Kế hoạch đổi tên nước của Tổng thống Duterte

Ông Duterte khiến nhiều người bất ngờ khi tiết lộ về mong muốn đổi tên Philippines thành 'Maharlika', cái tên mà nhà độc tài Ferdinand Marcos đã từng nhắc tới trước đây.

Trong đủ các mối bận tâm của người dân Philippines, chuyện "đất nước tôi được đặt tên theo một vị hoàng tử Tây Ban Nha thế kỷ 16" hẳn không phải ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đó có vẻ lại là điều khiến Tổng thống Duterte tâm tư.

South China Morning Post đưa tin vào ngày 11/2, ông Duterte bất ngờ tiết lộ rằng mình ủng hộ một đề xuất trước đây, đổi tên Philippines thành "Nước Cộng hòa Maharlika".

Ông Duterte cho rằng đất nước đã bị mắc kẹt với cái tên "Philippines" bởi thực dân Tây Ban Nha và cái tên này được đặt cho đất nước sau khi nhà thám hiểm Magellan tìm ra quần đảo bằng tiền của vua Philip II.

Đề xuất gây tranh cãi

Trên thực tế, nhà thám hiểm Magellan đã chết 30 năm trước khi Philip II trở thành vua của Tây Ban Nha, và đề xuất của ông Duterte đã ngay lập tức gây tranh cãi ở Philippines.

Quốc gia này bắt đầu có tên như hiện tại vào năm 1544, sau khi một nhà thám hiểm Tây Ban Nha quyết định đặt tên cho quần đảo theo hoàng tử Tây Ban Nha lúc đó là Philip II. Cái tên ban đầu được đặt theo tiếng Tây Ban Nha là Las Islas Felipinas (Những hòn đảo của Philip), sau đó được gọi là Filipinas và cuối cùng trở thành Philippines.

Tổng thống Rodrigo Duterte đang gây bất ngờ khi tiết lộ mong muốn đổi tên Philippines thành "Cộng hòa Maharlika". Đồ họa: South China Morning Post.

Tổng thống Rodrigo Duterte đang gây bất ngờ khi tiết lộ mong muốn đổi tên Philippines thành "Cộng hòa Maharlika". Đồ họa: South China Morning Post.

"Tôi không nghĩ đây là thời điểm để thực hiện đổi tên, bạn đạt được gì từ việc đổi tên chứ? Chúng tôi từ lâu đã được biết đến như là người Philippines", ông Ricardo Jose, nhà sử học tại Trung tâm Nghiên cứu Thế giới Thứ ba của Đại học Philippines, cho biết.

Vấn đề đổi tên cũng nhạy cảm về mặt chính trị, cái tên "Maharlika" từng là mong muốn của một nhà độc tài: Ferdinand Marcos. Ông Duterte ngày hôm đó nói: "Marcos đã đúng, ông ấy muốn đổi tên đất nước thành Cộng hòa Maharlika, bởi vì maharlika là một từ gốc Malay, với ý nghĩa giống khái niệm yên ả và hòa bình".

Nhưng đây không phải ý của Marcos. "Maharlika" trong mắt Marcos là một từ có nguồn gốc từ trước thời kỳ thực dân, bắt nguồn từ ngôn ngữ Sanskrit (tiếng Phạn), có nghĩa ban đầu là "người tự do" nhưng được mang ý nghĩa "người cao quý".

Nhà sử học Jose cho biết: "Tôi nghĩ ông ấy (Marcos) muốn sự quý tộc, đối với ông ấy từ này có nghĩa là những người quý tộc, đó là viễn cảnh về một quá khứ hão huyền, chúng tôi chưa bao giờ có sự quý tộc theo nghĩa đó".

Khi những nhà thám hiểm Tây Ban Nha đặt chân đến đây vào năm 1500, quần đảo là một tập hợp khổng lồ của những khu định cư nhỏ, với những ngôn ngữ khác nhau và mỗi khu vực lại bao gồm một số tầng lớp cư dân được thống trị bởi một nhà lãnh đạo. Một trong số những tầng lớp này là maharlika.

Kế hoạch dang dở của nhà độc tài

Sau Thế chiến 2, Marcos tự tuyên bố ông lãnh đạo một đội du kích chống Nhật có tên "Ang Mga Maharlika" (những người cao quý) và thậm chí còn yêu cầu huân chương và quyền lợi của cựu chiến binh từ Mỹ. Các nhà sử học và quân đội Mỹ đã điều tra và khẳng định nhóm này không có thật, và đây là một trò lửa đảo.

Mặc dù vậy nhà độc tài Marcos vẫn tự nhận mình là anh hùng chiến tranh và khi tuyên bố thiết quân luật vào năm 1972, ông đã sử dụng quyền lực của mình để gắn từ "Maharlika" lên mọi cơ quan chính phủ từ đài truyền hình quốc gia cho đến cung điện và đường cao tốc. Quốc hội dưới thời ông Marcos đã từng thảo luận về việc đổi tên đất nước thành Maharlika, nhưng cuối cùng thì điều này đã không diễn ra.

Nhiều người đã phản đối việc nhà độc tài Marcos được đưa vào an táng trong nghĩa trang anh hùng quốc gia của Philippines. Ảnh: Reuters.

Một nhà sử học danh tiếng ở Philippines, ông Zeus Salazar, trả lời This Week in Asia rằng nỗ lực đổi tên đất nước của nhà độc tài Marcos là một phần của kế hoạch "cách mạng từ trung tâm" của chế độ. "Khi đó các quốc gia mới ở châu Á và châu Phi đang có xu hướng đổi tên như là một phản ứng trước chủ nghĩa đế quốc phương Tây", ông Salazar nhận định.

Nhà sử học này cũng cho biết "Maharlika" không có nghĩa là "cao quý" hoặc "quý tộc", mà nó xuất phát từ tiếng Phạn maharddhika, có nghĩa là "giàu có hoặc giàu sang".

Chế độ của nhà độc tài Marcos đã giam giữ, tra tấn và giết hại hàng nghìn người Philippines và biển thủ số tiền ước tính lên tới 10 tỷ USD. Mọi thứ chấm dứt vào năm 1986 sau khi nhà độc tài và gia đình phải chạy trốn sau một cuộc nổi dậy.

Đã quá muộn cho một sự thay đổi

Tổng thống Duterte không hề che giấu sự ái mộ đối với nhà độc tài Marcos, trong đó có việc cho phép an táng nhà độc tài trong nghĩa trang anh hùng quốc gia, và tuyên bố không có bằng chứng chứng mình nhà độc tài và gia đình đã làm giàu phi pháp.

Nhà sử học Salazar chia sẻ một số nhận định cá nhân về lý do tại sao Tổng thống Duterte nhắc lại kế hoạch đổi tên đất nước của nhà độc tài Marcos.

"Thứ nhất, ông ấy (Duterte) là một phiên bản lỗi của Marcos; thứ hai, ông ấy không thể làm bất cứ điều gì ngoại trừ những thứ mà ông ấy cho là điên rồ; thứ ba, ông ấy muốn công chúng phân tâm khỏi những vấn đề của chính quyền; và thứ tư là có lẽ ông ấy nghĩ việc này sẽ cải thiện khả năng tái cử trong cuộc bầu cử sắp tới".

Một cuộc tuần hành phản đối ông Duterte do có những phát ngôn thiếu tôn trọng phụ nữ đã diễn ra tại Philippines vào ngày 8/3 vừa qua. Ảnh: AFP.

Vào ngày 3/3, ông Duterte có vẻ đã thay đổi ý định một chút: "Tôi muốn đổi tên đất nước trong tương lai. Chưa có cái tên nào được xác định, nhưng tôi muốn đổi tên... bởi vì Philippines được đặt theo tên của vua Philip.

Đối với nhà sử học Salazar, ông cho rằng cái tên Philippines sẽ không thể thay đổi nữa. "Marcos còn không thể làm vậy, chứ đừng nói là Duterte, người đang còn cách rất xa với khả năng của Marcos trước đây", ông Salazar nhận định.

"Bản sắc của người Filipino đã được định hình và gắn bó với cái tên quốc gia của họ, nước Philippines. Sự đổi tên đã có thể được thực hiện vào thời kỳ cách mạng (cuối những năm 1800), nhưng bây giờ thì đã quá muộn, đất nước đã sử dụng cái tên này trong 500 năm", nhà sử học cho biết.

Sơn Trần
Theo South China Morning Post

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ke-hoach-doi-ten-nuoc-cua-tong-thong-duterte-post924106.html