruzia - nhất là tại khu vực gần biên giới với Abkhazia và Nam Ossetia - từ đó tạo ra lực hút với Sukhumi và Tskhinvali.

Mặc dù vậy, trong 12 năm hậu chiến, mọi cố gắng vẫn chưa thể giúp Washington-Brussels rửa được nỗi hận ngày nào. Vì theo Thượng nghị sĩ Mỹ Ron Johnson, Nga vẫn rất quyết liệt do Vladimir Putin quá cương quyết, khác với Boris Yeltsin.

Với thực tế như vậy, rõ ràng "ngoại kích" là chưa đủ, nên Washington-Brussels tính tới việc tạo "nội công", bằng cách khai thác tối đa những mâu thuẫn phát sinh trong xã hội ở Abkhazia và Nam Ossetia.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Nga đã đóng cửa biên giới với Abkhazia và Nam Ossetia, mà bị xem là hành động quá đáng và không hợp lý của Moscow, khiến cho cuộc sống ở hai vùng lãnh thổ này trở nên khó khăn.

"Nhiều điều kiện thiết yếu của chúng tôi gắn liền với Liên bang Nga như thuốc men, dịch vụ y tế, lương thực thực phẩm...Vị vậy, người dân đã cảm thấy rất khó chịu với sự đóng cửa này", Tổng thống Nam Ossetia Anatoly Bibilov cho biết.

Đây được cho là cơ hội tốt nhất cho kế hoạch tạo "nội công" của Mỹ-NATO và khi nhân viên thực thi pháp luật có xử lý không chuẩn xác, gây phẫn nộ cho dân chúng thì kế hoạch tạo "nội công" đã có cớ để được triển khai ở Nam Ossetia.

Các mũi tấn công ào ạt của Nga trong cuộc chiến với Gruzia luôn là sự cảnh báo với Washington-Brussels-Tbilisi

"Đã có các yêu cầu chính trị được đưa từ các cuộc biểu tình, trong đó có những yêu cầu phi lý và bất hợp pháp....Có những lực lượng đã lợi dụng bối cảnh để thực hiện mưu đồ chính trị của họ", Tổng thống Bibilov nhận định.

Khi tình hình Nam Ossetia đang rối ren thì kế hoạch tái chiếm Nam Ossetia đã được công khai từ Tbilisi. Rõ ràng, đây không phải là sự ngẫu nhiên, mà nó hoàn toàn nằm mưu đồ tạo thế gọng kìm "nội công-ngoại kích", để thay đổi hiện trạng Nam Ossetia.

Giới chuyên gia quân sự bình luận :“Dường như Gruzia quyết không rút kinh nghiệm từ những sai lầm hồi năm 2008 khi tấn công Nga. Bởi Moscow chắc chắn phản ứng quyết liệt với mọi mối đe dọa, bất kể Tbilisi theo đuổi mục đích gì”, theo Avia-pro.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không chỉ Tbilisi, mà cả Washington-Brussels đều quyết không rút kinh nghiệm từ sai lầm trong cuộc Chiến tranh Nga-Gruzia, bởi ước vọng muốn rửa nỗi hận với Vladimir Putin khiến họ sẵn sàng bất chấp mọi hiểm nguy.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ke-hoach-gruzia-chiem-nam-ossetia-uoc-vong-cua-ai-3418479/