Kế hoạch 'đặc biệt' mang số 420

Sau nhiều cuộc họp bàn, ngày 22-2-2017, UBND tỉnh Ðiện Biên đã ban hành Kế hoạch 420/KH-UBND để giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do (DCTD) tại huyện Mường Nhé.

Với sự vào cuộc trách nhiệm của nhiều sở, ngành; sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và tinh thần không quản ngại khó khăn của hơn 400 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, Kế hoạch 420 đã đạt kết quả tích cực, tiếp thêm niềm tin, nhiệt huyết cho những người đã gắn bó, cống hiến trên vùng đất cực tây nhiều gian khó, xa xôi.

Những ngày này năm trước, tập thể cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Ðiện Biên - đơn vị được UBND giao nhiệm vụ thường trực chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 420, vô cùng bận rộn. "Ðây là kế hoạch đặc biệt thực hiện công việc rất khó khăn, đặc thù, lại chỉ trong một năm cho nên Ban Giám đốc Công an tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt" - Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh, thành viên UBND tỉnh, trực tiếp chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 420 - đã nói như thế khi trao đổi với chúng tôi về quá trình triển khai, thực hiện Kế hoạch 420.

Bởi là Kế hoạch đặc biệt cho nên ngay cả công tác triển khai, quán triệt nội dung cũng rất khác, đòi hỏi phải thực hiện trong thời gian ngắn nhất nhưng vẫn phải đến được các sở, ngành thành viên và đến toàn bộ các trưởng bản của huyện Mường Nhé. Số cán bộ, công chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang được trưng tập lên tới 454 người. Tờ rơi, tài liệu tuyên truyền nội dung về phá rừng, DCTD phát trên địa bàn huyện Mường Nhé còn được in bằng tiếng Việt và cả tiếng Mông La-tinh; cùng với đó là rất nhiều công cụ, phương tiện cần thiết, như quần áo mưa, đèn pin, mũ cối, dép quai hậu… được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ cán bộ, chiến sĩ khi về địa bàn.

Ðể bảo đảm mọi vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch 420 đều được giải quyết kịp thời, Ban Giám đốc Công an tỉnh Ðiện Biên đã phân công hai đồng chí phó giám đốc luân phiên đi kiểm tra, chỉ đạo các tổ công tác; tổ chức giao ban hằng tuần tại Công an huyện Mường Nhé để đánh giá việc đã làm, chưa làm được, từ đó chủ động tháo gỡ, giúp các tổ công tác. Ðịnh kỳ hằng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh đều kiểm tra tiến độ thực hiện trên thực địa; đồng thời tổ chức họp liên ngành, tiếp thu kiến nghị của các tổ công tác để có chỉ đạo, tháo gỡ.

Nhớ lại những ngày đầu mới triển khai Kế hoạch 420 trên địa bàn, Trung tá Nguyễn Duy Thái, tổ trưởng tổ công tác số 1, cho biết: Không khí làm việc như trên "đại công trường". Tại các điểm nóng về phá rừng, DCTD, như: điểm bản Cà Là Pá (xã Leng Su Sìn), Tá Phì Chà (xã Chung Chải) và xã Nậm Kè, thành viên các tổ công tác đều tổ chức đi tuần, tuyên truyền vận động người dân suốt 24 giờ. Họp một lần dân bản chưa thông thì tổ công tác phải tổ chức họp lần hai, lần ba; thậm chí bản Cà Là Pá phải họp đến sáu lần thì người dân mới đồng ý với chủ trương và thống nhất cách di chuyển nhà cửa. Với một số đối tượng mượn cớ bị ảnh hưởng quyền lợi đã kích động phụ nữ và trẻ em tụ tập chống đối, thành viên các tổ công tác đã sử dụng nhiều biện pháp, kiên trì bám trụ vận động kết hợp với răn đe, giáo dục để đối tượng hiểu và tự giác chấp hành.

Xác định cần áp dụng phương châm tuyên truyền kiểu "mưa dầm thấm lâu", mỗi ngày giúp vài gia đình dựng nhà chuyển đồ, đến cuối năm 2017, sáu tổ công tác thực hiện Kế hoạch trên địa bàn đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ số nhân khẩu, hộ khẩu làm cơ sở cho việc cấp sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và các giấy tờ khác cho 2.049 người, cấp 960 giấy khai sinh trẻ em. Các tổ công tác đã phối hợp giải quyết nhiều điểm dân cư tự phát, như: nhóm điểm ngã ba Phứ Ma của bản Phứ Ma; nhóm Gò Phù Thú, Á Di, Chí Xé, Thó Ngạ của bản Á Di xã Leng Su Sìn; Tá Phì Chà, Húi To 1, 2, xã Chung Chải...

Khó khăn nhất phải kể đến việc di chuyển 78 gia đình (gồm 387 nhân khẩu) ở điểm dân cư tự phát Tá Phì Chà (xã Chung Chải) về sắp xếp, lấp đầy tại các điểm bản đã được phê duyệt theo Ðề án 79 của Chính phủ (về việc sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn huyện Mường Nhé). Quá trình di chuyển dân ở Tá Phì Chà, cơ quan thường trực và UBND huyện Mường Nhé đã huy động 160 cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, lực lượng vũ trang hơn 2.800 lượt phụ nữ, thanh niên, dân quân các xã Chung Chải, Mường Nhé, Leng Su Sìn, Mường Toong, Nậm Kè, Nậm Vì cùng tham gia tuyên truyền, kiểm kê tài sản của người dân; đồng thời bảo đảm công tác an ninh trật tự.

Quá trình di chuyển hộ dân ở các điểm này gặp rất nhiều khó khăn, vì họ ở phân tán thành ba khu trải khắp các sườn đồi; tài sản của người dân (thóc, ngô, trâu, bò…) để tại lán nương cách nhà hàng ki-lô-mét, trong khi đường lên điểm Tá Phì Chà dài gần 3 km lại đèo dốc quanh co rất nguy hiểm. Trước tình hình đó, cơ quan thường trực đã chủ động đề xuất và khẩn trương huy động cán bộ, người dân trên địa bàn mở đường ô-tô lên điểm Tá Phì Chà để phục vụ việc di dân. Ngay trong đêm 11-11-2017, công sức của gần nghìn người và rất nhiều máy móc, phương tiện đã hoàn thành mở rộng con đường gần 3 km để thuận lợi hơn cho việc chuyển nhà cho dân.

Cùng tham gia tuyên truyền, vận động người dân Tá Phì Chà chuyển nhà; cùng lặn lội với các thành viên đội công tác số 1 đi tuyên truyền để người dân không phá rừng làm nương, ông Lỳ Ðồng Tá, Chủ tịch UBND xã Chung Chải là người thấu hiểu bao khó khăn, vất vả mà mỗi thành viên tổ công tác trải qua. Trao đổi với chúng tôi, ông Lỳ Ðồng Tá, cho biết: Trước đây cây trong rừng Chung Chải còn nhiều hơn số dân huyện Mường Nhé hiện có, vậy mà chỉ trong vài năm, hàng nghìn héc-ta rừng bị phá; người di cư vào đến đâu rừng bị phá đến đó. Nhìn cảnh rừng bị phá chúng tôi xót xa lắm mà không biết làm cách nào. May nhờ có cán bộ, chiến sĩ tăng cường về địa bàn ngày đêm đi tuyên truyền, hướng dẫn cách lao động sản xuất và phổ biến quy định về bảo vệ rừng, người dân đã hiểu về nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ rừng.

Với sự vào cuộc trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức được trưng tập; sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, việc thực hiện Kế hoạch 420 đã kịp thời ngăn chặn, giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng, DCTD tại huyện Mường Nhé. Từ tháng 4-2017 đến nay, toàn huyện không phát hiện trường hợp phá rừng mới, không có trường hợp nào mới DCTD vào địa bàn. Và nhất là phải kể đến kết quả của việc tổng điều tra, rà soát, kiểm đếm nhân khẩu, hộ khẩu lần đầu tiên được thực hiện một cách đồng bộ, cơ bản nhất là căn cứ để cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục quản lý nhân hộ khẩu trên địa bàn; để chính quyền địa phương hoạch định các mục tiêu phát triển trên từng lĩnh vực sát thực, hiệu quả hơn.

Bài và ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35953302-ke-hoach-dac-biet-mang-so-420.html