Kế hoạch gây tranh cãi

Các quốc gia A-rập và Hồi giáo ở Trung Ðông đồng loạt lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ động thái mới của Thủ tướng Israel B.Netanyahu về cam kết sáp nhập Thung lũng Jordan, một phần chủ chốt của khu Bờ Tây, nếu ông tái đắc cử. Cộng đồng quốc tế lo ngại kế hoạch này của Israel sẽ gây leo thang căng thẳng ở khu vực, đe dọa làm sụp đổ hoàn toàn tiến trình hòa bình Trung Ðông.

Bình luận quốc tế

Dư luận đang "dậy sóng" sau tuyên bố công khai của nhà lãnh đạo Israel về kế hoạch nhằm mở rộng chủ quyền của quốc gia Do thái đối với Thung lũng Jordan và phía bắc Biển Chết. Nhằm giành cơ hội tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ, Thủ tướng Israel B.Netanyahu đã đưa ra tuyên bố về vấn đề này ngay trước thềm cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 17-9 tới. Theo ông B.Netanyahu, sẽ là "một bước đi lịch sử" nếu Israel áp đặt chủ quyền đối với vùng lãnh thổ chiếm đóng ở khu Bờ Tây. Ông thậm chí còn cam kết thêm rằng, các khu định cư Do thái sẽ là mục tiêu tiếp theo nếu đảng Li-cút của ông giành thắng lợi sau cuộc bầu cử sắp tới.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Israel đã "châm ngòi" cho những tranh cãi nảy lửa giữa Israel và Palestine, đe dọa tác động tiêu cực tới tiến trình hòa bình Trung Ðông. Thung lũng Jordan vốn chiếm khoảng 30% diện tích khu Bờ Tây, vùng đất bị chiếm đóng của Palestine trong cuộc chiến tranh Trung Ðông năm 1967. Thung lũng rộng khoảng 2.400 km2 này hiện là nơi sinh sống của khoảng 53 nghìn người Palestine. Nơi đây cũng có hàng chục trang trại của người Palestine cũng như các khu đất mà chính quyền Palestine đang tìm cách phát triển các dự án năng lượng mặt trời và khu công nghiệp.

Ngay sau khi Thủ tướng Israel công bố kế hoạch sáp nhập vùng đất này, Palestine đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Tổng thống Palestine M.Abbas cảnh báo rằng, tất cả các thỏa thuận hòa bình sẽ chấm dứt nếu Israel sáp nhập Thung lũng Jordan. Nhà lãnh đạo Palestine khẳng định, người dân Palestine có quyền bảo vệ các quyền lợi của mình và đạt được các mục tiêu bằng mọi cách.

Palestine khẳng định một nhà nước độc lập trong tương lai không thể thiếu Thung lũng Jordan. Sự bảo vệ quyền kiểm soát của Nhà nước Palestine trong tương lai đối với khu Bờ tây và Ðông Jerusalem là vấn đề không thể đảo ngược và người Palestine đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ qua vì khát vọng hòa bình và độc lập. Bộ trưởng Ngoại giao Palestine R.Malki kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt trừng phạt Israel sau động thái mới đây. Ông Malki cho rằng, tuyên bố của Thủ tướng B.Netanyahu thể hiện sự coi thường các nghị quyết của Liên hợp quốc, những định chế liên quan và các quốc gia mong muốn nền hòa bình cho Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước.

Những động thái gần đây của Israel cũng vấp phải làn sóng phản đối từ các quốc gia A-rập trong khu vực. Nhiều nước cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của các động thái cản trở tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Bộ trưởng Ngoại giao các nước A-rập ra thông cáo chung cho rằng, tuyên bố của Thủ tướng Israel là một diễn biến nguy hiểm, là động thái gây hấn mới phá hoại cơ hội thúc đẩy tiến trình hòa bình khu vực. Chủ tịch Hạ viện Jordan A.Tawarneh lo ngại, động thái này thậm chí có thể đe dọa hiệp ước hòa bình giữa nước này với Israel. Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập (AL) A.Gheit cảnh báo, Israel đang "đùa với lửa" khi tiến hành các vụ tiến công gần đây nhằm vào lãnh thổ của một số nước A-rập.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres cảnh báo, kế hoạch của Thủ tướng Israel nếu được triển khai sẽ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, hủy hoại cơ hội khôi phục đàm phán và hòa bình khu vực cũng như phá hoại nghiêm trọng khả năng tiến tới giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine. Liên hiệp châu Âu (EU) nêu rõ quan điểm rằng, chính sách xây dựng và mở rộng khu định cư của Israel là bất hợp pháp và việc tiếp tục chính sách này làm xói mòn triển vọng cho một nền hòa bình lâu dài. Các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, A-rập Xê-út lên tiếng cho rằng, cam kết của Thủ tướng Israel có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine rơi vào bế tắc suốt nhiều năm qua. Cộng đồng quốc tế đã nỗ lực xúc tiến các biện pháp khôi phục lòng tin nhằm đưa hai bên xung đột trở lại bàn đàm phán, giúp tái khởi động "con tàu hòa bình Trung Ðông". Tuy nhiên, những động thái liên quan vấn đề xây dựng khu định cư cũng như các chính sách mà Israel đang thực thi đối với vùng lãnh thổ chiếm đóng ở khu Bờ tây có nguy cơ đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông đến bờ vực sụp đổ, tác động tiêu cực tới sự ổn định của khu vực.

MỸ VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41546802-ke-hoach-gay-tranh-cai.html