Kế hoạch, giải pháp phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trong trường học

Trong số những giải pháp để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện do Bộ GD-ĐT đề ra, có đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học và cần áp dụng hiệu quả các phương pháp giáo dục tích cực trong nhà trường, không có bạo lực...

(Ảnh minh họa: ĐĂNG ANH)

(Ảnh minh họa: ĐĂNG ANH)

NDĐT- Trong số những giải pháp để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện do Bộ GD-ĐT đề ra, có đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học và cần áp dụng hiệu quả các phương pháp giáo dục tích cực trong nhà trường, không có bạo lực...

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch hành động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2020-2025. Kế hoạch đặt mục tiêu 100% cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đến cán bộ, nhà giáo và người học; 100% cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và cơ sở giáo dục có quy chế phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương về phòng ngừa, ngăn chặn, can thiệp, hỗ trợ kịp thời và xử lý triệt để các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.

Kế hoạch đặt ra bốn nhiệm vụ và giải pháp để phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, bao gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em; Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào một số hoạt động giáo dục, nội dung chương trình, sách giáo khoa; Nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên các cơ sở giáo dục; Hỗ trợ can thiệp vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục.

Một trong những nội dung được Bộ GD-ĐT đề cập đến trong công tác là việc tổ chức đánh giá, rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên phù hợp với chuyên môn, năng lực cá nhân; áp dụng hiệu quả các phương pháp giáo dục tích cực trong nhà trường, bảo đảm trong cơ sở giáo dục không có cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm quy chế chuyên môn…

Bên cạnh đó là thiết lập và vận hành hiệu quả các kênh thông tin về bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em tại các cơ sở giáo dục như: Hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát, kênh liên lạc giữa gia đình và nhà trường…

HOA LÊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/44151602-ke-hoach-giai-phap-phong-ngua-bao-luc-xam-hai-tre-em-trong-truong-hoc.html