Kế hoạch du học dang dở vì Covid-19

Chương trình thí điểm đưa sinh viên quốc tế trở lại Australia, niềm hy vọng của du học sinh Việt Nam và các công ty tư vấn di trú, vừa được thông báo tạm hoãn không thời hạn.

Chị Vân Nguyễn (Khánh Hòa) thẫn thờ khi nghe công ty tư vấn du học thông báo kế hoạch đưa sinh viên quốc tế trở lại Australia trong tháng này đã bị hoãn.

Con trai chị Vân vừa kết thúc lớp 11 tại Việt Nam, đã nhận thư mời nhập học của một đại học tại Canberra, Australia.

Theo tư vấn của công ty tư vấn du học, bất chấp dịch bệnh, chị vẫn nộp tiền, lo chứng minh tài chính để xin cấp thị thực cho con, với hy vọng tình hình Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát. Con chị cùng các du học sinh sớm có thể qua Australia học tập.

 Không gian ĐH Melbourne, Australia. Ảnh: Hoàng An.

Không gian ĐH Melbourne, Australia. Ảnh: Hoàng An.

Hoãn đưa sinh viên quốc tế trở lại Australia

Chương trình thí điểm đưa 350 sinh viên quốc tế đầu tiên từ châu Á quay lại Australia do ĐH Quốc gia Australia, ĐH Canberra xây dựng, với sự ủng hộ của chính quyền liên bang, cũng như chính quyền bang, là lý do nuôi dưỡng hy vọng của mẹ con chị Vân và nhiều người khác.

Theo chương trình này, sinh viên sẽ được tập trung tại một điểm trung chuyển và bay tới Canberra, cách ly trong 2 tuần ở khách sạn, trước khi bắt đầu chương trình học tập.

Chi phí chuyến bay do gia đình sinh viên và các trường đại học cùng chi trả. Trường đại học cũng chịu chi phí về chỗ ở, hỗ trợ trong thời gian cách ly cho sinh viên.

Chương trình thí điểm đưa sinh viên quốc tế trở lại được kỳ vọng sẽ là cơ sở để Australia mở cửa biên giới đón đông đảo du học sinh sau đó.

Mỗi năm, nước này đón hơn 600.000 sinh viên quốc tế, trong đó 2/3 là hệ đại học. Số liệu của Cục Thống kê Australia cho biết thị trường giáo dục quốc tế đóng góp tới 32,4 tỷ AUD vào nền kinh tế nước này trong năm tài khóa 2017-2018.

Trong nhiều năm, Việt Nam nằm trong danh sách 4 quốc gia có đông sinh viên đến xứ sở chuột túi du học nhất, xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal. Bộ Giáo dục Australia cho biết hơn 23.000 du học sinh người Việt học tại Australia năm 2020.

Trong thông báo phát đi ngày 9/7, ĐH Quốc gia Australia cho biết chương trình thí điểm đã phải tạm hoãn. Thông cáo nhấn mạnh nhà trường chú trọng hơn vào sức khỏe của sinh viên và chương trình chỉ có thể triển khai khi an toàn.

Trong khi đó, một kế hoạch khác đưa 800 sinh viên đến Nam Australia cũng phá sản, bởi quyết định đóng cửa biên giới, do tình hình dịch bệnh.

“Con tôi còn có lựa chọn tiếp tục hoàn tất chương trình phổ thông ở Việt Nam và cân nhắc kế hoạch du học tương lai. Nhiều du học sinh sẽ không may mắn như vậy”, chị Vân nói với Zing.

Công ty du học mất 30-50% thị trường

Chương trình thí điểm đưa sinh viên quay lại Australia cũng là niềm hy vọng của các doanh nghiệp tư vấn du học, di trú.

Nói với Zing, chị Ivy Nguyễn, Giám đốc Marketing vùng của Ozford Institute of Higher Education, phụ trách thị trường Đông Nam Á, từng hy vọng Chính phủ Australia sớm có kế hoạch đưa học sinh, sinh viên trở lại, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Sinh viên tại Australia khá hoang mang, gia đình lo lắng, nên nhiều người cũng xin về nước.

Nick Dương

Thế nhưng, tình hình không như kỳ vọng. Con số người nhiễm Covid-19 tại Australia tiếp tục tăng nhanh, trong đó nhiều trường hợp lây nhiễm cộng đồng, không rõ nguồn gốc.

Một số khu vực của Australia phải phong tỏa trở lại trong 6 tuần. Thậm chí, hơn 30.000 người ở 9 khu nhà xã hội tại thành phố Melbourne phải đóng cửa hoàn toàn. Người dân thậm chí không được ra ngoài mua đồ ăn.

Anh Nick Dương, Giám đốc công ty tư vấn du học và di trú IEMC, đơn vị chuyên tư vấn các vấn đề liên quan luật di trú và định cư, cũng như về du học tại Australia, cho rằng đây là “điều sớm muộn cũng xảy ra”.

Covid-19 khiến ngành du học, di trú của công ty anh bị ảnh hưởng lớn. Công ty hầu như mất trắng thị trường tại Việt Nam, do không thể làm được visa cho khách hàng.

Các văn phòng lấy dấu vân tay không mở cửa. Hai văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM của công ty tạm thời dừng hoạt động, chủ yếu tư vấn từ xa.

Trong khi đó, tình hình ngay tại Australia của văn phòng Melbourne và Perth cũng không khả quan hơn.

“Sinh viên tại Australia khá hoang mang, gia đình lo lắng, nên nhiều người cũng xin về nước”, anh nói.

Cũng theo người này, riêng khách hàng tại Australia giảm 30% so với trước dịch. “Tình hình ảnh hưởng sẽ kéo dài ít nhất đến khi biên giới được mở cửa trở lại”, Nick Dương nhận định.

Trong khi đó, tương lai của các giảng viên đại học tại Australia cũng không mấy sáng sủa. Số sinh viên giảm, việc giảng dạy chuyển sang môi trường trực tuyến, nhiều nơi bắt đầu cắt giảm nhân sự.

“Ban đầu, nhà trường gợi ý tự nguyện giảm giờ làm, giảm lương để chia sẻ khó khăn. Hiện nay, họ đã gợi ý để giảng viên tự nguyện thất nghiệp”, chị Hương Nguyễn, giảng viên tại một ĐH ở Melbourne, cho biết.

Trong khi đó, tại một trường nghề do người Việt sở hữu tại Melbourne, số nhân sự đã cắt giảm 1/3. Các nhân sự ngắn hạn bị chấm dứt hợp đồng hoặc cắt giảm giờ làm.

Xu hướng du học sinh bỏ trường Tây, về trường ta Bỏ trường Tây về nước học là lựa chọn của nhiều du học sinh Việt Nam khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia.

Hoàng An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ke-hoach-du-hoc-dang-do-vi-covid-19-post1105072.html